Tú Sơn là vùng trọng điểm chăn nuôi lợn thịt của huyện Kiến Thụy và toàn thành phố. Hiện xã có tổng đàn lợn hơn 16.500 con, bằng 1/3 tổng đàn lợn của huyện. Tại đây có cả khu vực chăn nuôi lợn quy mô trang trại, gia trại quy thành vùng riêng và mô hình chăn nuôi lợn quy mô gia đình, xen lẫn trong khu dân cư. Cả hai mô hình này đang phải đối mặt với nỗi lo ô nhiễm môi trường vì chất thải chăn nuôi.
Chị Bùi Thị Triện ở thôn Nãi Sơn cho biết, gia đình nuôi hơn 100 con lợn kết hợp với nuôi cá tại khu vực xã quy vùng phát triển trang trại, gia trại tập trung nhưng chưa có hầm biôga xử lý chất thải chăn nuôi. Một phần chất thải sử dụng nuôi cá. Tuy nhiên, cũng vì nuôi thuỷ sản bằng cách tận dụng chất thải chăn nuôi mà cá chết hàng loạt do bị ô nhiễm nguồn nước. Đây cũng là lo lắng chung của 286 trang trại, gia trại ở xã Tú Sơn. Các hộ này hiện tập trung tại 5 khu vực ven sông Văn Úc, phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo mô hình VAC, phía dưới là đầm nuôi cá, phía trên là hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô 70 đến vài trăm con/ trại. Các khu trang trại này được quy vùng tập trung, xa khu dân cư. Tuy nhiên, nỗi lo ô nhiễm môi trường vẫn hiện hữu do bà con chăn nuôi lợn bán công nghiệp, nuôi cá bằng chất thải chăn nuôi và chưa quan tâm đến việc xử lý chất thải bằng hệ thống công trình khí sinh học.
Theo ông Phạm Văn Thành, Phó chủ tịch UBND xã Tú Sơn, ngoài các trang trại, gia trại được quy vùng tập trung, xa khu dân cư, trên địa bàn xã còn khoảng gần 1000 hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư. Các hộ nuôi quy mô 10-20 con/ hộ. Do nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư nên vấn đề vệ sinh môi trường và vệ sinh thú y chăn nuôi chưa được quan tâm. Thậm chí, nhiều hộ đổ chất thải chăn nuôi ra khu vực cống chung của thôn, xóm. Trong khi đó, các hộ chưa có kinh phí để xây dựng công trình khí sinh học cỡ nhỏ. Vào thời điểm các hộ ồ ạt mở rộng quy mô đàn lợn, ô nhiễm chất thải chăn nuôi từ các khu dân cư không còn là chuyện nhỏ.
Các hộ chăn nuôi của xã đang mong có khu chăn nuôi tập trung lớn để chuyển toàn bộ trang trại, gia trại chuyên chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp ra khu vực mới, dần chấm dứt việc chăn nuôi xen kẽ, nhỏ lẻ trong khu dân cư. Tuy nhiên, hiện xã gặp khó khăn do không còn quỹ đất vòng 2 để quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Việc vận động nhân dân tự chuyển đổi và tích tụ diện tích lớn rất khó do đất chật, người đông, địa phương có tốc độ đô thị hoá nhanh …./.
Vân Khánh