Từ quê nghèo lên chốn Sài Thành với số tiền lận lưng “chỉ đủ mua manh chiếu để nằm”, NSƯT Tạ Minh Tâm đã bươn chải đủ nghề, từ bán cà phê đến hướng dẫn viên du lịch để sống và nuôi sống gia đình. Từng đối mặt với cảnh bần cùng và cảm giác tuyệt vọng trong nghề nghiệp đã khiến anh có một mơ ước – được tiếp sức cho các bạn trẻ yêu nghề ca hát thêm sức mạnh để tạo ra những bước nhảy ý nghĩa trong sự nghiệp của mình… Nếu như trước đây người ta chỉ biết đến Tạ Minh Tâm qua những bản tình ca nhạc Đỏ nổi tiếng, thì gần đây “nhà nhà” đều biết anh qua vai trò MC và cả diễn viên điện ảnh. Hiện nay, ngoài đảm nhận vị trí Trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc Viện Tp.HCM, anh còn “đa đoan” với vai trò Giám đốc của Trung tâm Thanh nhạc Bước Nhảy (Jet Studio).- Từ một nghệ sỹ bước sang làm Giám Đốc một trung tâm thanh nhạc, đó có là một “bước nhảy” của anh? Điều tôi làm có gì mới mẻ đâu vì trước đó đã có nhiều người làm. Cũng ở tuổi 50 rồi, nên việc này tôi coi như là bước tự nhiên của một người đã từng trải qua chặng đường dài trong nghề nghiệp, có những kinh nghiệm trong cuộc sống, trong chuyên môn. Tất nhiên, việc này cũng mang chút tính chất kinh doanh nhưng nó xuất phát từ tâm niệm, hoài bão của tôi: muốn đóng góp chuyên môn cho thế hệ trẻ là chính.
- Qua trải nghiệm của mình, anh thấy quản lý bản thân và quản lý người khác cái nào khó hơn? Tôi thấy quản lý bản thân khó hơn. Vì cùng một lúc tôi có nhiều thứ để quan tâm, nên sắp xếp quản lý công việc và các sở thích của mình là việc khó (cười). Về lý thuyết, quản lý một con người là như nhau, nhưng bản thân mình hay tự cho mình cái quyền… xé rào. Quản lý người khác dễ hơn vì họ phải tuân theo những điều đã ký kết trong hợp đồng, còn mình hợp đồng với chính bản thân mình thì mình dễ đơn phương “xé” bỏ nó bất cứ lúc nào vì một quyền lợi, tình cảm lớn hơn hay một công việc hấp dẫn hơn, một sở thích lớn hơn. Nên quản lý bản thân là vấn đề khó, nhất là với những người đang làm quá nhiều thứ như tôi. (cười)- Anh có nghĩ làm Thầy là cho, làm kinh doanh là trao đổi? Có, Cho và Được. Cho kiến thức, cho kinh nghiệm, đồng thời qua công việc đó mình thu được nhiều kinh nghiệm, những điểm độc đáo từ học viên. Người ta nói dạy là học mà. Mình dạy họ điều mình biết, nhưng họ cũng biết nhiều điều mà mình chưa biết. Kinh doanh là sự trao đổi những giá trị của mình và người khác, thậm chí là sự đánh đổi, tức là phải hy sinh. Giá trị ở đây không chỉ là tiền mà cả chuyên môn, kinh nghiệm và uy tín nữa.- Nếu người đến học không gọi anh là thầy, anh có chạnh lòng? Điều đó với tôi không quan trọng! Vấn đề chính là mình có dạy được không và người ta có học được hay không. Đó mới thực chất là quan hệ thầy trò, còn danh xưng không quan trọng. Khi người ta học được điều gì ở mình thì trong lòng họ mình là thầy rồi, đó mới là điều quan trọng. Và ngay bản thân mình cũng có thể học lại ở người ta những điều khác trong cuộc sống và trong lĩnh vực của họ, và trong tình huống như thế mình lại là… học trò.- Có khi nào anh từng băn khoăn rằng không biết mình lựa chọn đúng hay sai không? Cho đến giờ không có băn khoăn gì, vì tôi đã tham gia nhiều lĩnh vực và thành quả mà tôi đã đạt được giúp tôi tự tin khi tham gia vào những lĩnh vực mới. Xuất phát từ tâm lý làm một việc mới là để tự rèn luyện, thử thách bản thân và khi ở trong một tư thế vững vàng về sự nghiệp rồi thì bước vào một lĩnh vực mới nó thong dong lắm. Nó không mang tính được mất, sống chết như người mới bắt đầu sự nghiệp. Với tôi, nếu thành công thì tuyệt vời, còn thất bại chỉ là sự bổ sung vào kinh nghiệm chứ không có gì ghê gớm lắm. Mặc dù, nếu thất bại thì tôi cũng phải trả giá cho uy tín của mình nhưng tôi chấp nhận điều đó.- Anh có tin vào quan hệ nhân quả? Điều đó ảnh hưởng gì đến suy nghĩ và các quyết định của tôi trong công việc và cuộc sống? Nhân quả là biện chứng mà, nhân quả ngay trong kiếp này chứ không phải đợi tới kiếp sau. Anh làm điều tệ hại thì sau đó anh lãnh đủ thôi. Mỗi khi quyết định làm chuyện gì phải xem hiệu quả đem đến, nếu cái tốt nhiều hơn cái xấu mới làm. Đừng làm bậy.- Nhiều người bảo nghề dạy là nghề “bán cháo phổi” anh thấy có đúng không? Người ta có ví von chung với ngành giáo dục là như vậy vì người dạy phải nói nhiều, lao lực để truyền kiến thức. Về mặt nào đó nó cũng đúng vì đó là kinh nghiệm của người xưa, nhưng giờ chỉ đúng phần nào thôi, vì nghề này đang thu được lợi nhuận khá cao, vì thế các trường tư mới được mở ào ạt vậy. Hiện giờ, việc dạy học cũng được nhiều hỗ trợ chứ không cực khổ như ngày xưa nữa. Và dạy hát nói ít hơn dạy các môn khác. Dạy nhạc thì dạy thực hành là chính, nên sự tốn hơi tốn sức không phải là quá nhiều, chỉ phải động não nhiều để giúp cho học sinh tiến bộ.
- Có khi nào anh gặp cảnh bần cùng? Có chứ. Có những giai đoạn mình không thấy lối ra, cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng may là nó qua nhanh và nhờ yêu nghề nên mình đã không chuyển hướng. Thời bao cấp âm nhạc chỉ là để phục vụ chứ không phải để kiếm tiền. Khi tôi học năm cuối, tôi có vợ có con thì rơi vào sự kiệt quệ vì nghề ca sỹ lúc ấy đâu kiếm được tiền. Tôi phải mượn tiền mở quán cà phê, rồi làm hướng dẫn viên du lịch để kiếm sống và nuôi gia đình. Hồi đó, ai rơi vào cảnh kinh tế gia đình kiệt quệ họ thường bỏ nghề.- Anh trân trọng quý nhất điều gì trong cuộc đời này? Tôi quý nhất là tình bạn và tình yêu. Vì hai cái đó sẽ đem đến sự an tâm, quan hệ xã hội rộng, cơ hội để làm việc. Khi mình có được sự tin yêu của mọi người thì mọi thứ sẽ mở ra trước mắt mình. Và mọi thứ vẫn ở phía trước, chưa nói được gì.- Xin cảm ơn và chúc anh luôn sống trong tình yêu và tình bạn ngày càng phát triển.
Theo Gia Hoàng
VnMedia
VnMedia