Phong tục bị biến tướng thành hủ tục
Tục “bắt vợ” từ xa xưa là một nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. “Bắt vợ” là để thử thách sự mưu trí, lòng dũng cảm, sự chân thành của các chàng trai với người yêu. Thế nhưng, hiện nay phong tục đẹp này phần nhiều bị biến tướng, kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường khiến nhiều nữ sinh phải dang dở chuyện học để... làm vợ, làm mẹ.
Trong số ít nữ sinh may mắn thoát khỏi hủ tục này có em Hà Thị Hồng Vân (tên nhân vật đã được thay đổi, học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 3, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Là cô gái xinh xắn nên nữ sinh này được nhiều trai bản để ý. Nhiều người địa phương vẫn chưa quên câu chuyện xảy ra vào Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Hồng Vân hai lần bị một thanh niên trong làng bắt về làm vợ.
Theo lời kể của thầy Nguyễn Minh Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Hợp 3, vào ngày mồng 1 Tết, một thanh niên sinh năm 1995 đi cùng nhóm đối tượng đến nhà em Vân chơi. Tại đây, anh này uống rượu cùng bố của Vân.
Đến khoảng gần 22h, nhà hết rượu, thanh niên này mới rủ Vân cùng đi mua. Đoạn đường dài chừng 3 cây số, phải đi qua nghĩa trang khiến nữ sinh này thấp thỏm lo lắng. Khi xe máy đi qua khu vực nghĩa trang, nam thanh niên bất ngờ nói với Vân: “Em làm vợ anh nhé?”.
Dù cô gái trẻ trả lời còn đi học, từ chối lời cầu hôn trên nhưng thanh niên ấy cứ phóng xe nhanh với mục đích chở Vân về nhà mình. Hoảng hốt, nữ sinh này đã liều mình nhảy khỏi xe và chạy thục mạng trốn thoát. Khi thấy một ngôi nhà dân bên đường còn sáng đèn, Vân xin vào trốn. Sau đó, em đã mượn điện thoại gọi về nhờ người nhà lên đón.
Những tưởng đã thoát được, nhưng đến mồng 4 Tết, trong lúc đi chúc Tết nhà họ hàng, Vân tiếp tục bị nhiều người thân thúc ép đồng ý lấy chồng. Dù cô gái liên tục từ chối nhưng đến 21h cùng ngày, một người họ hàng của chàng trai đã chở Vân về tận nhà thanh niên trước đó “bắt vợ” hụt.
Tại đây, họ đã chuẩn bị sẵn mâm cơm, chum rượu theo đúng phong tục người Thái để cưới vợ. Vân khóc lóc, xin thả về và nhất quyết không ăn, không uống để đám cưới không thể diễn ra theo đúng tục lệ. Chỉ đến khi cô gái trẻ cầu cứu người thân, chính quyền, mới được giải thoát.
Tuy vậy, ngay hôm sau, gia đình chàng trai lại đưa trầu cau sang hỏi cưới Vân. Chuyện ép hôn của Vân chỉ kết thúc khi có sự can thiệp của nhà trường. Chính thầy Nguyễn Minh Đạt đã xuống nhà giải thích cho bố mẹ nữ sinh này hiểu, rồi nhờ chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vào cuộc nhắc nhở gia đình chàng trai kia.
Sau khi đi học lại, Vân đã đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ. Nhờ nhiều năm liền là học sinh khá giỏi nên trong năm đó Vân đã thi đỗ ngành du lịch để tiếp tục thực hiện ước mơ giảng đường của mình.
Nữ sinh Vân đã dám chống lại tục bắt vợ để viết tiếp ước mơ giảng đường. |
Em đang ôn thi để giành suất du học nước ngoài. Chia sẻ về hành động của mình, nữ sinh này từng tâm sự, với người Thái thì tục “bắt vợ” xuất hiện từ lâu đời và hiện nay tục lệ này vẫn được duy trì ở bản. Song em nghĩ đó phải là kết quả của tình yêu đôi lứa, là sự đồng thuận của hai gia đình. Còn việc bị ép buộc, bắt về mà không có sự đồng thuận thì em phản đối đến cùng.
Nỗi lo “mất” học sinh sau dịp Tết
Theo thầy Nguyễn Minh Đạt, nhiều năm trước, vào dịp sau Tết Nguyên đán, nhà trường lại “mất” 3-4 em, không thấy đến trường. Mỗi lần như thế, nhà trường lại cử giáo viên xuống tìm hiểu nguyên nhân. Lúc này, thầy cô mới biết các em đã lập gia đình vì tục “bắt vợ”.
“Phương án lúc đó của nhà trường chỉ là vận động, tuyên truyền để các em trở lại học tập. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như phát hiện sự việc muộn, gặp sự phản đối của gia đình nên nhiều trường hợp không thành công. Trường hợp của em Vân được xem là hy hữu trước tục “bắt vợ” của đồng bào nơi đây”, thầy Đạt cho hay.
Cùng chung cảnh ngộ đó là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Tít (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Thầy Nguyễn Công Danh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, do nằm ở vùng biên giới Việt – Lào nên đồng bào nơi đây còn giữ nhiều phong tục, trong đó có tục “bắt vợ”. Dịp Tết và cận Tết là thời điểm nóng của tình trạng này, vì trai bản đi làm ăn xa ở khắp nơi về quê ăn Tết.
Thầy Danh cho biết, các nhóm thanh niên thường đi từng nhóm từ 3-4 người để hỗ trợ nhau. Họ leo tường vào khu ký túc xá của trường để “bắt” các nữ sinh về nhà lấy chồng. Khi bị phát hiện và can ngăn, có người còn lớn tiếng đe dọa các thầy cô giáo.
Thầy giáo này vẫn còn nhớ một vụ bắt vợ vào sát Tết năm 2018. Khi chỉ còn ít ngày nữa là các học sinh sẽ được về nhà nghỉ Tết thì một nhóm thanh niên lạ đột nhập vào khu vực ký túc xá nhà trường bắt một nữ sinh lớp 8.
Lúc đó vào lúc chập tối, nghe tiếng hò hét của học sinh, các giáo viên của trường vội chạy ra thì thấy một nhóm 4 thanh niên đang cố gắng giằng co để bắt một nữ sinh. Thầy cô can ngăn liền bị nhóm này lớn tiếng: “Không phải việc của mấy ông”. Trước sự hung hăng của thanh niên lạ, nhà trường đành phải nhờ lực lượng công an xã mới “giải cứu” được nữ sinh này.
Sau lần đó, để đảm bảo an ninh trật tự trong trường cũng như kịp thời phát hiện những thanh niên lẻn vào trường bắt vợ, trường này đã lắp đặt một hệ thống camera ở quanh sân trường và khu ký túc xá để quản lý. Trường cũng yêu cầu học sinh phải báo cáo giáo viên khi phát hiện người ngoài vào trường chơi, quậy phá.
Điều khiến nhà trường lo lắng là có thể can thiệp nạn “bắt vợ” được tại trường, nhưng nếu sự việc xảy ra ở nhà thì thầy cô đành chịu. Ngoài tình trạng bắt vợ, những giáo viên ở vùng cao còn lo lắng sau mỗi dịp nghỉ Tết, nhiều học sinh thấy những người đi làm ăn về có tiền, có điện thoại, quần áo đẹp, nên nghe lời rủ rê bỏ học để theo bạn đi làm. Thực trạng này khiến nhiều trường ở miền núi Nghệ An lo lắng.
Bà Trương Thị Bích Hiệp, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳ Hợp cho biết, mỗi năm cơ quan chức năng đều phối hợp với tất cả trường học trên địa bàn tổ chức các lớp ngoại khóa bàn về tục cướp vợ và chống nạn tảo hôn.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này khó kiểm soát là các em gái hoặc chính người thân của các em cam chịu, chấp thuận khi bị “trộm” làm vợ. Hơn nữa, các vụ việc xảy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện nên khi cơ quan chức năng biết thì đã muộn.