Chọn quê nhà để phục vụ
Chị là Lê Thị Duyên (SN 1975), trú tại xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng y tế tại địa phương, chị Duyên tiếp tục học chuyên tu tại Trường Đại học Y Thái Bình với mong muốn được về quê nhà phục vụ người dân.
Với cương vị Trưởng trạm Y tế, chuyên ngành sản nhi nhưng bác sỹ (BS) Duyên “ôm” hầu hết các công việc, từ phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, điều trị… Dưới sự quản lý và chuyên môn sắc bén cộng với sự tự tin, bản lĩnh vững vàng của chị, Trạm y tế xã Tân Ninh là một trong số ít trạm Y tế xuất sắc của cả nước cũng như ở địa phương nhiều năm liền không để xảy ra tai biến, dịch bệnh…
Để đạt được kết quả cao trong công tác tiêm chủng, dự phòng bệnh, BS Duyên cho biết, sắp đến kỳ tiêm chủng chị lên kế hoạch chi tiết, rà soát các đối tượng, kể cả những đối tượng vãng lai, tạm trú ngắn hạn. Sau đó phát chương trình cụ thể tiêm chủng trên hệ thống loa đài của thôn, xã. Trong quá trình tiêm thì chú trọng khâu tư vấn từng loại vắc xin cho đối tượng. Kết thúc chương trình tiêm chủng lại tiếp tục tổng hợp, rà soát đối tượng một lần nữa, xem trường hợp nào bỏ tiêm đến tận nhà hỏi lý do vì sao bỏ tiêm và lên kế hoạch tiêm bổ sung.
Bàn về kinh nghiệm phòng chống tai biến, BS Duyên chia sẻ, tại trạm y tế luôn chuẩn bị sẵn các phương tiện phòng chống tai biến như bình oxy, thuốc chống sốc và các phương tiện cấp cứu cần thiết khác, đồng thời liên hệ thường xuyên với bệnh viện đa khoa huyện, tỉnh để nhờ hỗ trợ khi cần thiết. Nhờ chuyên môn vững cộng với những kinh nghiệm thực tế, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao, nhiều trường hợp tai biến sau đẻ, sốc phản vệ do dị ứng thức ăn, ong đốt, sử dụng kháng sinh bất hợp lý… đã được các bác sỹ Trạm Y tế Tân Ninh cứu sống.
Người dân Tân Ninh không tỏ ra lạ lẫm trước hình ảnh nữ BS, Trưởng Trạm Y tế xã suốt ngày “quần xắn móng lợn”, đi dép lê chạy tới, chạy lui từng nhà người dân hỏi thăm, động viên, tư vấn, chăm sóc sức khỏe. Đêm hôm cứ có điện thoại gọi đến là chị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Và chị trở thành người bạn tâm tình, chia sẻ, thậm chí là “vị cứu tinh” của người dân trên địa bàn. Chị kể, có trường hợp người ở xã nhưng đi làm ăn tận trên Sơn La. Sau khi đổ bệnh nơi đất khách quê người, anh trở về địa phương sinh sống. Khi biết bệnh nhân có kết quả dương tính với HIV, chị Duyên thường xuyên đến nhờ tư vấn, động viên anh đi xét nghiệm và tuân thủ điều trị. Nhờ đó, sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục, tâm lý cũng ổn định trở lại. Biết hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn, bản thân thì ốm đau không ai chăm sóc, BS Duyên đã cạy cục khắp nơi xin trợ cấp khám chữa bệnh cho anh.
Hiện nay, tỷ lệ khám chữa bệnh của người dân xã Tân Ninh luôn đạt trên 90%; tiêm chủng đạt từ 95-98%; suy dinh dưỡng chỉ còn 13,5%; đặc biệt 100% số phụ nữ của xã sinh tại trạm y tế (nhiều xã khác trong tỉnh tỷ lệ sinh tại nhà, bà mụ đỡ còn khá cao); người cao tuổi thì được khám chữa bệnh định kỳ, thường xuyên...
Nữ bác sĩ giỏi kêu gọi tài trợ
Chỉ là một trạm y tế nho nhỏ thuộc một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa nhưng hễ cứ nghe, biết về chương trình, dự án gì, BS Duyên đều kéo về, với mong muốn người dân quê mình sẽ được hưởng lợi từ các dự án, chương trình đó. Chị hồ hởi khoe với chúng tôi, vừa rồi chị cũng lãnh đạo một số trạm y tế khác của tỉnh đi tập huấn về chương trình Methadone và chị đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiếp nhận chương trình.
Trước đó, cơ sở của chị cũng đã từng tiến hành thử nghiệm thành công vắc xin dự phòng cúm A/H5N1 giai đoạn 3. “Lúc đầu chúng tôi cũng lo lắng lắm, nhưng nếu mình không mạnh dạn thử nghiệm, người dân sẽ không tiếp cận được với những phương pháp dự phòng bệnh tiên tiến, khoa học. Còn nếu mình thử nghiệm thành công, người dân nơi đây sẽ được hưởng lợi…”. Cân nhắc, đắn đo mãi, cuối cùng bằng sự tự tin và bản lĩnh của mình, chị Duyên đã quyết tâm tiếp nhận công việc mà không phải cơ sở y tế nào cũng dám làm…
BS Duyên cho biết, đầu tiên chị bỏ thời gian và công sức đưa thông tin lên loa đài, rồi tuyên truyền miệng. Bước tiếp theo các cán bộ của trạm phân nhau đến tận nhà người dân tư vấn, động viên họ đi thử nghiệm. Có trường hợp sau khi nghe các chị tư vấn đã bỏ trốn, nhưng sau một thời gian tư vấn, thuyết phục, họ đã hiểu ra và đồng ý tham gia chương trình. “Đầu xuôi, đuôi lọt”, sau hiệu quả của chương trình người dân không những không sợ mà còn tỏ ra rất nhiệt tình, sốt sắng trong việc tình nguyện tham gia các chương trình, dự án do BS Duyên phụ trách, kêu gọi.
Thẳng thắn, nhiệt huyết, tận tâm với công việc, nhất là luôn tự tin, bản lĩnh và không ngại khó, ngại khổ nên BS Lê Thị Duyên luôn được người dân địa phương tin yêu, kính phục. Và hơn thế nữa, chị là người mang niềm vui, hạnh phúc, lợi ích đến cho họ. Nhìn cơ ngơi khang trang, bề thế của Trạm Y tế xã Tân Ninh, với đầy đủ khoa, phòng và các phương tiện, trang thiết bị y tế cần thiết, tôi được biết tất cả những thứ đó cũng là nhờ linh hoạt, tháo vát của BS Duyên. Không chỉ là một BS tài ba, chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm, hết lòng vì bệnh nhân, chị Duyên còn được người dân nơi đây yêu mến, nể trọng với biệt tài kêu gọi các nguồn tài trợ về cho trạm y tế xã nhà.
… Trong ánh nắng chiều vàng ruộm đang rải đều trên xóm làng yên bình của vùng quê Tân Ninh, Triệu Sơn, quệt vội những giọt mồ hôi trên trán, BS Duyên lại tất tả với công việc của một cán bộ, nhân viên y tế cơ sở. Và khuôn mặt phúc hậu, rắn rỏi, tự tin của chị luôn ánh lên niềm tự hào.