Nữ thi nhân chưa một ngày đến trường mượn thơ ca xoá bất hạnh

Những ngày tháng đầu tháng 9, chị Đinh Thị Hoàng Loan (35 tuổi, ngụ KP 2, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai) chuẩn bị ra mắt tập thơ thứ 3. Tác giả của những tập thơ trên là một người tật nguyền và chưa một ngày đến trường.

Những ngày tháng đầu tháng 9, chị Đinh Thị Hoàng Loan (35 tuổi, ngụ KP 2, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai) chuẩn bị ra mắt tập thơ thứ 3. Tác giả của những tập thơ trên là một người tật nguyền và chưa một ngày đến trường.

Nỗi đau chiến tranh giữa thời bình

Ngay từ khi chào đời, chị đã không được lành lặn như những đứa trẻ khác mà phải sống với hình hài co quắp do di chứng chất độc dioxin. Số phận không mỉm cười nhưng không vì thế mà chị quay lưng với cuộc sống. Chị luôn vui tươi, sống lạc quan và không ngừng cho ra đời những tập thơ ca ngợi cuộc sống, đưa bản thân mình, đưa mọi người thoát khỏi những ranh giới khổ đau.

Thi sĩ đặc biệt Đinh Thị Hoàng Loan
Thi sĩ đặc biệt Đinh Thị Hoàng Loan

Người mẹ tâm sự: “Do bị di chứng của chất độc da cam nên ngay từ thuở lọt lòng, Loan đã bị bại liệt, chân tay tong teo. Từ ăn uống đến mọi sinh hoạt cá nhân, Loan không tự phục vụ được mà luôn phải nhờ người khác chăm sóc”.

Năm 1966, bố chị Loan lên đường nhập ngũ và tham gia kháng chiến chống Mỹ tại mặt trận miền Đông Nam Bộ. Sau giải phóng, ông chuyển sang công tác tại Công an tỉnh Đồng Nai. Cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ thời hậu chiến chưa được bao lâu thì vương vào cảnh bi thương do di chứng chất độc da cam gây nên. Bảy lần người mẹ mang nặng, đẻ đau nhưng chỉ có 4 người con lớn lên trong cuộc đời.

Người cha ngậm ngùi kể: “Ngày mới kết hôn, tôi đâu biết mình bị nhiễm dioxin. Loan là đứa con thứ hai nhưng bây giờ là con gái đầu vì đứa con đầu tiên không thể chào đời. Sau khi sinh Loan, vợ tôi còn mang thai thêm hai lần nữa nhưng đều không thành. Một thời gian sau đó, nhờ được một thầy thuốc chữa trị nên vợ chồng tôi mới may mắn có thêm 3 người con lành lặn”.

Ngày chị Loan được sinh ra cũng là ngày hai vợ chồng lo lắng cho số phận của đứa con bé bỏng của mình. Vì nhiễm chất độc da cam nên khi mới lọt lòng mẹ, chị Loan chỉ to hơn nắm tay trọng lượng chưa đến 1,6kg. Do sinh thiếu tháng cũng như sức khỏe suy yếu nên suốt 4 tháng liền bố mẹ của Loan phải đưa Loan đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để các bác sỹ chăm sóc đặc biệt.

Thời gian trôi qua, Loan vẫn lớn lên nhưng phát triển không bình thường như những đứa trẻ khác. Tay chân ngày càng co quắt, không tự đi lại hay cầm nắm được bất cứ thứ gì. Thân hình yếu ớt và ngoài việc nằm một chỗ Loan không tự làm được gì.

Thấy con khiếm khuyết, bố mẹ của chị Loan đã không ít lần khóc cạn nước mắt vì thương con. Hiểu được nỗi buồn của bậc sinh thành, Loan đã sớm ý thức được khiếm khuyết bản thân và luôn gắng gượng, tìm cách vươn lên trong cuộc sống.

Gồng hết thân mình gắng phát âm, chị Loan tâm sự trong những tiếng ngắt quãng: “Tôi đã từng buồn và khóc rất nhiều vì bản thân. Tôi biết bố mẹ, người thân trong gia đình luôn dành cho tôi tình thương đặc biệt nên luôn cố gắng không buồn và quyết tâm làm việc gì đó để không phụ lòng mọi người. Bản thân khiếm khuyết không cho tôi nhiều lựa chọn nên tôi chỉ biết sống vô tư, không lo nghĩ, không than phiền, hòa nhập vào cuộc sống để cùng mọi người vượt qua nỗi đau”.

Thi nhân chưa một ngày đến trường

Tuy bị bại liệt nhưng trí nhớ của chị Loan rất tốt. Thấy các bạn bè cùng trang lứa cắp sách đến trường, chị Loan cũng xin với bố mẹ được đi học. Mặc dù muốn cho con đến trường, nhưng vì chân tay của Loan cứng như những khúc gỗ nên cha mẹ phải để con ở nhà. Không thể đến trường như những người bạn, chị Loan nhờ em gái dạy chữ.

Không cầm được nước mắt khi nghĩ về quá khứ, người mẹ tâm sự: “Ngày đó mỗi khi đứa em học được chữ gì trên lớp là lại về nhà dạy cho Loan. Em dạy chữ thì Loan lại nằm nghiêng và cố gắng ngoái đầu nhìn lên bảng. Vì không cầm được bút, không thể viết chữ nên suốt mấy năm liền Loan phải tập nhớ trong đầu. Khi nhớ hết mặt chữ, đánh vần và đọc lưu loát, Loan bắt đầu tìm đọc tất cả các sách vở trong nhà”. Người mẹ cho biết thêm, năm Loan lên 10 tuổi cũng là lúc chị đã đọc thông thạo và đam mê các loại sách văn học, lịch sử trong nước lẫn nước ngoài.

Suốt năm năm trời Loan chỉ học mỗi việc cầm bút để viết chữ. “Những lúc thấy con nằm vẹo người, tay trái rung rung cầm bút, trán đẫm mồ hôi mà tôi thương vô cùng. Nhiều lần sợ con mệt, tôi khuyên con đừng cố học nữa nhưng Loan vẫn không chịu nghỉ và còn hăng say hơn nữa. Nhiều đêm, khi mọi người đã ngủ ngon giấc thì Loan vẫn bật đèn, gắng gượng nằm tập viết”, người mẹ thổ lộ.

Khi đã biết đọc, biết viết, chị Loan bắt đầu hướng tâm hồn của mình đến những vần thơ. Theo như tâm sự của chị, chỉ có đến với thi ca thì mới xóa đi được những nỗi đau khiếm khuyết của bản thân, xóa bỏ rào cản đắng cay để bước vào cuộc sống. Cho đến nay, chị đã sáng tác trên 300 bài thơ, trong đó có trên 200 bài được chọn xuất bản trong ba tập thơ gồm “Cảm ơn cuộc đời”, “Xe lăn khát vọng” và “Trái tim hồng”.    

Chia sẻ về quá trình làm thơ, chị Loan tâm sự: “Ngày còn bé, tôi thường hỏi mẹ tại sao người ta làm thơ? Khi đó mẹ nói rằng làm thơ là để thể hiện cảm xúc của mình. Về sau, khi đã lớn lên, đọc nhiều tác phẩm thơ ca trong và ngoài nước nên tôi cảm thụ được nhiều giọng thơ và bỗng nhiên tôi muốn thốt ra những tâm sự của lòng mình. Những bài thơ đầu tiên là những bài thơ tôi thể hiện cuộc sống, khát vọng của chính bản thân mình nhưng không viết được ra giấy nên tôi sáng tác và nhớ trong đầu. Ngày đó, tôi chỉ sáng tác cho đỡ buồn và chỉ để mọi người trong gia đình đọc cho vui”.

Năm 2007 một cán bộ công tác tại Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai đến thăm và vô tình phát hiện ra khả năng làm thơ. Hội đã tặng Loan một chiếc máy vi tính để chị có thể viết ra những vần thơ.

Chị Loan chia sẻ, mỗi vần thơ là mỗi cung bậc xúc cảm giúp chị bớt cô độc và yêu đời hơn; chị có thể gửi gắm nhưng tâm tư, nguyện vọng, những tâm sự.

Nhà văn Đàm Chu Văn - Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Đồng Nai nhận xét: “Loan làm thơ có thể gọi là một hiện tượng lạ sở dĩ cô là người khuyết tật, không được đến trường học hành, sách vở tiếp xúc cũng rất hạn chế. Những câu thơ của Loan không hề mắc lỗi câu chữ, các bài thơ được cấu tứ khá chặt chẽ, rất hay và rất xúc động. Loan là 1 mảnh tâm hồn thánh thiện rất đáng quý, đáng trân trọng. Dù khổ đau về khiếm khuyết nhưng cô luôn có cái nhìn lạc quan, luôn thể hiện khát vọng sống hết mình để xóa đi rào cản khổ đau trong cuộc sống”.

Bài thơ đầu tiên của chị là những cảm xúc, những tâm sự về bản thân khiếm khuyết của mình và cũng là những nỗi đau của bậc sinh thành khi thấy đứa con của mình không lành lặn. Được chọn và in trong tập thơ "Cảm ơn cuộc đời", bài thơ "Bàn chân của tôi" là những cảm xúc rất thực: 

          "Bàn chân cong cong ngón chân bé nhỏ

          Mắt mẹ buồn theo năm tháng thời gian

          Những vết nhăn hằn sâu trên trán bố

          Miệng thì cười nước mắt ngược vào tim" 

Nghĩ về bản thân, chị thốt lên những tâm sự thương cảm chính mình, thương cảm cho cha mẹ phải gánh chịu nỗi đau là hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc đã để lại di chứng cho nhiều thế hệ không bao giờ phai trong ký ức người Việt Nam:

          "Em nằm đó một thân hình cong vẹo

          Mắt vô hồn nhìn cõi mộng xa xăm

          Nào biết nước mắt ướt đôi má mẹ

          Ánh mắt buồn sâu thẳm của cha"(Nỗi đau còn đó)

Khiếm khuyết và chịu nhiều cay đắng nhưng Loan không tự ti mặc cảm mà chị luôn sống hồn nhiên, vươn lên và không ngừng khát vọng:

          "Dù thân thể tật nguyền không lành lặn

          Trái tim hồng vẫn nuôi những ước mơ" - (Vươn lên bạn nhé)

hoặc:

          "Hãy ngẩng mặt nhìn ánh dương tỏa sáng

          Và mỉm cười ta đón niềm vui" - (Khát vọng)

Nguyễn Lai

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.