Trong chuyến hành trình qua những khúc cua ngoằn ngoèo trên quốc lộ 2B, lên Tam Đảo (Vĩnh Phúc) chúng tôi tình cờ được nghe phút trải lòng rất thật của những nữ “phu đường”. Họ hay ví von cái sự nhọc nhằn của nghề bằng câu cửa miệng “ướt áo ráo đường” chăm sóc từng mét đường như chăm đứa con mọn. Đảm bảo cung đường luôn được sạch sẽ thông thoáng, để các phương tiện vượt dốc an toàn. Cứ thế suốt bao năm họ thầm lặng gắn mình với công việc ấy, ấp ủ bao niềm mong mỏi chẳng thể nói cùng ai
Nhọc nhằn phận nữ “phu đường”…
Tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng (nhân viên Công ty Quản lý sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc) người được nhóm nữ công nhân đường ví von là “già bản” khi chị cùng một đồng nghiệp đang dọn đá, nhổ cỏ trên đoạn cua gấp khúc thuộc quốc lộ 2B.
Gạt bỏ tấm khăn che mặt ướt đẫm mồ hôi, đôi tay vẫn không ngưng việc người phụ nữ có tuổi đời gần 50 này kể: Năm 19 tuổi, chẳng hiểu cơ duyên run rủi thế nào chị rời bỏ đất Lập Thạch xin lên Tam Đảo làm công nhân đường bộ. Thế rồi từ bấy đến nay, khi đã gần chạm ngưỡng tuổi “về vườn” chị Hồng vẫn gắn mình mãi với cung đường 2B này.
lNhững nữ “phu đường” hàng ngày âm thầm quét dọn, chăm sóc đảm bảo cho cung đường lên Tam Đảo luôn thông thoáng, sạch đẹp |
Gần ba chục năm gắn bó với đường, bất kể tiết trời dù sương mù, nắng, mưa, hay giá rét, những người làm công việc dọn dẹp, chăm sóc đường như chị Hồng đều phải có mặt tại địa bàn được giao trước 7 giờ sáng.
Mọi việc lớn nhỏ từ dọn rác, nhổ cỏ đến tiêu thoát nước, khắc phục đất đá sạt lở… đều là công việc thường ngày mà những nữ công nhân này đảm nhiệm. “Từng mét đường ở đây, chỗ nào nhiều cỏ, chỗ nào ít, hố hõm sứt mẻ, cánh chị em chúng tôi đều biết hết…” chị Hồng hóm hỉnh nói.
Một đội “chăm sóc” đường như chị Hồng thường gồm 20 người. Tuy nhiên, trên 10km đèo dốc lên Tam Đảo thì thường xuyên chỉ có 7 người phụ trách. Khó khăn đối với những nữ phu đường này có lẽ là việc thường xuyên phải “ăn sương ngủ rừng”.
Theo cách gọi ví von của họ là nghề “ướt áo ráo đường”. Không ướt áo sao được khi con đường dẫn lên Tam Đảo quanh năm sương sớm phủ lất phất, leo xe lên tới địa điểm làm việc mồ hôi đã rịn ướt lưng áo. Không ướt sao được khi trời đổ mưa tầm tã, ai cũng tìm chỗ trú náu còn các chị lại lao ra khơi dòng, thoát nước cho đường khỏi úng ngập.
Chưa hết, do công việc chỉ thực sự kết thúc vào lúc trời chuyển bóng xế tà nhá nhem, bởi thế không hiếm lần các chị gặp phải những gã say loạng quạng tìm đến trêu ghẹo. “Biết là nghề này nó thế, đã bao lần định bỏ nhưng như người ta nói như là nó có duyên nợ với mình. Nó vận số vào thân mình rồi nên nghỉ là thấy nhớ…” chị Nguyễn Thị Hà một nữ “phu đường” góp lời .
Và những điều chẳng thể nói cùng ai !
Quốc lộ 2B, đoạn đường dốc dẫn lên Tam Đảo, có chiều dài hơn 10km, khá nhỏ hẹp và gấp khúc. Trước kia, nó được những người thường xuyên qua lại đây ví như “điểm đen” bởi dễ xảy ra va chạm giao thông nhất. Chính vì thế, điều kiện tiên quyết giúp giảm tối đa sự va chạm giữa các phương tiện tham gia giao thông là con đường luôn phải sạch sẽ, không có chướng ngại và ít hố hõm.
Cũng dễ hiểu vì sao đoạn đường này lại thường xuyên nhận được bàn tay chăm sóc của các nữ công nhân. “Chị em chúng tôi làm xong 100m đường, quay lại thì cỏ đã mọc lại um tùm. Đấy là chưa kể những hôm mưa bão, đất từ trên cao đá sạt lở xuống, cây cối gãy đổ nằm ngả nghiêng trên đường, chúng tôi đều phải có mặt trước tiên để dọn dẹp cho xe cộ đi lại thuận lợi…” chị Hồng bộc bạch
Gần 18 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1973) không khi nào thôi nguôi suy nghĩ chưa làm tròn công việc nội trợ, chăm sóc chồng con. Trong câu chuyện của mình, chị Hà ngậm ngùi kể:
Nhà chị ở mãi tận thôn Tân Long cuối xã Hồ Sơn, chồng làm công việc tài xế lái xe bus. Bởi thế, cả hai anh chị đều không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình. Thường xuyên vắng nhà từ sáng sớm đến chiều muộn, nhiều khi chị chỉ kịp nấu vội cho mấy đứa con ăn bữa sáng rồi bỏ vẳng cả ngày.
“Cũng thấy tủi thân cho mấy đứa nhỏ, con nhà người ta thì được bố mẹ chăm lo cho từng tí. Học hành cũng được đưa đi đón về chứ con nhà mình thì cứ thui thủi một mình.. Sợ nhất là lúc ốm đau bệnh tật, con cái không chăm được lại phải ngậm ngùi mà đưa đi gửi nhờ ông bà nội ngoại. Thương con lắm nhưng công việc nó phải thế, chẳng biết làm thế nào được. Những khi ấy vừa làm vừa thấy tủi phận, nhiều khi chẳng biết lúc nào nước mắt nó lại ứa ra…” chị Hà tâm sự.
Quanh năm suốt tháng bám mặt cho đường, tiền công của họ được khoán với mức 130.000 đồng/ngày. “Bao năm làm nghề này, ở nhà toàn phải nấu cơm cho tôi ăn đấy chứ. Mà cái nghề này tiền lương một tháng chắc chẳng đủ để mua bảo hộ lao động…” vừa góp chuyện chị Hồng vừa chìa đôi găng tay sờn rách, để lộ các ngón tay chai sần trước mặt chúng tôi.
Nhìn những nữ “phu đường” này cặm cụi làm việc tôi trộm nghĩ chắc chẳng hẳn mấy ai để ý đến họ dù có người lên đèo, xuống dốc cả chục lần mỗi ngày. Và chắc hẳn mấy ai biết, để có cung đường bớt hiểm nguy, trở ngại cho giao thông những người phụ nữ này đã phải âm thầm quét dọn, chăm sóc con đường vất vả như thế nào.
Đinh Luyện