Một tuổi thơ thật hẩm hiu, 6 tuổi, phải rời Hải Phòng đến Hà Nội sinh sống ở gầm cầu ,9 tuổi, chịu sự mất mát, thiệt thòi khi cha của mình chia tay hai mẹ con, chạy theo mối tình khác rồi từ đó “bặt vô âm tính”. Hai năm sau đó, mẹ qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo, để lại cô và người em gái côi cút nơi đất khách quê người, không nơi nương tựa….
Kim Anh và tui quà luật sư gửi thăm nuôi |
Nối tiếp những bất hạnh tột cùng
Người bất hạnh đó là Kim Anh .Có thể nói, quá bất hạnh cho hai chị em Kim Anh, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lẽ ra chị em cô phải được hưởng những gì ấm cúng, ngọt ngào như bao đứa trẻ khác. Ngược lại, cô phải ngược xuôi theo các chuyến tàu, buôn thúng bán bưng tại các nhà ga, bến xe để mưu sinh và nuôi em gái vào đại học. Rồi Kim Anh trôi dạt vào Sài Gòn làm tiếp viên nhà hàng.
Một ngày nọ, Kim Anh gặp một người đàn ông tử tế và đem lòng yêu thương . Những tưởng cuộc đời đã bù đắp cho cô những thăng trầm trước đó. Trái lại, cô vẫn nối chuỗi ngày bất hạnh đến tột cùng khi lần lượt cả chồng rồi con lìa trần vì căn bệnh hiểm nghèo. Thật khó diễn tả được một cô gái “liễu yếu” lại có thể vượt qua những biến cố đó. Nỗi bất hạnh chưa dừng lại đối với cô.
Ít lâu sau, người thân yêu duy nhất còn lại của cô là em gái cũng vĩnh biệt cô vì bạo bệnh trước ngày lễ tốt nghiệp đại học. Lúc này, bản thân cô cũng vĩnh viễn từ bỏ thiên chức làm mẹ vì căn bệnh u nang buồng trứng. Người bạn thân của Kim Anh còn sót lại là người chị kết nghĩa tên H. và một vài người bạn – đây cũng chính là sự động viên, an ủi giúp cô thêm nghị lực sống. Cô lao vào làm việc không một chút thảnh thơi.
Thời gian này, giữa Kim Anh và chị H. gắn kết tình chị em với nhau, chị H. có mượn của Kim Anh 1.000 USD nhưng không trả. Nhiều lần cô đòi và chị H. lại hẹn khất lần. Một hôm, chị H. rủ Kim Anh về nhà trọ ngủ cùng và hứa sẽ trả nợ cho cô, nhưng rồi chỉ là những lời hứa. Thậm chí chị H. còn sỉ nhục Kim Anh là “gái làm tiền”. Sự xúc phạm của chị H. khiến hai người to tiếng và xô sát nhau.
Quá tức giận, vớ được bức tượng thạch cao trên bàn, Kim Anh ném trúng vào đầu chị H. Lập tức chị H. chụp hai con dao đâm Kim Anh. Trong cơn giận dữ, Kim Anh chụp được dao và đâm liên tiếp khiến chị H. chết tại chỗ với 62 nhát dao trên người. Cô gói xác nạn nhân lại bằng chăn, màn, khóa cửa nhà lại rồi bỏ trốn. Sau đó cô bị bắt.
62 nhát dao
Tòa cấp sơ thẩm tuyên cô mức án tử hình, bị cáo Kim Anh như chết lặng. Là người bào chữa cho bị cáo, tôi mất ngủ gần một tuần sau đó, cứ nhắm mắt lại là hiện lên hình ảnh tuyệt vọng của thân chủ (bị cáo Kim Anh). Tôi thấy mình như bất lực, bế tắc, không lối thoát… Bởi, theo tìm hiểu của tôi, đối với vụ án này bị cáo chỉ đáng nhận mức án chung thân là quá đủ. Đáng tiếc là tại tòa, Hội đồng xét xử đã không xem xét thấu đáo các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Tôi khuyên bị cáo làm đơn kháng cáo . Tuy nhiên, bị cáo mất hết niềm tin, cho rằng “cùng phòng giam với mình, tất cả 9 người đều lãnh án tử hình”. Tôi cố thuyết phục thân chủ bằng tất cả những lời lẽ, cuối cùng cũng được đền đáp khi lòng ham sống của người tử tù đã trỗi dậy. Kim Anh quyết định làm đơn kháng cáo xin giảm án trong vô vọng, bởi cô ý thức rằng hành vi phạm tội của mình là quá tàn ác.
Năm ngày sau khi tòa tuyên án, có năm người bạn của Kim Anh tìm đến tôi kể về hoàn cảnh bi đát của cuộc đời cô. Nghe xong, trong tôi lóe lên tình tiết giảm nhẹ khác cho thân chủ. Đó chính là hoàn cảnh bi đát của thân chủ, mặc dù mong manh nhưng nhiều mong manh sẽ tạo nên những cái “không tưởng”. Tôi nhớ lại, tại phiên tòa sơ thẩm, tôi đã nói trước tòa: Có những điểm luật sư chưa đồng tình, do chưa chứng minh được động cơ phạm tội của bị cáo là gì. Tòa chỉ căn cứ vào hành vi hung thủ đâm 62 nhát dao và cho rằng đó là hành vi dã man để xử bị cáo là chưa thỏa đáng”.
Bản thân tôi nghĩ rằng, không nên nhìn vào hậu quả mà nhận định động cơ, mục đích của bị cáo. Cần đặt giả thuyết rằng, một người bình thường nếu đâm người khác một, hai nhát dao đã thấy dã man lắm rồi. Đằng này, hung thủ đâm liền một lúc mấy chục nhát dao thì luật sư thiết nghĩ cần xem lại thần kinh của người đó có bình thường hay không? Có nghĩa là, Hội đồng xét xử đã có thiếu xót trong quá trình phân tích tâm lý tội phạm. Bởi con người có những lúc bình thường nhưng cũng có những lúc không; sự điên của con người bột phát một phần nghìn của giây thôi. Tức là có lúc mình không kiểm soát được mình.
Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi tiếp tục tìm hiểu và biết được, nạn nhân là một cô gái có nhân thân không tốt, lợi dụng nhiều người. Chị H. đã từng quen 10 người đàn ông và lấy xe máy của họ mang đi cầm lấy tiền tiêu xài; việc nạn nhân H. mượn của Kim Anh 1.000 USD là có thật. Một tình tiết có lợi cho Kim Anh nữa là sau khi giết chết nạn nhân, hung thủ không lấy đi một tài sản gì của nạn nhân. Thứ nữa là căn cứ vào hoàn cảnh quá đáng thương của bị cáo Kim Anh từ thuở nhỏ cho đến những biến cố đau thương trong cuộc đời .
Thoát án tử
Góp nhặt tất cả những tình tiết nhỏ nhặt liên quan đến vụ án, bản thân tôi cũng không dám chắc sẽ có thể làm Hội đồng xét xử xem xét giảm án cho thân chủ của mình. Gặp thân chủ, tôi thường xuyên an ủi, động viên cô phải có niềm tin để vượt qua những ngày tháng khó khăn này, để chờ đợi điều bất ngờ từ phiên tòa phúc thẩm.
Điều gì đến cũng sẽ đến, ngày xử phúc thẩm, trong phần bào chữa của mình, tôi trình bày hoàn cảnh quá khó khăn của bị cáo, bổ sung thêm từng tình tiết nhỏ có lợi cho thân chủ. Trong phần tranh luận, tôi cố gắng thể hiện sự thận trọng trong từng lời bào chữa, lý lẽ, câu nói… Bởi chỉ một sơ suất nhỏ thì thân chủ của tôi sẽ lãnh tiếp mức án tử hình, coi như mọi thứ “đổ sông, đổ biển”.
Giờ nghị án ,Kim Anh không dám ngước mặt nhìn ai. Bước vào phần tuyên án, sự hồi hộp giữa cái sống và cái chết như chực chờ thân . Tôi cũng không nén được sự hồi hộp khó tả. Tòa chấp nhận kháng cáo xin giảm án của bị cáo Kim Anh, tuyên bị cáo mức án chung thân, thân chủ tôi được sống, tôi thở phào nhẹ nhõm, niềm vui của Kim Anh như vỡ òa.
“Em không biết nói gì, chỉ thầm cầu mong gia đình anh chị và các cháu có thật nhiều may mắn, luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui. Suốt đời em trân trọng, nể phục anh!” – đó là một đoạn trong là thư của nữ phạm nhân Kim Anh gửi tôi.
Vụ án khép lại, tôi vẫn thường thăm nuôi Kim Anh. Khi gặp tôi , cô luôn miệng nói đòi chết. Tôi nói như trách móc với cô, nếu cô muốn chết thì sao không để tòa xử tử hình, kháng cáo làm gì cho khổ công tôi, chẳng khác đạp đổ mọi thứ. Điều quan trọng bây giờ là cô phải cố gắng cải tạo cho tốt, cuộc đời dù ở đâu đi chăng nữa vẫn còn nhiều ý nghĩa… Ở phiên sơ thẩm tôi không ngủ vì buồn, phúc thẩm tôi cũng không ngủ vì hạnh phúc, sung sướng – đó cũng là món quà lúc ấy tôi dành tặng cho người cha quá cố của mình.
Luật sư Đặng Trường Thanh