Nơi tôi sinh ra là một làng nhỏ ven biển. Quê tôi đẹp và thơ mộng lắm, cả ngày lẫn đêm vẳng bên tai tiếng sóng biển vỗ rì rầm. Tối tối, chị em tôi thường quây quần bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện. Biết bao nhiêu chuyện về cuộc đời của từng người trong gia đình. Câu chuyện mà tôi ghi tạc trong ký ức đã theo tôi suốt cả cuộc đời. Bây giờ, tôi đã quá tuổi lục tuần nhưng lúc nào, tôi cũng nhớ như in những giọt nước mắt lăn tròn trên má khi mẹ kể chuyện.
Mẹ kể rằng: Ngày bố tôi đi bộ đội, ba chị em tôi còn bé lắm, lúc ấy tôi mong manh cảm nhận được phần nào câu chuyện mẹ kể, tôi thấy mẹ rất buồn vì nhớ bố, có lúc mẹ vờ quay mặt đi để lau nước mắt, rồi mẹ thở dài não ruột. Đêm đến mẹ thức rất khuya, hết dém chăn màn cho chúng tôi, mẹ lại thắp đèn ngồi khâu khâu vá vá. Ngủ được một giấc dài, tỉnh dậy, tôi thấy mẹ ngồi ngoài hiên nhà, đôi mắt mẹ đẫm lệ nhìn xa xăm, tôi chẳng hiểu vì sao mẹ tôi lại nhiều nước mắt và tài thức đêm đến thế.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu được rằng: Đó là nghĩa vợ tình chồng trong những khoảng khắc chờ mong của mẹ và những đêm mẹ không ngủ… Mới 30 tuổi đời, một nách ba đứa con thơ, mẹ tôi đã tần tảo lần hồi từng miếng cơm, manh áo, lo cho chúng tôi từ lọ mực, hộp bút, cuốn vở đến tập sách giáo khoa để chúng tôi đến trường. Cứ thế, chúng tôi như búp măng vươn lên trên miền quê đầy nắng gió và sóng biển dưới sự chở che nâng niu của mẹ.
Cuộc đời lam lũ đã làm sờn vai áo mẹ, đôi mắt mẹ trũng sâu thẳm, thâm quầng vì những đêm dài mất ngủ, những nếp nhăn hằn sâu trên đuôi mắt mẹ cùng năm tháng. Tôi biết mẹ vẫn mang theo niềm hy vọng ngày đoàn tụ… Nhưng một ngày cuối đông lạnh giá, trời mưa phùn rét buốt tay, niềm hy vọng ấy bỗng vụt tắt khi mẹ nhận được tin bố tôi hy sinh ở mặt trận phía
Dĩ vãng lùi dần, mẹ tôi lao vào công việc để cố gắng quên đi, nhưng vẫn lặng thầm trong mẹ một nỗi buồn, nỗi nhớ nhung man mác khôn nguôi, nó cứ bám lấy mẹ và theo mẹ khắp mọi nơi, trong mỗi việc mẹ làm, nó len lỏi cả trong giấc ngủ đêm của mẹ.
Sau ngày hòa bình, những người lính còn sống trở về quê hương và biết bao cảnh ngộ éo le xen lẫn buồn vui. Một chiều cuối thu năm ấy, có tiếng ô tô đỗ ngoài cổng, một người đàn ông to khỏe, mặc quân phục, đeo quân hàm đại tá bước vào nhà, bắt tay mẹ, trao cho mẹ một bọc khá to cùng với một số giấy tờ và nói với mẹ những gì, tôi không biết, chỉ biết rằng sau ngày đó, đêm nào mẹ cũng nhìn ra phía biển, nước mắt mẹ ngân ngấn nơi khóe mắt. Mẹ tôi gầy xọp hẳn đi, chiếc bọc được mẹ cho vào tủ khóa chặt. Mãi sau này, tôi mới hỏi, mẹ bảo: Đấy là chú Sơn ở làng bên cùng đơn vị với bố đến chia buồn.
Cứ thế năm tháng trôi đi, thoắt cái đã hơn chục năm sau ngày hòa bình. Ngày giỗ bố tôi, như thường lệ, mẹ dậy rất sớm để chuẩn bị và dặn dò chúng tôi: Các con phải về sớm không được la cà. Bỗng có tiếng gọi: “Tâm !” mẹ tôi đứng lặng người ở trước sân nhà, khi thấy ai đó với bộ quân phục bạc màu đeo quân hàm trung tá với dáng vẻ vội vã bước vào. Ba chị em tôi hết sức ngỡ ngàng như mơ: “Phải bố không? Bố đã về!... Bố về mẹ ơi!...” Tôi mừng quá líu lưỡi gọi mẹ không thành tiếng. Mẹ tôi đã khóc trong vòng tay của bố. Ai mà biết được mẹ đang nghĩ gì và biết bao nỗi niềm tâm sự đang trào dâng hòa quyện giữa hai người. Mẹ tôi như trẻ ra hàng chục tuổi. Làng trên, xóm dưới, anh em họ hàng đến chúc mừng bố tôi chật cả trong nhà, ngoài sân.
Những năm sau đó, bố lại ra đi theo yêu cầu của nhiệm vụ. Ở lại quê nhà, mẹ phải lo toan mọi điều. Mẹ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vì sao bố lại có giấy báo tử: Do bị thương nặng và bị vùi sâu trong lòng đất, đơn vị tìm mãi không thấy và phải hành quân gấp. May cho bố, đơn vị công binh đã tìm được bố đưa đến trạm quân y gần đó, các bác sĩ đã mổ lấy mảnh đạn ra, sáu tháng sau, bố bình phục và được bổ sung vào đơn vị chiến đấu khác. Kể xong, mẹ cười bảo với chúng tôi: Âu cũng là cái số, chẳng ai có lỗi cả, tất cả là do chiến tranh.
Khi đến tuổi sáu mươi, bố tôi nghỉ hưu về với mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi ở lại làm việc tại trường. Gần chục năm kể từ ngày bố về hưu, tôi nhận được tin bố qua đời vì vết thương xưa tái phát, tôi vội vàng đưa chồng con về quê. Về đến nhà đã thấy mẹ đầu chít khăn tang và khóc rất nhiều, thương bố sớm phải ra đi. Thương mẹ quá, nhưng chú tôi bảo: cứ để mẹ khóc, nước mắt sẽ làm mẹ cháu nhẹ lòng hơn. Nước mắt mẹ tôi đã dành cho ngày biệt ly, dành cho ngày tái hợp và cũng dành cho sự đau khổ theo mẹ suốt cả cuộc đời.
Bây giờ, mẹ tôi đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng chẳng chịu nghỉ ngơi, mẹ vẫn cứ lo lắng điều gì không biết, lúc nào mẹ cũng tất bật hết lo cho con, lại lo cho cháu, hơn 60 tuổi, trông mẹ như bà già ngoài 70 tuổi. Thương mẹ quá! Nước mắt đã làm mắt mẹ mờ đi. Ngày này qua ngày khác, mẹ tha thẩn hết đi sang thăm ông chú, lúc đến nhà cô, lúc sang thăm cháu ngoại, về bên cháu nội. Vợ chồng tôi ở xa nên ít được gần mẹ. Vì thế mỗi dịp về thăm mẹ, chồng tôi bảo: Muốn đón mẹ ra Hà Nội chơi với chúng con để mẹ có chút an nhàn, nhưng lần nào mẹ cũng giãy nảy: Ấy chết! đi làm sao được! tao đi, lấy ai thắp hương và chăm sóc mộ cho bố mày! Lúc nào cũng sợ chúng tôi quên, mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi: Phải nhớ ngày giỗ của bố và phải đưa các cháu về đông đủ.
Hôm nay, đi làm về được tin mẹ ốm nặng, vợ chồng tôi vội vã về quê. Trên đường về, lòng tôi như lửa đốt, có điều gì đó làm tôi thấy bất an, cảm giác mẹ tôi ốm lần này khắc hẳn những lần trước. Tôi thầm cầu trời khấn Phật là mẹ chỉ ốm sơ sơ và tôi ước mong mẹ luôn khỏe mạnh để được sống vui vầy cùng con cháu.
Về đến đầu làng, tôi thấy mọi người thì thầm to nhỏ, em trai tôi, đầu quấn khăn tang, nó nhào ra ôm chầm lấy tôi khóc nức nở. Trái tim tôi nhói đau, chân tôi như muốn khụyu xuống, cổ nghẹn lại: Mẹ ơi! Vì sao mẹ nỡ bỏ chúng con, thế là ước mong mẹ sẽ sống với chúng con mãi mãi không được nữa rồi!...