Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh thường có nhiều công việc phù hợp với sinh viên đi làm thuê. Có công việc chẳng đòi hỏi phải trình độ, nhưng cần sức khỏe như việc bốc vác, làm quán cà phê. Lại có công việc cần phải sử dụng cả trình độ lẫn óc tư duy như làm gia sư, thiết kế... "Dân sinh viên" đi làm thuê ở mỗi ngành nghề, đều gặp phải những chuyện bi hài, đôi khi khổ sở, đau đớn.
|
Sinh viên chật vật làm thêm. Ảnh minh họa từ internet. |
Học thuê
Trên mạng Internet, ở các trang rao vặt xuất hiện nhiều lời quảng cáo đi học thuê, cần người học thuê rất mùi mẫn. Ví như: “Nhận đi học thuê trong khu vực nội thành Hà Nội. Nếu học ngành tài chính ngân hàng hay ngành kinh tế thì càng tốt. Giá cả phải chăng theo thỏa thuận (khoảng 300k/tháng là ok rồi). Tớ 19 tuổi, đang học năm thứ 2. Đảm bảo về sự chăm chỉ, chuyên cần và chất lượng. Mọi chi tiết xin liên hệ Meosuttc23@...”. Quảng cáo chứng tỏ dịch vụ học thuê đã và đang phát triển.
Người thuê là người sinh con, mới lấy chồng ngại đến lớp, những cậu ấm cô chiêu thích chơi hơn học... Họ cần có người thay thế mình trên giảng đường để duy trì các chương trình và cuối năm vẫn có điểm. Chỉ cần bỏ một ít tiền ra mướn người thay mình lên lớp là “thân chủ” an tâm vắng mặt.
Dịch vụ học thuê ra đời từ đó. Đỗ Thị Mai, cựu sinh viên trường Đại học Thương Mại đã tốt nghiệp 3 năm trước nhưng chưa kiếm được việc. Từ ngày tìm được mối học thuê, cô đã có việc làm và ký được nhiều hợp đồng khá tốt. Mai bị cuốn theo công việc và chẳng nghĩ gì đến chuyện đi tìm một công việc khác. Mỗi tháng, nhờ chạy “sô” 3 ca: sáng, chiều, tối, cô cũng kiếm được chừng 3 triệu . Nhờ có "thâm niên" mà cô có nhiều lời mời mọc. Mai đã giới thiệu cho một số bạn bè đang thất nghiệp để "có cơ" trụ lại đất Hà Nội.
Ở các trường đại học hiện nay, nhiều chương trình học mà một lớp ngồi rất nhiều sinh viên. Thầy giáo đến dạy có điểm danh, nhưng chẳng cần nhớ mặt sinh viên, nên dân học thuê mới sống được. Người học thuê chỉ cần đến đúng giờ, ghi chép đầy đủ. Người có ý thức thì tự nhiên được nạp thêm kiến thức, kẻ chẳng hào hứng thì thấy mỗi buổn học rất nhàm chán, buồn ngủ, giống như một buổi tra tấn.
Thêm nữa, "dân" học thuê cũng rất thích "vớ" được hợp đồng với một ông giám đốc nào đó. Ông ta muốn có thêm bằng cấp để khẳng định mình, nhưng lại không có thời gian. Đành phải thuê một người học thay để toàn tâm toàn ý cho công việc. Thường ông trả rất hậu.
Yêu thuê
Dịch vụ này mới phát triển trong vài năm trở lại đây. Có cả một công ty lớn làm dịch vụ này và đã quảng cáo rầm rộ trên báo chí. Dịch vụ này để phục vụ những người chưa có (hoặc đã có) người yêu. Đặc biệt là những chàng trai đã đứng tuổi, chưa muốn lấy vợ, nhưng mỗi lần về quê, luôn bị gia đình giục lấy vợ. Họ cần một cô gái vừa mắt, để đi cùng chàng trai về quê giới thiệu gia đình.
Ngoài ra, vào những ngày lễ Tết, nhiều chàng trai chưa vợ muốn có một cô gái ở bên cạnh mình cho đỡ buồn. Họ bỏ ra một số tiền khá, theo thỏa thuận để có người đi chơi, trò chuyện trong một vài ngày.
Đối tượng tham gia vào dịch vụ yêu thuê này phần nhiều là sinh viên và sinh viên mới ra trường. Đây là một dịch vụ, cũng là một "cuộc chơi" mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nhưng cả hai bên tham gia đều rất khó lường trước những hệ lụy của nó.
Điều thiệt hại lớn nhất ở các bạn gái đi làm người yêu thuê, rất có thể sau một thời gian thì các bạn sẽ bị chai sạn, bị công thức hóa khi yêu thật, khiến các bạn rất khó rung động. Nhiều nhà tâm lý học, nhà khoa học đã chỉ ra những bất cập trong dịch vụ yêu thuê. Đó là việc “lập trình” ngay cả vấn đề thiêng liêng, chuyện yêu đương cũng biến thành hàng hóa, để thỏa mãn nhu cầu của một số người, thì sẽ phần nào làm xuống cấp đạo lý nhân văn của dân tộc.
Khi nhập vai, cô gái phải “diễn”, phải đóng vai người yêu và đôi khi gặp phải những trường hợp trớ trêu. Ví như về nhà người yêu mà gia đình hỏi gì cũng ngớ ra. Hoặc chàng trai thể hiện tình cảm thì cứ run cầm cập vì sợ. Rồi cảm thấy có lỗi với người yêu (nếu là người đã có người yêu thật).
Nếu người yêu cô gái biết bạn gái mình tham gia dịch vụ này, họ dễ cảm thấy bị xúc phạm, không chịu được cảnh người yêu mình đóng thế. Chuyện đổ vỡ trong tình yêu có thể xảy ra. Những cô gái làm việc này có nguy cơ rủi ro cao. Vì đôi khi người thuê yêu rượu chè vào, tỏ ra không tôn trọng họ, đi quá giới hạn hợp đồng.
Theo nhiều chuyên gia tâm lý thì dịch vụ “cho thuê người yêu” sẽ phát triển, nhưng sẽ không giúp con người lấp được chỗ trống khi thiếu vắng tình cảm.
Nhậu thuê
Nhậu thuê là nghề nhiều cơ cực và lắm hiểm họa. Một số cuộc nhậu nhẹt, ký cọt hợp đồng làm ăn, nếu không có một vài cô gái xinh đẹp, mồi rượu thì mất vui. Tiếp đối tác mà không có vài cô chân dài “châm tửu” thì mất sự trân trọng. Nghề gái nhậu thuê ra đời từ đó. Cũng từ đó, nhiều cô gái bị cuốn vào hố đen của dục vọng. Các cô sa đà vào những chinh phục tình tiền bấn loạn, dẫn đến những đổ vỡ.
Nghề này mới phát triển, thu hút những cô gái sinh đẹp, trong đó có những nữ sinh viên thật bản lĩnh và tự tin với nhan sắc của mình. Muốn làm gái nhậu thuê, ngoài chút nhan sắc ra cũng phải biết ăn nói, có khiếu nịnh nọt, đồng thời phải tập uống bia rượu.
Cái sự tập tành này đối với các cô gái chưa một lần biết đến men quả là hài hước. Có cô uống được một chén vội nhè ra vì cay, cô khác nhắm mắt nhắm mũi uống được vài chén thì “liêng tiêng biêng” không làm chủ được mình, vớ gì đập nấy kể cả quần áo mình cũng xé.
Thế nhưng, dù là phái nữ chân yếu tay mềm, để có thể hành nghề, nhiều cô gái đã quyết tâm tập uống và trở nên thuần thục. Khi đã uống giỏi, các cô cần phải làm động tác “thử rượu”, tức là uống thử xem tửu lượng của mình bao nhiêu để thuận tiện khống chế bản thân khi tiếp xúc với khách hàng. Những cô gái nào không “cho chó ăn chè”, không say mèm “quắc cần câu” hoặc không để cho khách đụng chạm sàm sỡ quá đáng là đạt yêu cầu.
Tôi gặp Thuý, là một cô gái từ Thái Bình ra Hà Nội học Cao đẳng và làm cho một nhà hàng ăn uống. Với khuôn mặt khá khả ái, Thúy thường được khách gọi ra rót bia và tiện thể được mời ngồi uống luôn. Ông chủ nể, đã để Thúy làm như vậy, cũng là cách giữ khách. Sau đó, Thúy thường xuyên được ông chủ dùng để "câu khách". Thúy đã vượt mặt chủ, đi nhà nghỉ cùng khách nhiều lần để… kiếm thêm.
Còn Nga, sinh viên đại học Ngoại ngữ cũng đã có hàng chục khách quen, hễ phải đi tiếp khách là gọi cô. Nga không những xinh xắn mà vốn ngoại ngữ khá, uống rượu giỏi. Khách hàng đôi khi phải tiếp đối tác nước ngoài cũng gọi đến cô. Vì thế, số tiền công khoảng 1 - 2 trăm ngàn một lần đủ để cô trang trải cho cuộc sống phố phường.
Có một lần tôi gặp, nói chuyện, Nga tỏ ra bi quan, đau khổ: “Đời gái nhậu thuê chúng em bọt bèo như cây lục bình giữa dòng sông mênh mông vậy, chẳng biết đi đâu về đâu cả. Lúc nào xanh tốt được thì xanh tốt thôi. Người đời gọi chúng em là “gái tiếp viên di động”, “gái nhậu thuê”, “gái hầu rượu”. Nhưng quan trọng nhất là chúng em cứ phải uống mãi, phải cười nói và khen mãi những người chẳng hề quen biết. Thế có nực cười không anh?”.
Sinh viên ngày nay, nhu cầu làm thêm là rất lớn. Xã hội cũng có quá nhiều nghề để đáp ứng họ, nhưng không ít nghề có nhiều cạm bẫy như nghề nhậu thuê và nghề PG. Nghề PG (Promotion girl - Người xúc tiến thương mại trở thành một nghề khá “hot” trong giớ sinh viên. Không ít công ty đã tuyển chọn những cô gái đẹp, chân dài, hấp dẫn làm PG ngoài quảng bá cho sản phẩm của mình, còn là một thứ mốt.
Do đặc trưng công việc, người làm PG cũng có thu nhập khá để đảm bảo cuộc sống, ít người biết rằng, đằng sau những khuôn mặt khả ái, những cô gái tươi cười đó cũng có nhiều nước mắt, bởi họ đã tham gia vào một nghề không ít cạm bẫy, rất dễ sa ngã.
Dù thế nào thì cuộc sống vẫn diễn ra. Những sinh viên ngoại tỉnh con nhà nghèo cần tiền. Họ vẫn phải dấn thân để đảm bảo học hành, trụ lại thành phố. Họ phải tìm nghề, đôi khi bất kể nghề nào có thể kiếm được tiền. Tuy nhiên, họ cần giữ được mình, có bản lĩnh để không bị nhúng vào bùn lầy nhớp nhơ.
Khánh Vy