Theo số liệu thống kê, tỉ lệ người cao tuổi phải chịu đựng những triệu chứng cuối đời như khó thở là 83%, mệt mỏi: 80%, đau đớn: 45%, rối loạn tri giác: 34%,… Và đâu đó, trong cuộc sống, vẫn có biết bao gia đình dù con, cháu nghèo khổ nhưng vẫn hết mực chăm chút bố mẹ, ông bà từng thìa cháo, bát nước, miếng cơm mỗi ngày. Có gia đình khá giả họ sẵn sàng thuê một người giúp việc đến chăm sóc cho cha mẹ mỗi giờ họ đi làm vắng nhà, rồi là những lời kêu khóc cầu cứu bác sĩ chữa trị cho cha, mẹ mặc dù cha, mẹ họ đã tắt thở.
Trái ngược với điều đó, là những suy nghĩ, quan niệm lệch lạc khi nhắc đến bệnh tuổi già. Mới đây, trường hợp của bà Nguyễn Thị Lan (93 tuổi), bà nhập viện trong tình trạng gãy xương tay. Nằm ở nhà một tuần tự điều trị không đỡ, gia đình mới đưa bà đến viện để kiểm tra, được các bác sĩ tư vấn phải phẫu thuật gấp nếu không sẽ nguy kịch đến tính mạng. Chỉ nhắc tới phẫu thuật cả 5 người con trai của bà đều dè chừng, lo sợ… tốn tiền.
Cả 5 người con của bà đều chung một tâm lý như nhau: ông bà đã lớn tuổi rồi nên bị thương cũng không tha thiết cứu chữa. Chính quan niệm sai lầm đó đã vô tình khiến không ít người cao tuổi sống trong cảnh mệt mỏi đau đớn, biến chứng nặng do bệnh tật giày vò ở những ngày cuối đời. Đó chỉ là một trong vô vàn những trường hợp tương tự khác vẫn hàng ngày xảy ra trong biết bao gia đình Việt.
Dân số Việt Nam đang già hóa khá nhanh, vốn dĩ người già thường đa bệnh, đa thuốc, sức khỏe suy yếu, dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, suy giảm hoạt động chức năng, giác quan. Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những quan điểm sai lầm cho rằng các triệu chứng bất thường trên của các cụ già là một phần tất yếu của lão hóa nên không cần chữa trị, dẫn đến phát hiệu triệu chứng trễ.
Chính vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần phải được quan tâm và nhận thức đúng đắn hơn nữa. Đặc biệt là việc phòng chống các bệnh đặc thù của lão hóa cần được ưu tiên hàng đầu trước khi tình trạng trở nên quá muộn và khó điều trị. Nếu chăm sóc đúng cách sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi, giảm nhẹ triệu chứng, giảm té ngã, tàn tật, cải thiện tâm lý, kiểm soát triệu chứng tốt.
Sinh - lão - bệnh - tử là bốn giai đoạn tất yếu của một đời người. Sau những cống hiến hy sinh cho con cháu, quê hương, đất nước..., người cao tuổi cần được sống cho chính bản thân mình, cần được chăm sóc, nâng niu và trân trọng, yêu thương. Và hơn hết, họ là những người đã trải qua một thời gian dài cống hiến sức lực và trí tuệ cho gia đình, cho con cháu, khi về già họ xứng đáng được nhận sự quan tâm, yêu thương, trân trọng đó.