Góp ý Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương, ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng các quy định ‘ôm đồm’, vô hình trung đã khoác thêm nhiều tròng quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương, hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.
Ông phân tích để chứng minh nhận định của mình: Có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương nhưng mang tính chất đặc thù đã được quy định ổn định trong các văn bản khác nhưng lại được thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh thêm quy định, vừa giăng thêm lưới quản lý, các bộ quản rồi Bộ Công Thương lại quản thêm, quản chồng lên quản.
Ví dụ, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, quá cảnh, cửa khẩu xuất nhập khẩu lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả, giờ lại quy định vào luật này vừa cồng kềnh, vừa phát sinh thêm giấy phép mới, như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp.
“Có những vấn đề quản lý đúng là liên quan đến ngoại thương, đúng là chưa được quy định ở đâu nhưng lâu nay vẫn hoạt động trên thực tiễn, vẫn diễn ra bình thường không gặp vướng mắc, khó khăn gì, vậy sao bây giờ lại phải bổ sung quy định phải quản lý.” ĐB đặt câu hỏi.
Theo nhận định của ông Vũ Tiến Lộc: Mục tiêu của luật này là để hệ thống hóa quản lý, không phải gia tăng thêm mức độ tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương. Ví dụ, quy định về đại lý mua bán hàng hóa quốc tế ủy thác và nhận ủy thác xuất nhập khẩu, gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài lâu nay vẫn thực hiện theo Luật thương mại, không có vấn đề gì phát sinh, vậy cớ gì phải bổ sung thêm cơ chế quản lý này?
Đối với hàng hóa đặc thù cũng vậy, pháp luật chuyên ngành đã có quy định rồi. Ví dụ, gia công thuốc, gia công nông hóa phẩm thì pháp luật về y tế, về nông nghiệp đã có rất nhiều điều kiện rồi vậy Luật ngoại thương cũng không cần quy định.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng có những vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác quy định vào luật này lại thành xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung.
Ví dụ quy định về giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương, giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ. Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ là rất cần thiết nhưng phải được quy định chung cho tất cả các tranh chấp thương mại chứ không thể cát cứ như trong dự luật quy định. Tranh chấp thương mại cấp Chính phủ có thể xảy ra với nhiều loại biện pháp mà Chính phủ thực hiện, ví dụ thuế nội địa, phân biệt đối xử trong thương mại, biện pháp đầu tư, sở hữu trí tuệ nếu quy định như trong dự luật này thì cứ mỗi lĩnh vực lại phải quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng, rất không hợp lý.
Về ý nghĩa hiệu lực của luật, ĐB Vũ Tiến Lộc phân tích: Mục tiêu lớn nhất của luật này là thống nhất được các biện pháp quản lý ngoại thương mà lâu nay đang được quy định tại nhiều văn bản bởi nhiều cơ quan khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thống nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp nhưng với thiết kế như dự thảo thì dường như luật chưa đạt được mục tiêu này.
“Tôi lấy ví dụ vấn đề quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu, chúng ta đều biết chúng ta đang phải đối diện với một vấn đề nóng bỏng trong thực tiễn hoạt động xuất, nhập khẩu là vấn đề kiểm tra chuyên ngành. Hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 1/3 tổng lượng hàng hóa và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 70% thời gian thông quan. Hải quan có cải cách bao nhiêu thì cũng không đủ. Không có quy định nào thống nhất về việc kiểm tra chuyên ngành phải làm như thế nào và trên nguyên tắc gì, thời hạn ra sao, áp dụng với loại hàng hóa nào và phải phối hợp liên kết với nhau như thế nào. Mỗi bộ đều tự quy định danh mục hàng hóa và quy trình kiểm tra chuyên ngành, đó là một bất cập lớn.” ĐB phân tích.
Và theo ông, lẽ ra luật này phải đạt được các mục tiêu cốt lõi, chi tiết làm khuôn khổ để thống nhất hoạt động của các bộ, làm công cụ tổng lực để giải quyết rốt ráo và có hệ thống vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang rất nan giải hiện nay, nhưng dự luật lại quy định rất chung chung và trao quyền ưu tiên cho pháp luật chuyên ngành và cho các bộ chuyên ngành.
Về nội dung của dự thảo luật, ĐB cho rằng dự thảo Luật quản lý ngoại thương lần này điển hình là một luật khung, luật ống, nhưng có nhiều vấn đề có thể quy định chi tiết nhưng dự thảo lại đẩy việc cho Chính phủ.
“Ở trên tôi có đề cập dự thảo quá ôm đồm, nhiều nội dung không cần thiết nhưng với những nội dung cần thiết, cốt lõi thì lại quy định rất chung chung. Ví dụ về các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, danh mục các biện pháp cấm này thì kiểu gì cũng phải tuân thủ các cam kết của WTO. Các cam kết TPP hay EVFTA hoặc các Hiệp định tự do thương mại khác thì chỉ áp dụng cho một số thị trường cụ thể. Vậy thì tại sao chúng ta lại không quy định luôn trong luật mà phải chuyển cho Chính phủ, tương tự như vậy vấn đề hạn ngạch thuế quan cũng như vậy.”