Phiên tòa tạm nghỉ để tiến hành nghị án. Được sự cho phép của các chiến sĩ dẫn giải, đứa con chạy lại ôm chầm lấy mẹ khóc nức nở. Nước mắt người mẹ cũng lăn trên gò má, một tay chị bẻ lại cổ áo cho đứa con, tay kia ôm ghì lấy đứa bé như sợ chúng sẽ tuột mất khỏi tay.
Có mặt trong phiên tòa sơ thẩm xét xử lưu động hai vụ án về ma túy tại TAND huyện Tân lạc (Hòa Bình) vào ngày 26/7 vừa qua, nhiều người dự khán đã nhỏ lệ khi nhìn cảnh những người mẹ dặn dò các con của mình trong nước mắt trước khi các bị cáo nghe Tòa tuyên phạt.
“Mong các con đừng làm điều xấu như mẹ”
Sinh ra tại một vùng gia đình nghèo khó thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Kiều Thị Dung (sinh năm 1971 tuổi) chỉ được học hết lớp 5 rồi phải ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Năm 1991, Dung kết hôn với Phạm Bá Vị (sinh năm 1969) rồi cùng chồng ra lập nghiệp tại xóm Mới, xã Lương Nha. Hàng ngày, hai vợ chồng vừa làm ruộng lại kết hợp thêm chăn nuôi nên cũng có của ăn của để.
Phú, Thắm trước vành móng ngựa
Cuộc sống đạm bạc mà hạnh phúc ấy của đôi vợ chồng trẻ mất đi sự yên bình vào cuối năm 2004, khi cơn bão ma túy ập về vùng quê nghèo này và ập vào chồng Dung. Tài sản, vật dụng trong nhà cứ dần dần đội nón ra đi theo khói thuốc, đến khi trong nhà chỉ còn chiếc giường và mấy cái bát, Vị đã đi buôn “hàng trắng” để có tiền hút hít và bị công an bắt. Năm 2006, Vị bị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên phạt 12 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, hiện đang chấp hành án tại Trại giam Ninh Khánh - Ninh Bình. Sau khi chồng bị bắt, Dung vắt mồ hôi nuôi mẹ chồng đã ngót tuổi 80 và năm đứa con (lớn nhất 20 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi)...
Theo cáo trạng, khoảng 7h ngày 10/3/2010, Kiều Thị Dung đón xe khách đi Mộc Châu (Sơn La), đến nhà em họ tên là Mão Bình ở cây số 64 - Mộc Châu để nhờ mua ngô về dùng để chăn nuôi. Khi xe khách dừng nghỉ ở đoạn đường ngang trụ sở UBND xã Tân Sơn, Dung vào cửa hàng tạp hóa mua hàng. Một người đàn ông lạ mặt khoảng 30 tuổi đi xe máy đến hỏi Dung có mua rau không, Dung trả lời là không, người đó lại hỏi Dung có mua heroin không, Dung nói có. Người đàn ông liền chở Dung đi theo hướng Sơn La - Hà Nội khoảng 2km thì dừng lại. Tại đây, người đàn ông lấy ra một gói hê-rô-in, hô giá 30 triệu đồng.
Sau khi mặc cả, Dung mua được gói hê-rô-in này với giá 28 triệu đồng và giấu trong bó rau. Sau đó, Dung bắt xe quay về Phú Thọ. Ô tô về đến dốc Quy Hậu, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thì bị Công an huyện Tân Lạc phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công An chặn lại kiểm tra, gói “hàng trắng” của Dung giấu trong bó rau để dưới sàn xe bị phát hiện.
Thông tin Dung bị bắt như một tiếng sét bên tai với người thân của bị cáo. Chán nản vì cảnh bố mẹ ngồi tù, cô con gái thứ hai của Dung đang học lớp 10 đã bỏ học để đi làm rồi lấy chồng. “Hai đứa lớn thì lấy chồng, còn ba đứa bé và cụ già thì bây giờ tự ôm ấp nhau. Cũng may là được hàng xóm giúp đỡ khi thì cho cân gạo, lúc thì bó rau, họ cho gì thì ăn nấy chứ lũ trẻ biết làm gì mà ăn?!”, chị gái của Dung tâm sự.
Ngày xét xử Dung, từ Phú Thọ, các con và gần chục anh em của bị cáo lặn lội đi từ 3h sáng, lịch kịch mang mỳ tôm, hoa quả... sang để tiếp tế cho Dung. Nhưng trong lúc Tòa tạm nghỉ để nghị án, bị cáo không nhìn đến những vật chất ấy mà ôm ghì lấy đứa con 8 tuổi của mình. Đứa trẻ khóc nức nở trong vòng tay của mẹ, nước mắt người mẹ cũng lăn dài trên gò má. Hình ảnh ấy khiến không ít người có mặt tại phiên tòa cũng cảm thấy cay cay nơi khóe mắt.
“Chỉ vì bị cáo muốn con mình được ăn học, có cuộc sống đầy đủ như bạn bè nên trong một phút lầm lỡ ngu dốt bị cáo đã trở thành người phạm tội. Bị cáo mong các con ở nhà che chở nhau, ngoan ngoãn học hành đừng làm điều gì xấu như mẹ”, Kiều Thị Dung buông lời cuối trước Tòa.
Chàng thợ xây đốt đời vì 1 triệu...
Không có mối liên hệ từ trước với ma túy như Dung nhưng Phạm Hồng Phú (sinh năm 1977, ở tiểu Khu 13, xã Mường Sang) đã sập bẫy “nàng tiên nâu” chỉ vì miếng mồi 1 triệu đồng.
Kiều Thị Dung ôm con khóc ngất
Trước lúc bị bắt, Phú vừa lấy vợ được 5 tháng. Là một thanh niên hiền lành, chăm chỉ, hàng ngày Phú đi phụ xây kiếm tiền về nuôi vợ con và trang trải những món nợ sau khi lập gia đình. Một ngày cuối tháng 11/2009, đột nhiên Lê Thị Thắm (sinh năm 1970, ở tiểu khu II, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đến rủ Phú đi vận chuyển hê-rô-in thuê. Công xá lên đến 1 triệu đồng là quá lớn đối với người thợ xây này nên Phú đã đồng ý cùng Thắm đi giao hàng ở Bến xe Nam Định. Khi cặp đôi này đi xe máy đến địa phận xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thì bị công an bắt giữ.
Ngày vợ Phú sinh con chỉ cách ngày xét xử gần một tháng, Phú phải đón nhận niềm hạnh phúc được làm cha ở trong trại giam. Đến ngày xét xử, vợ và người thân của Phú đến dự phiên tòa, nhưng bị cáo nhìn mãi vẫn không thấy đứa con bé bỏng của mình. Trước Tòa, cứ mỗi lần chủ tọa nhắc đến cuộc sống của các con của bị cáo sau này, nước mắt Phú lại cứ thế lã chã rơi, miệng méo xệch trả lời câu hỏi...
Trả giá
Phiên toà khép lại trước những ánh mắt đỏ hoe của các bị cáo và người thân. Người có tội phải chịu tội trước pháp luật, nhưng để lại sau đó là nỗi buồn đau cho gia đình, người thân. Và điều đáng nói ở đây là các bị cáo đều là trụ cột trong gia đình, đều là những người đáng ra phải tích cực lao động chân chính, chăm lo dạy dỗ con cái nên người chứ không phải đi gieo rắc “cái chết trắng” cho mọi người.
Trước pháp luật, “nàng tiên nâu” đã không thể giúp cho các đệ tử của mình thoát khỏi các án phạt. Như một lẽ nhân quả, Dung lĩnh 16 năm tù, Phú phải bóc 14 cuốn lịch còn Thắm sẽ mất 17 năm đứng sau xà lim.
“Ma tuý có sức hút ghê gớm và không từ bỏ một ai. Nó làm mất đi nhân cách con người, làm thui chột nòi giống, từ ma túy dẫn đến nhà tan cửa nát, khuynh gia bại sản. Với những người bập vào ma túy, ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa thiện và ác chỉ là một khoảng cách rất mong manh...”.
(Trích lời vị đại diện VKS)
Văn Minh - Quang Cảnh