Nhờ chịu khó học hỏi mà ông Bùi Hoàng Long đã trở thành chuyên gia nuôi trăn, cung cấp trăn thịt và trăn giống cho nhiều tỉnh, thành.
Ôm chú trăn nặng gần 50 kg lên, thấy tôi có vẻ sợ, ông Bùi Hoàng Long (khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, quận 12- TPHCM) cười bảo: “Coi vậy chứ trăn hiền lắm. Nếu lỡ bị cắn cũng không có nọc độc như rắn”. Rồi ông dắt tôi đi tham quan các chuồng nuôi những chú trăn to, nhỏ đủ cỡ...
Bài học từ thất bại
Trước khi đến với nghề nuôi trăn, ông Bùi Hoàng Long là bộ đội xuất ngũ về địa phương làm du kích xã. Ngoài thời gian làm việc, ông còn trồng hoa lài để có thêm thu nhập. Cũng từ trồng hoa lài mà ông có cơ duyên biết đến với nghề nuôi trăn.
Ông kể: “Thời ấy, để phát triển thêm vùng nguyên liệu trồng lài cung cấp cho các xí nghiệp như Cầu Tre, Tiến Đạt…, tôi thường đi về các tỉnh miền Tây tìm những nơi đất đai phù hợp. Có lần đến Cà Mau, thấy mô hình nuôi trăn ở đó khá thành công, tôi nghĩ ở TPHCM, quá trình đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp, có thể nuôi trăn trong khuôn viên nhà”.
Ông Bùi Hoàng Long với những con trăn nuôi tại trại |
Năm 1996, ông mua vài chục con trăn giống về nuôi thử. Nhưng do không rành kỹ thuật nuôi nên trăn chết gần hết. Sau lần thất bại đó, ông quyết tâm phải học hỏi kinh nghiệm nuôi trăn. Ông về miền Tây, đến các trại nuôi trăn để tìm hiểu thêm kỹ thuật cũng như kinh nghiệm. Cũng trong quá trình tìm hiểu, ông nhận ra rằng những chú trăn giống của ông chết là do không được giữ ấm nên bị cảm lạnh.
Sau nhiều ngày rong ruổi khắp nơi học hỏi; ông trở về TPHCM quyết tâm phát triển nghề nuôi trăn. Ông xây dựng trại, đóng những chiếc chuồng gỗ có bọc lưới mắt cáo cho phù hợp với kích thước và trọng lượng của từng chú trăn. Nhờ ứng dụng kỹ thuật chăm sóc đã học hỏi được mà đàn trăn lớn nhanh như thổi, sinh con đẻ cái nhanh chóng.
Trở thành chuyên gia
Kỷ niệm mà ông Long nhớ nhất là lần vợ ông bị trăn cắn trong những ngày đầu khởi nghiệp. Ông kể: “Lần đó, tôi mua con trăn nặng chừng 5 kg ở miền Tây về nuôi chung với đàn trăn trong nhà. Như thường lệ, vợ tôi cho trăn ăn. Không ngờ, khi vừa dùng kẹp đưa thức ăn vào, con trăn hoang dã ấy đã lao đến táp ngay vào tay vợ tôi. Làm cách nào nó cũng không chịu nhả tay ra, tôi phải gọi điện thoại khắp nơi để hỏi cách xử lý. Cuối cùng, qua sự chỉ dẫn của nhiều người, tôi phải bóp mạnh đuôi, con trăn mới chịu nhả tay vợ tôi ra”.
Sau lần đó, ông có thêm kinh nghiệm. Ông đúc kết trăn con và trăn giống có cách chăm sóc hoàn toàn khác nhau: “Với trăn con mới nở, nên cho chúng vào thùng các tông để giữ ấm đến khoảng một tháng tuổi. Thời gian này, thức ăn của trăn con chủ yếu là cút con mới nở và chỉ nên cho ăn một lần trong tuần. Riêng với trăn giống thì vào khoảng tháng 11 là lúc chúng phối giống. Thời gian này nên tách trăn riêng ra và để chúng ở chỗ yên tĩnh”.
Cũng theo ông Long, với trăn giống, trong thời gian phối giống đến lúc đẻ, chúng hoàn toàn không ăn uống gì. Trăn giống mang thai từ 3 tháng rưỡi đến 4 tháng thì đẻ trứng, rồi ấp khoảng 100 ngày thì trứng nở. “Bình quân mỗi năm, trăn tăng từ 5 đến 6 kg. Trăn cái lớn nhanh hơn trăn đực. Để trăn phát triển tốt, trong quá trình nuôi cần giữ gìn vệ sinh chuồng trại. Mùa nắng nên tắm cho trăn thường xuyên, còn mùa mưa thì không nên vì trăn sẽ bị lạnh, dễ bệnh” - ông tiết lộ.
Từ kinh nghiệm nuôi trăn 15 năm qua, đến nay, trang trại của ông đã cung cấp cho thị trường, các cơ sở chế biến trăn thịt các loại. Ngoài ra, trại của ông còn cung cấp trăn giống cho nhiều tỉnh, thành, trong đó có cả những khách hàng ở miền Tây, nơi ông từng học hỏi kinh nghiệm trước đây. Để duy trì và phát triển ngành nghề, ông còn phối hợp với các thành viên trong phường thành lập tổ hợp nuôi trăn thu hút được 5 hộ do ông làm tổ trưởng. Ông đã cung cấp kiến thức, hỗ trợ con giống và kinh nghiệm nuôi trăn cho các thành viên trong tổ hợp.
Ông Lê Thành Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thạnh Lộc, quận 12 – TPHCM, cho biết: “Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm cũng như bí quyết nuôi trăn với mọi người, anh Long còn giúp nhiều người thành công với nghề. Tuy hiện nay số hộ nuôi trăn chưa nhiều do vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng đây là nghề triển vọng, phù hợp với sự phát triển của những nơi có quá trình đô thị hóa”.
Theo Người lao động