Tổng thống Mỹ Barack Obama bỏ lại sau những thất vọng nặng nề về kết quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Ông đang hướng tới Ấn Độ trong chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất kể từ khi nhậm chức.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Obama lên chiếc Air Force One bắt đầu chuyến công du châu Á. Ảnh: AP |
Theo lịch trình, tối 5/11 (giờ Việt Nam), ông đã rời Mỹ đi Mumbai, Ấn Độ. Dự kiến Obama sẽ tới nước này vào chiều 6/11 theo giờ địa phương sau khi tiếp nhiên liệu ở Đức. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến đi kéo dài 10 ngày từ Ấn Độ, tới Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mục tiêu chuyến công du của Tổng thống Obama là tìm kiếm những lợi ích kinh tế cho nước Mỹ. Ông sẽ trở lại Washington ngày 14/11, một ngày trước phiên họp quốc hội Mỹ mà giới phân tích cho rằng, tại đó, Obama sẽ phải đưa ra những thỏa hiệp với phe Cộng hòa về kế hoạch cắt giảm thuế và những vấn đề khác. Đây là lần đầu tiên, ông Obama có chuyến thăm Ấn Độ - quốc gia 1,2 tỉ dân, một đối tác thương mại khổng lồ và không ngừng tăng trưởng. Tổng thống Mỹ có ba ngày tại Ấn Độ, với các điểm dừng chân là Mumbai - trung tâm tài chính nằm bên bờ biển Ảrập và Thủ đô New Delhi. Đây cũng là quốc gia ông dành thời gian tới thăm lâu nhất từ trước tới nay. "Mục tiêu cơ bản là mở đường cho các công ty Mỹ, mở ra thị trường mà chúng ta có thể bán hàng hoá ở châu Á, trong đó có những thị trường đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới và chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều việc làm ở Mỹ”, ông Obama nói với báo giới trước khi lên đường. Tổng thống Mỹ sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Ấn Độ. Nhà Trắng hy vọng sẽ có một số thỏa thuận thương mại bao gồm hợp đồng mua máy bay Boeing. Điểm dừng chân ngắn của ông Obama tiếp theo là Indonesia, nơi ông từng sống với mẹ và cha dượng người Indonesia từ 6-10 tuổi. Trước đó, kế hoạch thăm nước này của Tổng thống Mỹ đã hai lần bị hủy bỏ, một do những cuộc thương thảo cuối cùng về luật chăm sóc sức khỏe, một do vụ tràn dầu vùng Vịnh. Lần này, Tổng thống Mỹ sẽ có chưa đầy 24h ở Indonesia và không viếng thăm bất cứ người bạn cũ hay nơi ở thời niên thiếu. Nhà Trắng tuyên bố, ông không có thời gian cho việc này. Tổng thống Mỹ sẽ tới một số danh thắng trong chuyến công du nước ngoài lần nay như thăm ngôi đền Istiqlal ở Indonesia, tượng Phật khổng lồ ở Nhật Bản và bảo tàng Gandhi ở Mumbai. Ông sẽ có cuộc gặp với học sinh, sinh viên ở Ấn Độ. Vấn đề kinh tế Mỹ sẽ là tâm điểm của hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul, Hàn Quốc. Tiếp sau là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Yokohama, Nhật Bản. Ông Obama hy vọng có thể thông báo tiến triển cụ thể về một thỏa thuận tự do thương mại với Hàn Quốc, mà từ lâu bị đình trệ tại quốc hội chủ yếu do sự phản đối từ các nghị sĩ Dân chủ với các rào cản tiêu thụ ô tô Mỹ tại Hàn Quốc. Sự hiện diện lớn hơn của phe Cộng hòa trong quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ có thể đẩy nhanh tới việc đạt được thỏa thuận. Một vấn đề quan trọng khác trong lịch trình công du châu Á của Tổng thống Mỹ còn là giá trị tiền tệ Trung Quốc. Nhiều người Mỹ cho rằng, Trung Quốc cố ý giữ giá trị đồng bản tệ ở mức thấp để tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu. Tại hội nghị G20, ông Obama sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho hay, họ không trông mong vấn đề tiền tệ sẽ được giải quyết.
Theo SGGP