Nước mắt gà trống nuôi con

Trời đã về chiều, ẩn sau những dòng người xe hối hả lưu thông như để sớm về nhà, tránh những giọt mưa mùa đông đang khắc sâu thêm cái lạnh cắt da, cắt thịt, lão nông ấy vẫn ngồi co ro, bất động dưới gốc cây bàng già cạnh cổng bệnh viện bà mẹ trẻ em.

1. Trời đã về chiều, ẩn sau những dòng người xe hối hả lưu thông như để sớm về nhà, tránh những giọt mưa mùa đông đang khắc sâu thêm cái lạnh cắt da, cắt thịt, lão nông ấy vẫn ngồi co ro, bất động dưới gốc cây bàng già cạnh cổng bệnh viện bà mẹ trẻ em.

Chiếc áo bộ đội đã sờn vai không che nổi những làn gió mùa lạnh thấu xương khiến cho bờ vai của ông thi thoảng lại run lên bần bật. Ôm chặt một chiếc túi xách điệu đàng mà cánh nữ sinh thời nay hay sử dụng, ông chăm chăm nhìn vào cổng viện như đang ngóng đợi ai. Thấy lạ, tôi mon men đến bắt chuyện...

Quê ông ở mãi tận Ninh Bình, một vùng chiêm chũng. Vì là con nhà nghèo lại đông anh em nên ông cũng chẳng được học hành cho tới nơi, tới chốn. Lớn lên, sau ba năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông lại trở về với đồng ruộng.

Tuy là con nhà nghèo nhưng bù lại, ông được trời phú cho một vóc người to khỏe, tính tình lại hiền lành, chịu khó, hay làm nên cũng có không ít cô gái con nhà khá giả để ý đến ông. Nhưng rồi duyên phận đưa đẩy ông kết hôn cùng với bà H, cũng là con nhà nghèo. Lấy nhau với hai bàn tay trắng, không có của hồi môn nhưng được cái hai người rất thương yêu nhau và hạnh phúc càng đong đấy hơn với họ khi hai cô con gái lần lượt cất tiếng khóc chào đời.

Nào ai ngờ, khi đứa út lên hai, mẹ nó đã mãi mãi ra đi sau một vụ tai nạn hãi hùng. Tủi hờn là thế nhưng ông đã khước từ mọi cơ hội “đi bước nữa” để lầm lũi như một cái bóng cặm cụi suốt ngày hết làm thuê, cuốc mướn lại đến đơm đó bắt con tôm, con cá để nuôi dạy và dồn tình yêu thương cho hai đứa nhỏ. Đổi lại, hai “công chúa nhỏ” của ông cũng rất thương cha, chịu khó học hành và có thành tích học tập tốt.

Cha và con
Cha và con

Trước ngày con gái cả lên Hà Nội thi đại học, cả tháng trời, ông chờ cho các con yên giấc là một mình xách giỏ ra đồng để kiếm thêm vài con cá, con tôm, con ốc bán lấy mấy đồng lẻ tích cóp mong có đủ tiền cho cha con lên đường “về kinh ứng thí”.

Ngày con gái lớn của ông được vào đại học. Ông mừng lắm, dù ông biết để có tiền cho con theo học mấy năm ở chốn thị thành, ông sẽ phải cơ cực hơn trước nhiều lần. Trong đầu lão nông không hề có hai từ “e ngại” bởi ông cứ nghĩ rằng có cái chữ rồi thì con ông sẽ không phải vất vả như cha nó nữa...

2. Lâu lâu không thấy con về, lão nông cứ nghĩ là con càng học thì càng bận nên không có thời gian về thăm bố, hơn nữa có khi nó nghĩ đi lại tốn kém nên muốn tiết kiệm cho ông bố già. Bẵng đi vài tháng, nhận được tin con “có bệnh”, ông lại lập cập vay mượn hàng xóm ít tiền để lên thăm con. Nào ngờ đến nơi ông mới biết con gái ông có bệnh trọng gì đâu.

Mới xa vòng tay của bố vài tháng, con gái ông đã quên mất lời cha dạy để rồi sa vào mối tình “sét đánh” với một cậu sinh viên cùng khu nhà trọ. Đằng sau những lời ngọt ngào âu yếm, con gái của ông đã trở thành một người đàn bà với cái thai ngày càng lớn. Khi biết người tình có thai, cậu sinh viên cùng dãy nhà trọ đã quất ngựa truy phong. Được tin “sét đánh”, ông chẳng nói với con được nửa lời. Đưa cho con được mấy đồng, ông vội vã lê bước chân thất thểu về nhà, ai hỏi làm sao ông cũng chẳng dám nói.

3. Giận con thì ít mà thương con thì nhiều, tủi cho cái cảnh gà trồng nuôi con. Ông trách mình không biết khuyên bảo con gái khi chúng đã lớn. Mà thật ra ông cũng chẳng biết gì về chuyện đàn bà con gái mà khuyên con. Ông nằm liệt giường mấy ngày liền, càng nghĩ, càng thương con. Ông lại phải gắng gượng dậy để chạy đôn, chạy đáo vay mượn bà con. Rồi bán luôn cả mấy đàn gà mẹ con định bụng nuôi đến tết.

Cóp nhặt tất cả để mang tiền lên cho con “giải quyết hậu quả”. Bởi vậy khi con gái ông vào viện “làm việc”, ông không dám vào cùng mà ngồi co ro đợi con ngoài cổng. Những giọt mưa đông vô tình vẫn cứ rơi đều trên mái tóc điểm sương của người cha khắc khổ, tấm áo cũ đã sờn vai mỏng manh cũng chẳng che được những cơn gió đông đang ào ào đổ về khiến cho tấm thân già cứ run lên bần bật.

Bỗng nhiên ông bỏ dở câu chuyện khi nhìn thấy bóng dáng một cô bé mảnh mai đang lê bước chân chầm chậm đi ra. Giơ bàn tay gầy chai sạn, ông vội gạt ngang dòng nước mắt cùng những giọt nước mưa còn đọng trên má lập cập chạy đến bên con để ôm chặt bờ vai bé nhỏ cũng đang run lên. Rồi lão nông chới với vẫy gọi xe ôm để đưa bố con ông về nhà trọ. Nhìn cánh tay khẳng khiu gầy guộc run run đang ôm chặt đứa con ngồi trước, tôi chợt nhớ đến mấy vần thơ mà Thượng tọa Thích Minh Thành đã đọc trong một lần Thầy thuyết giảng:

“Bao giọt mồ hôi bao vấn vương

Bao nhiêu nước mắt đổ bên đường

Bao giọt mưa rơi bao giọt mặn,

Biến thành giọt sữa giữa đời thường.

...

Hai giọt mặn hóa thành hai nửa,

Nửa mồ hôi thành giọt sữa đời thường

Nửa giọt buồn thành hương vị yêu thương

Tình cha đó vấn vương muôn thủa...”

Phúc Lâm

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.