Ồn ào học phí trường quốc tế, tư thục mùa Covid-19: Giáo dục không phải món hàng gây tổn thương

Phụ huynh phản đối trường thu học phí trong thời gian có dịch Covid-19. (Ảnh minh họa).
Phụ huynh phản đối trường thu học phí trong thời gian có dịch Covid-19. (Ảnh minh họa).
(PLVN) - Học online trở thành giải pháp tạm thời khi học sinh không thể đến trường trong thời gian có dịch Covid-19. Trong khi chất lượng dạy và học online chưa như kỳ vọng thì học phí online được tính như thế nào đã luôn là câu hỏi của phụ huynh. Và việc hàng trăm phụ huynh kéo đến các trường “biểu tình” liên quan đến học phí trong những ngày qua cũng là điều chưa có tiền lệ…

Tiền có thể mua được nhiều thứ cho con, nếu biết cách

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh được nghỉ học kéo dài khiến nhiều trường tư thục gặp nhiều khó khăn. Vì không có nguồn thu học phí nhưng các trường vẫn phải trả chi phí thuê mặt bằng, lương giáo viên, kinh phí duy trì hoạt động của trường… 

Được biết, từ đầu tháng 4 đến nay, hàng loạt trường ngoài công lập như Trường dân lập quốc tế Việt Úc (VAS), Trường quốc tế Úc (AIS Saigon), Trường Song ngữ EMASI, Trường quốc tế Sao Việt, Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, Trường quốc tế Mỹ (TAS)… đều bị phụ huynh phản đối liên quan đến thu học phí mùa dịch. Một số trường còn bị phụ huynh kéo đến cổng trường cầm tờ rơi, băng rôn phản đối, yêu cầu được gặp lãnh đạo để đối thoại…

Theo một người phụ trách trường quốc tế khá danh tiếng tại TP HCM, nhiều phụ huynh người nước ngoài cũng có những bức xúc, yêu cầu nhưng họ âm thầm làm việc với nhà trường và đề nghị bảo mật thông tin về quan hệ giữa phụ huynh với nhà trường (kể cả với con cái). Phụ huynh người nước ngoài ngại mối quan hệ nào đó giữa trường và phụ huynh ảnh hưởng đến môi trường học của con, tạo hình ảnh tiêu cực trước con...

Theo anh Chương Đặng (chuyên gia trong lĩnh vực du học) bày tỏ: “Không phải người trong cuộc nên chúng ta không biết được những bức xúc riêng của mỗi người. Nhưng về mặt lý thuyết, khi biết có hai phương pháp “đấu tranh” của phụ huynh thì bạn sẽ chọn phương pháp cùng rủ nhau kéo đến trường theo lời “kêu gọi” của ai đó hay sẽ tự mình giải quyết riêng và yêu cầu bảo mật thông tin?

Nhà trường hay bất kỳ cộng đồng, tập thể nào cũng cần có những quy định kỷ luật. Vấn đề là làm sao cho những quy định này văn minh, hợp lý và biến nó thành nhu cầu, thói quen của các thành viên một cách khoa học và nhân văn. Tôi nghĩ nếu phụ huynh đã không thể ngồi lại nói chuyện với nhà trường đến mức phải giăng bảng biểu tình vì chuyện học phí thì tốt nhất là họ nên rút học bạ, chọn một nơi khác cho con theo học.

Bởi sự học của trẻ dựa trên cái thế kiềng ba chân: Nhà trường, học sinh và phụ huynh. Mối quan hệ này luôn luôn có sự xung khắc và có sự hòa giải trong một biên độ của lễ nghĩa. Học sinh học cái chữ ở trường để thành tài và học cách đối xử từ cha mẹ và thầy cô của mình để thành người…

Anh Chương Đặng cho hay, hồi xưa tôi đi làm gia sư cho một gia đình tiểu thương, mỗi tháng trả tiền lương cho tôi bà mẹ đều cẩn thận để vào bao thơ và trao nó cho tôi khi không có mặt của cậu con trai. Bà dạy con tiễn chân thầy, nhưng đến ngày trả lương, bà sẽ đứng ở chân cầu thang và nói với lên: “Hôm nay mẹ sẽ tiễn thầy giúp con!”.

Nhà họ có nhiều người giúp việc, nhưng đứa bé có nhiệm vụ xuống bưng nước lên mời thầy. Thằng bé không có lợi thế về ngoại hình, mặc dù cả cha và mẹ nó đều rất đẹp. Nhưng bà mẹ đã rất nghiêm cẩn “đặt” vào nó một tác phong lịch duyệt, sự lễ phép hiểu biết; cực kì dễ chịu khi ở gần.

Lương gia sư của tôi luôn cao hơn đồng nghiệp. Tôi không chọn học sinh nhưng rất kén phụ huynh. Người mẹ của cậu học trò ấy đã cho tôi hiểu tiền có thể mua được nhiều thứ cho con, nếu người ta biết “cách mua”…

Khi “việc học” được định giá như món hàng

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT nêu quan điểm: Trước hết phải nói rằng, dịch bệnh là lý do bất khả kháng không chỉ với lĩnh vực giáo dục mà ở hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng.

Đối với ngành Giáo dục, việc chuyển từ học trực tiếp sang học trực tuyến cũng là giải pháp bắt buộc, không thể làm khác của cả khu vực trường công và trường tư. Trong bối cảnh có những thay đổi đột ngột như vậy mà cách hành xử thiếu đi sự tinh tế, khéo léo sẽ rất dễ phát sinh những mâu thuẫn.

TS Lê Trường Tùng cho rằng, khi mọi vấn đề còn chưa rõ ràng việc định ra mức học phí và thu học phí ngay là hơi sớm. Nhà trường hoàn toàn có thể chờ đợi tới khi năm học kết thúc, lúc đó có thể tính toán và đưa ra mức học phí phù hợp. Quan trọng nhất là giữa hai bên phải chấp nhận cùng chia sẻ rủi ro, mỗi bên chịu thiệt một ít thì mới có thể tìm được tiếng nói chung.

Tuy nhiên, với không ít trường quốc tế, cái khó nằm ở đội ngũ giáo viên, thậm chí cả hiệu trưởng, chỉ làm việc theo đúng thời gian hợp đồng đã ký. Khi hết thời hạn, thường vào giữa tháng 6, họ sẽ về nước hoặc đến một quốc gia khác theo lịch làm việc tiếp. 

Trong một thư ngỏ của một trường quốc tế ở Hà Nội gửi phụ huynh, nhà trường cho biết: Trong thời gian học sinh nghỉ học tránh dịch, toàn bộ giáo viên và nhân viên của nhà trường vẫn làm việc bình thường, mọi chi phí lương và chi phí vận hành nhà trường đều phải chi trả. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc, phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ việc con học tập ở nhà; nhiều giáo viên tiểu học tổ chức dạy học vào các buổi tối và ngày cuối tuần để phù hợp với lịch làm việc của phụ huynh.

Các hoạt động ngoại khoá, sự kiện là phần bổ trợ cho chương trình học nên khi học sinh đi học trở lại, Nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức với sự điều chỉnh về thời gian và quy mô để phù hợp với công tác đảm bảo an toàn cho học sinh. Ngoài ra, do năm học này kéo dài 12 tháng (bình thường là 10 tháng), nhà trường cũng phát sinh rất nhiều chi phí liên quan đến cơ sở vật chất cũng như trang bị đồ dùng nhằm đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại như thiết bị y tế, máy sấy tay khô… 

Và điều đáng nói, trong những ồn ào về học phí đang chia rẽ sâu sắc trường học và phụ huynh hiện nay, học sinh sẽ ra sao khi chứng kiến những câu chuyện không đáng có sau mùa giãn cách này? Khi mà phụ huynh và nhà trường đều có đánh giá riêng của mình về học phí rằng thế nào là đúng và đủ.

Chuyện học lúc này như một món hàng đang được định giá khác nhau dẫn tới tranh chấp: Người bán có lý khi nói đã bỏ nhiều công sức thi công, chế tác; người mua cũng không sai khi đánh giá chất lượng sản phẩm không thể như học trên lớp. Giáo dục không phải là một món hàng gây tổn thương, mà hơn hết cần những ứng xử khéo léo, chân thành và sẻ chia trong giai đoạn khó khăn này. 

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phụ huynh khi đã lựa chọn môi trường học cho con mình thì đồng nghĩa với việc không còn tư duy được hỗ trợ như học trường công nữa. Hoàn toàn phải chấp nhận “sân chơi” mình đã lựa chọn với những thỏa thuận phù hợp. Cùng với đó, khi phát sinh mâu thuẫn, cần lắm những ứng xử tinh tế, văn minh - không đi chệch biên độ lễ nghĩa để người thầy đứng trên bục giảng luôn là hình ảnh cao đẹp trong mắt học trò. 

Không tổ chức học trực tuyến, không được thu học phí

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện các khoản thu đối với năm học 2019-2020 phải bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch và thỏa thuận thu trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học.

Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, nếu không tổ chức học trực tuyến thì sẽ không được thu học phí và các khoản thu hộ, chi hộ. Nếu đã thu thì sẽ thực hiện thanh toán bù trừ khi học sinh đi học trở lại và thanh, quyết toán vào cuối năm học với phụ huynh học sinh.

Nếu tổ chức học trực tuyến thì các cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, các khoản chi phí phát sinh cần thiết để triển khai các hoạt động tổ chức dạy, thời gian thực tế học trực tuyến, các nội dung truyền tải qua dạy học trực tuyến, tỷ lệ hoàn thành chương trình học… để xác định mức thu hợp lý.

Mức thu trên nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh nhưng không được vượt quá mức thu, tổng thu cả năm học đã được cam kết, công khai từ đầu năm học. Đồng thời có chính sách giảm mức thu phù hợp với điều kiện của học sinh, sinh viên…

Đối với các cơ sở giáo dục công lập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học để phòng tránh dịch nếu không triển khai học trực tuyến thì không thực hiện thu học phí; chỉ thực hiện thu học phí khi tổ chức học trực tuyến hoặc bố trí học bù. Mức thu học phí thực hiện theo quyết định của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm nguyên tắc theo số tháng thực học nhưng không vượt quá quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP (đối với giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên theo số tháng thực học; giáo dục phổ thông không quá 9 tháng/năm; giáo dục đại học không quá 10 tháng/năm).

Các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường theo quy định của điểm b khoản 6 Điều 99 Luật Giáo dục 2019 thì HDND tỉnh quyết định các khoản thu trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh. Việc quản lý và sử dụng các khoản thu dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và quy định khác có liên quan.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các khoản thu, chi trong cơ sở giáo dục trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra tình trạng thu sai quy định, lạm thu… 

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...