Chúng tôi gặp Dương Thị Thịnh (57 tuổi, Chánh tòa Dân sự, TAND tỉnh Hòa Bình) khi nữ Thẩm phán này vừa kết thúc một phiên xử.
Chị kể lại những câu chuyện của chính cuộc đời mình, của những năm tháng làm công tác xét xử án dân sự. Điều đọng lại với chúng tôi trong buổi nói chuyện chân thành ấy là những giọt nước mắt xúc động của vị nữ Thẩm phán. Và hơn hết, sự hết lòng vì công việc, những trăn trở với quyết định của mình khiến bạn bè và đồng nghiệp kính phục, yêu mến.
Làm sao hợp lý, hợp tình
Chị đi bộ đội từ năm 1972 và những năm tháng gian khó ở chiến trường đã giúp chị có một nghị lực lớn để vượt qua những phút tưởng chừng như rất khó khăn để hoàn thành công việc. Năm 1976, chị chuyển sang ngành Tòa án. Năm 1991, thời điểm tách tỉnh Hà Sơn Bình cũng là lúc chị gắn bó với nghề Thẩm phán dân sự cho đến nay.
Chị tâm sự: “Cũng có lúc cơ cấu cán bộ hoặc đơn vị còn thiếu Thẩm phán và tôi có sang bên Tòa Hình sự, nhưng công việc chủ yếu là bên này (Tòa Dân sự - PV). Án dân sự là án phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề của đời sống xã hội nói chung, từ giải quyết việc tranh chấp đất đai đến ly hôn, phân chia tài sản và hàng loạt các tranh chấp khác. Mỗi công việc có một cái khó riêng, làm Thẩm phán Tòa Hình sự thì đau đầu với các tình tiết phạm tội của bị cáo song Thẩm phán Tòa Dân sự cũng nhiều khi mất ăn, mất ngủ mấy ngày liền trước khi vụ án đem ra hội đồng”.
Chị giải thích: “Các vụ án dân sự là các vụ án phức tạp, đòi hỏi không chỉ giải quyết công bằng hay thấu đáo mà phải hợp lý, hợp tình. Trong các vụ án dân sự, nhiều khi cái “tình” cũng phải giải quyết cho ổn thỏa, nếu không những dư âm hay ảnh hưởng về sau này sẽ rất lớn. Đôi khi, chúng tôi thấy mình giống như các hòa giải viên vậy”.
Vụ án của cuộc đời Thẩm phán
Có một vụ án mà nữ Thẩm phán Dương Thị Thịnh đã xét xử cách đây gần 30 năm nhưng những kí ức và ấn tượng mà nó để lại vẫn còn rất sâu đậm trong chị. Khi chúng tôi ghi lại những chi tiết của câu chuyện này, bất giác vị nữ Thẩm phán ngừng lại một lúc lâu và cứ thế, nước mắt chị trào ra vì xúc động. Chị Thịnh đã làm Chủ tọa phiên tòa ấy ngày chị còn công tác tại TAND huyện Lương Sơn...
Sự việc bắt nguồn từ việc phân chia đất đai của một gia đình có công với cách mạng. Hai vợ chồng trong câu chuyện vốn là hai chiến sĩ chống Pháp miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 nhưng không có con. Hai ông bà kết nghĩa với một gia đình ở miền Trung. Đi lại nhiều năm, hai gia đình quý nhau như anh em ruột thịt.
Điều không may xảy ra khi hai người bạn của họ đều mất đột ngột ở miền Trung và để lại bốn người con còn nhỏ dại. Hai ông bà thương bạn, xót các cháu như con mình bèn nhận cả bốn người về nuôi. Do không có con nên hai ông bà nuôi nấng bốn người con của bạn hết sức chu đáo và các cháu cũng gọi ông bà là bố mẹ.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, mâu thuẫn nổi lên giữa các con về công sức đóng góp lao động trong nhà liên quan đến việc ông bà có tiêu chuẩn về Thủ đô Hà Nội ở trên mảnh đất rộng tới 800m2. Có người con thì nhất định muốn sống với bố mẹ, người thì đòi chia công bằng giữa bốn anh em, người thì cho rằng công sức đóng góp lao động vào gia đình như thế nào thì được hưởng như thế đấy.
Đưa ra Tòa án Dân sự xét xử, quan điểm của Luật sư và VKS đều không đồng ý chia đất. Đến lượt mình, chị Thịnh nghiên cứu kỹ hồ sơ, đồng thời tiếp xúc với các con của hai ông bà. Dù đây là vụ kiện tụng trong một gia đình nhưng chị vẫn nhìn ra ở những người con này sự ngoan ngoãn và lối sống tình cảm, yêu thương, quý trọng bố mẹ nuôi hết mực.
Từ phát hiện đó, chị Thịnh đã phân tích cho từng người con thấy sự hợp tình, hợp lý của câu chuyện. Rằng nếu chia, dù là một nửa hay thế nào đi chăng nữa thì rồi sẽ sống với nhau như thế nào, tình đoàn kết yêu thương bao nhiêu năm nay sẽ ra sao khi họ chính thức gặp nhau ở phiên tòa... “Hơn nữa, nếu giải quyết được theo pháp luật và căn cứ vào công sức đóng góp trong gia đình thì căng lắm!
Anh em mất lòng nhau, bố mẹ đau lòng, gia đình tự nhiên mất đi không khí đầm ấm”. Sau khi phân tích gãy gọn cả tình, cả lý, vị nữ Thẩm phán mới hỏi từng người con rằng có nên kiện tụng nữa hay không?. Khi tất cả bọn họ lặng lẽ nhìn nhau không nói gì, chị Thịnh tin rằng mình đã gần đi đến giải pháp tốt nhất cho vụ án.
Chị nhớ lại: “Một lát sau, khi tôi dừng giảng giải, các cháu đã ôm nhau òa khóc nức nở khiến chính tôi cũng không kìm được lòng mình mà rơi nước mắt. Vụ án đã được giải quyết ổn thỏa và tôi thấy nhẹ lòng”.
Một lòng với người dân
Hay như việc Công ty Pacific thải nước thải gây ô nhiễm môi trường, cụ thể là gây ô nhiễm cho nguồn nước giếng khơi của 39 hộ dân trong khu vực. Sau khi xuống hiện trường tìm hiểu cụ thể, chị Thịnh trở về định ra hướng giải quyết: Cùng cán bộ công ty đi đo khoảng cách từ các gia đình đến trục chính của đường ống dẫn nước máy và tiến hành đấu nối nước máy thay cho nguồn nước giếng khơi. Kết quả là các gia đình đã có nước sử dụng. Nữ Thẩm phán vui vẻ kể lại cảm giác của mình hôm ấy: “Cả nguyên đơn và bị đơn đều hài long, khiến mình cũng vui”.
Nhất định không cho chúng tôi chụp ảnh chân dung để minh họa cho bài viết này, vị nữ Thẩm phán nhẹ nhàng nói: “Còn có nhiều vị Thẩm phán tâm huyết với nghề, với công việc hơn tôi rất nhiều. Đây là công việc chung nên nếu là người có tâm, một lòng với dân thì ai cũng sẽ làm như vậy thôi”.
PV