Để kỷ niệm ngày sinh của vị nữ tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Định và cũng là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã có triển lãm “Nữ tướng khăn rằn” giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về bà.
Người nữ anh hùng mà tên tuổi gắn liền với phong trào Đồng khởi Bến Tre và đội quân tóc dài hiện lên thật gần gũi như người cô, người chị. Nhưng phía sau hình ảnh giản dị ấy là một ý chí kiên cường, vượt qua đau thương và hy sinh hạnh phúc gia đình để đấu tranh cách mạng.
Đau thương thành sức mạnh
Theo tư liệu tại triển lãm “Nữ tướng khăn rằn”, Nguyễn Thị Định là con út trong 10 anh em tại một gia đình nông dân ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Lớn lên, được giác ngộ cách mạng từ năm 16 tuổi, dù gia đình đã nhắm gả cho nhà giàu có những bà quyết chọn ông Bích - Tỉnh ủy viên Bến Tre - một trong số các đồng chí cùng hoạt động với anh mình. Họ sống bên nhau những ngày hạnh phúc ngắn ngủi trước khi ông Bích đi hoạt động. Sau đó là giông tố đã ập đến với gia đình nhỏ của bà.
“Hạnh phúc dâng trào khi bà sinh bé trai kháu khỉnh, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì chỉ sau ba ngày, ông Bích - chồng bà bị địch bắt. Khi đó, vợ chồng bà chưa kịp đặt tên cho con. Trong cuốn hồi ký “Không còn con đường nào khác”, bà nhớ lại khoảng khắc đó: “Địch dẫn anh Bích đi rồi, tôi thấy trời đất như tối sầm lại. Nhìn quanh gian buồng, ngó lại con thơ, lòng tôi chết lặng đi, tôi lo lắng, buồn rầu như là từ giờ phút này sẽ xa anh mãi mãi...”.
Con được 7 tháng tuổi thì chính bà cũng bị bắt, buộc phải xa con và bị đày trong ba năm ở vùng Bà Rá hẻo lánh. Khi con lên bốn tuổi, bà nhận được tin chồng hy sinh ở Côn Đảo...
Bà Nguyễn Thị Định. |
“Hôm nay nhằm ngày kỷ niệm ba con (ngày giỗ), tuy rằng không được gần gũi gia đình nhưng năm nào má cũng làm kỷ niệm ba con trong hoàn cảnh vô cùng chật vật, chỉ làm con gà hay vịt đơn sơ để tỏ lòng nhớ con người quá cố… Càng nhắc đến ba con, má càng căm thù bọn đế quốc phong kiến vô cùng, cũng vì chúng nó mà làm cho vợ phải lìa chồng, con không cha.
Má nhớ thương ba con chừng nào má càng quyết tâm chiến đấu hơn nữa, dù gặp gian lao nguy hiểm đến mấy má cũng chẳng sờn lòng… Lúc nào má cũng tin tưởng vào sự tiến bộ của con… Đối với con ngày nay, càng nhớ thương ba má, nhớ đến gia đình, nhớ bao nhiêu đồng bào miền Nam đang bị bọn Mỹ Diệm khủng bố đàn áp vô cùng dã man, tàn bạo… thì con phải nỗ lực học tập, góp công kiến thiết miền Bắc tiến tới xã hội chủ nghĩa… nhiệm vụ ấy rất vinh quang và vĩ đại, đó cũng là lòng thương ba má thực tế đấy…” – trong những phút rảnh rỗi hiếm hoi của thắng lợi hai đợt Đồng khởi đầu năm 1960, bà đã viết lá thư dặn dò con trai mình như thế.
Nhưng, chỗ dựa tinh thần cuối cùng của bà cũng đã bị tước mất. Khi lá thư viết cho con vừa mới gửi tay đi thì cũng đúng thời điểm đó, bà nhận được chỉ thị mật của lãnh đạo khu gửi xuống. Bên cạnh những nội dung công việc, bên dưới còn có thêm dòng chữ: “Cháu On, con chị Ba (tên thường gọi của bà Nguyễn Thị Định là chị Ba Định - PV) bị bệnh mất ngày 4/5/1960”. Bàng hoàng, sửng sốt vì vừa mới gửi thư tay ra cho con đây thôi, bà xây xẩm mặt mày bước vào buồng ngủ và ngất xỉu.
Nữ tướng tài danh
Cứ vậy, cuộc đời vị nữ tướng khăn rằn là nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nhưng bà đã âm thầm vượt qua tất cả, vững vàng đứng lên tiếp tục đấu tranh cách mạng, đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp giành độc lập nước nhà.
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về bà Nguyễn Thị Định: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Đây dường như là một lời tiên tri, khi đến năm 1974, bà Nguyễn Thị Định chính thức được phong quân hàm Thiếu tướng. Và đến mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, có nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng.
Vai trò lịch sử đặc biệt của Nguyễn Thị Định một lần nữa được Giáo sư sử học Christine Whate (Trường Đại học Tổng hợp Hawaii, Mỹ) nhấn mạnh trong bức thư gửi vị nữ tướng Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Định và đội quân tóc dài. |
Trong thư có đoạn viết: “Tôi cảm thấy rất vinh hạnh khi viết thư này gửi thăm bà - một người phụ nữ nổi tiếng và có một vai trò quan trọng trong lịch sử thế giới, một tấm gương của người phụ nữ chân chính. Tôi rất sung sướng khi sử dụng cuốn hồi ký của bà để dạy cho sinh viên nước mình về truyền thống cách mạng Việt Nam”.
Với đất nước, với cách mạng là vậy, còn với những người phụ nữ Việt Nam nói riêng, trong chiến khu, dù có nhiều gian khó, ác liệt nhưng vẫn dễ nhận ra người phụ nữ có khuôn mặt đôn hậu, tóc búi cao, giản dị trong bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đội nón lá, đi dép cao su như mọi nữ du kích khác. Đất nước thống nhất, sau khi trở thành cán bộ cấp cao của Nhà nước, lối sống chan hòa với mọi người của bà Ba Định vẫn không hề thay đổi.
Hay nói như Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tại thời điểm khai mạc triển lãm “Nữ tướng khăn rằn”: “Không chỉ là nữ tướng trên chiến trường, cô Ba Định là sự kết hợp hài hòa giữa tính can trường, dũng cảm và lòng nhân ái bao dung, ý chí quyết liệt, luôn tỏa sáng trong đời thường”.