Hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ

Quỹ Hy Vọng với hành trình tìm con yêu của các cặp hiếm muộn. (Ảnh trong bài: TT))
Quỹ Hy Vọng với hành trình tìm con yêu của các cặp hiếm muộn. (Ảnh trong bài: TT))
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi kết hôn, điều mà các cặp vợ chồng mong mỏi nhất chính là sự chào đời của một thiên thần nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn, thuận lợi trong việc sinh con. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, ngoài phải chịu áp lực nặng nề từ gia đình, xã hội, họ còn phải đánh đổi tiền bạc, sự nghiệp do thời gian điều trị kéo dài, chi phí đắt đỏ. “Quỹ Hy Vọng” mang đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn con thực hiện được giấc mơ làm cha mẹ.

Nỗi buồn của các cặp hiếm muộn

Đã 3 năm, chị Mai Trang (25 tuổi, Lương Sơn, Hòa Bình) sống trong cảnh tâm lý nặng nề, buồn bã. Vợ chồng chị lấy nhau 3 năm mà không có con. Nhìn các gia đình khác bồng bế, vui đùa với con nhỏ, vợ chồng chị Trang không khỏi tủi phận. Sốt ruột không có con, vợ chồng chị Trang đi khám ở bệnh viện thì biết được chị Trang bị tắc vòi trứng, không thể có con tự nhiên, cần phải can thiệp bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng chi phí khá tốn kém, gia cảnh khó khăn, hai vợ chồng đi làm thuê, tích cóp chẳng là bao. Bố mẹ, anh em đều khó khăn, chẳng vay mượn được. Anh chị đành tìm mua các loại thuốc lá cây uống với hy vọng chữa được bệnh tắc vòi trứng.

Thời gian nặng nề cứ thế trôi mà chị vẫn chưa có con. Áp lực của chị tăng gấp bội khi mẹ chồng ngày nào cũng tỏ thái độ lườm nguýt và chì chiết ví von “trái độc không trái, gái độc không con”. Chưa hết, cứ tới lúc nhà có hiếu, hỉ, mẹ chồng chị lại tuyên bố với họ hàng: “Nếu sau 4 năm mà con Trang không đẻ được cho chồng đứa con thì con trai tôi sẽ đi lấy vợ mới, kiếm thằng con trai nối dõi”. Mỗi lần như thế, tim chị như bị cắt. Chị đau đớn, còn chồng thì thở dài.

Anh Đỗ Việt 37 tuổi (Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng trong tâm trạng khao khát có con suốt 7 năm trời. Khi đi khám, anh Việt biết mình bị khiếm khuyết nhiễm sắc thể rất khó có con. Từ một người hoạt bát, tự tin, anh Việt suy sụp tinh thần, bất an, sống trong sự dằn vặt “tôi làm gì nên tội?”. Khi gặp bạn bè, anh rất sợ khi được hỏi “sao vợ chồng mãi không có con?”. Mong có con, vợ chồng anh chị đi vay mượn tiền để chữa trị nhưng vẫn chưa thành công.

Trường hợp của vợ chồng chị Mai Trang và vợ chồng anh Đỗ Việt là hai trong khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn ở Việt Nam, chiếm 7,7% (theo Bộ Y tế). Trong đó, 50% số cặp vợ chồng hiếm muộn dưới 30 tuổi. Khoảng 30% trường hợp vô sinh nguyên nhân từ người chồng, 30% do vợ, 30% từ cả hai và 10% không rõ nguyên nhân. Tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau khi có thai đầu) tăng 15 - 20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới.

Trong báo cáo mới nhất về tỷ lệ vô sinh toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra, trên toàn thế giới, ước tính cứ 6 người thì có khoảng 1 người bị vô sinh tại một giai đoạn nào đó trong đời và khoảng 17,5% người bị vô sinh cả đời. Vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nguy hiểm thứ ba, đứng sau ung thư, bệnh tim mạch ở thế kỷ 21.

Hạnh phúc đong đầy.

Hạnh phúc đong đầy.

Ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm Hà Nội (Trung tâm IVF) cho biết, tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ngày càng tăng và trẻ hóa. Nhiều cặp vợ chồng mới chỉ 24 - 25 tuổi, thậm chí 20 - 21 tuổi đã gặp những vấn đề về sức khỏe sinh sản dẫn đến vô sinh.

Riêng với tình hình gia tăng bệnh lý hiếm muộn có nhiều yếu tố như: tuổi lập gia đình, có con ở cả nam và nữ tăng; ô nhiễm môi trường, thực phẩm tăng ảnh hưởng đến tinh trùng, noãn, hệ sinh sản; biến đổi khí hậu…

Tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng không chỉ tác động đến dân số mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe và tâm lý các cặp vợ chồng.

“Quỹ Hy Vọng” hành trình tìm con yêu

Trong bối cảnh đó, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả cho các trường hợp hiếm muộn. Tuy nhiên, chi phí điều trị cao, đặc biệt với những ca cần thực hiện nhiều chu kỳ, vẫn là rào cản lớn khiến nhiều cặp đôi phải tạm gác lại giấc mơ làm cha mẹ. Cụ thể, một chu kỳ IVF có thể dao động 80 -130 triệu đồng, gây áp lực tài chính lớn cho nhiều gia đình, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở… khiến cho việc điều trị vô sinh, hiếm muộn trở nên rất tốn kém.

Thấu hiểu nỗi đau và gánh nặng của các cặp đôi đang khát khao có con, Trung tâm IVF - Bệnh viện Đa khoa Hà Nội ra mắt “Quỹ Hy Vọng” như một cam kết đồng hành, hỗ trợ và lan tỏa yêu thương.

Ngày 15/4/2025, Lễ ra mắt “Quỹ Hy Vọng” nhằm san sẻ gánh nặng kinh tế, mở ra hy vọng mới cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn trên hành trình tìm con yêu do Trung tâm IVF - Bệnh viện Đa khoa Hà Nội phối hợp cùng Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức. Quỹ hướng đến mục tiêu giúp các gia đình khó khăn tiếp cận điều trị hiện đại mà không bị rào cản bởi chi phí, từ đó rút ngắn khoảng cách trong hành trình đón con yêu của các gia đình hiếm muộn.

Cụ thể, để thiết thực đồng hành cùng các cặp vợ chồng hiếm muộn, mỗi tháng “Quỹ Hy Vọng” sẽ dành tặng: 2 suất IVF miễn phí mỗi tháng - cơ hội vô giá giúp những gia đình khó khăn tiếp tục hành trình tìm con yêu. Ngoài ra, “Quỹ Hy Vọng” còn hỗ trợ cho các cặp hiếm muộn các chi phí xét nghiệm, tạo phôi, nuôi phôi... thậm chí hỗ trợ hoàn toàn 100% bao gồm cả chi phí đi lại.

Những cặp vợ chồng hạnh phúc khi đã hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ.

Những cặp vợ chồng hạnh phúc khi đã hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ.

Tại buổi lễ, nhà báo Hồ Minh Chiến - Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình Việt Nam nhấn mạnh: “Quỹ Hy Vọng không chỉ là một sáng kiến hỗ trợ y tế, mà còn là hành động nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến một bộ phận đang chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội - những người âm thầm đi tìm hạnh phúc làm cha mẹ”.

Chia sẻ về Quỹ Hy Vọng, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Duy Phương - Giám đốc Trung tâm IVF Hà Nội cho biết: “Những kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn thường sẽ rất tốn kém về kinh tế. Hiểu được sự khó khăn, vất vả của các cặp vợ chồng, chúng tôi xây dựng Quỹ giúp các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận với những kỹ thuật điều trị tốt nhất, hiện đại nhất, để trong thời gian ngắn nhất các cặp vợ chồng được đón con yêu về với gia đình”.

Lễ ra mắt Quỹ Hy Vọng là dấu mốc quan trọng, thể hiện nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ trong hành trình hỗ trợ cộng đồng hiếm muộn - mang lại niềm tin, niềm vui và một tương lai mới cho hàng ngàn gia đình tại Việt Nam.

Theo các bác sĩ, vô sinh, hiếm muộn vẫn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp hỗ trợ, can thiệp hiện đại, phù hợp. Do đó, việc đi khám sớm là rất quan trọng, cần thiết để gia tăng cơ hội và hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ cho các cặp đôi.

Mặc dù chi phí điều trị hiếm muộn tại Việt Nam thấp hơn nhiều nước nhưng vẫn là gánh nặng đối với nhiều gia đình do chưa được bảo hiểm chi trả. So với thu nhập bình quân, đây là khoản chi lớn, đòi hỏi có thêm chính sách hỗ trợ như giảm hoặc tài trợ chi phí điều trị. Việc hỗ trợ tài chính, mở rộng tiếp cận các phương pháp điều trị hiếm muộn và nâng cao nhận thức xã hội không chỉ giúp giảm áp lực kinh tế lẫn tâm lý mà còn tạo điều kiện để các cặp vợ chồng chủ động lựa chọn con đường phù hợp, cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh giáo dục sức khỏe sinh sản cho các thanh niên từ sớm, mở rộng tiếp cận công nghệ hỗ trợ sinh sản và nâng cao nhận thức về vai trò của nam giới trong xây dựng gia đình.

Đọc thêm

Bệnh sốt xuất huyết ngày càng khó lường

Ảnh minh họa
(PLVN) - Nhận định trên được đưa ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Hướng tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH): Hiệp lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp" vừa được tổ chức mới đây.

'Giảm hại' chỉ là vỏ bọc để 'ông lớn' thuốc lá duy trì lợi nhuận

TS. Nguyễn Thu Hương - Chuyên gia Tổ chức STOP (Ảnh: PV)
(PLVN) - Dưới vỏ bọc “giảm hại”, ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang tiếp tục triển khai những chiến dịch truyền thông tinh vi nhằm duy trì thị phần và lợi nhuận. Từ việc quảng bá thuốc lá đầu lọc là “an toàn hơn” trong thế kỷ trước, đến các sản phẩm thuốc lá điện tử ngày nay, mục tiêu cuối cùng vẫn là khiến người dùng tin rằng họ đang lựa chọn một giải pháp “ít độc hại”.

Đưa Methadone về trạm y tế xã

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Thời gian qua, mô hình điều trị Methadone tại trạm y tế (TYT) xã sau khi được triển khai tại một số địa phương, được đánh giá đã mang lại một số kết quả tích cực, thiết thực trong công tác y tế cộng đồng.

Khai mạc Hành trình đỏ lần thứ XII tại Bình Định

Khai mạc Hành trình đỏ lần thứ XII tại Bình Định
(PLVN) -  Chiều ngày 12/6, Ban Tổ chức Hành trình Đỏ Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ khai mạc Hành trình Đỏ lần thứ XII và Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu năm 2025, qua đó đánh dấu một chặng đường đầy ý nghĩa của phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước.

Tăng thêm 5.000 đồng/bao thuốc lá sẽ cứu sống hàng triệu người, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Việc tăng thuế là hành động thể hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức chính sách. (Ảnh: Minh Trang)

(PLVN) - Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với mức tăng 5.000 đồng cho mỗi bao thuốc lá từ năm 2026 và tiếp tục tăng đến 15.000 đồng/bao vào năm 2030, Việt Nam có thể tiến một bước dài trong hành trình bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong sớm, tiết kiệm hàng trăm nghìn tỷ đồng chi phí y tế, đồng thời tạo nguồn lực bền vững cho ngân sách quốc gia.