Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc vừa quyết định công nhận 44 sản phẩm của 20 chủ thể đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) năm 2022, trong đó, có 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 35 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Trong 44 sản phẩm, tiêu biểu có thể kể đến như sản phẩm trà gạo lứt hữu cơ hoa bách hợp của Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD; trà hoa vàng Tam Đảo núi của Công ty TNHH Tân Đại Dương Vĩnh Phúc; Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa của Công ty cổ phần Dược liệu Hưng Nguyên; tương Khả Do của Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ tương Khả Do, ổi Đôn Nhân của Hợp tác xã cây trồng Sông Lô Xanh…
Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao sẽ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận OCOP và thứ hạng sao in trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành. Kết quả công nhận các sản phẩm trên có giá trị trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận.
Chương trình OCOP đã bước đầu khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, làng nghề gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống để gia tăng giá trị sản phẩm; từng bước góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia Chương trình. Sản phẩm OCOP đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường.
Thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 105 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 26 sản phẩm 4 đạt tiêu chuẩn 4 sao và 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Các sản phẩm đạt chứng nhận đa dạng về chủng loại, mẫu mã, mang đặc trưng riêng của từng địa phương, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa theo quy định.
Bên cạnh đó,đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thông tin tuyên truyền về Chương trình OCOP; xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình OCOP có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm OCOP từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện Chương trình OCOP ở các địa phương; kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP về quy trình sản xuất sản phẩm, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, sử dụng biểu trưng, logo OCOP...; xử lý, thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đối với các cơ sở sản xuất không thực hiện đúng các nội dung mà Chương trình đề ra.