NSND Khải Hưng: Đạo diễn coi trời bằng cái... ống kính

NSND Khải Hưng
NSND Khải Hưng
(PLO) -Dẫu đã về hưu vài năm nay và bản thân đã ở tuổi ngoại lục tuần, NSND Khải Hưng vẫn thú nhận mình không có thú vui nào khác ngoài công việc, không có niềm đam mê nào hơn phim ảnh. 

Hễ nhắc đến phim ảnh là ông nói chuyện bằng một niềm say mê không dứt, không tránh né, ngần ngại mà vô tư dốc hết những suy nghĩ, trăn trở của mình. Ông ngậm ngùi: “Tiếc rằng đầu mình quá ngắn để vạch ra chiến lược dài hơi cho việc sản xuất phim truyền hình. Giá như mình còn ở tuổi 40!”.

Đạo diễn coi trời bằng cái ống kính

Khải Hưng bảo, ông như người đi trên đường, đến khúc rẽ thì rẽ, đến khúc quanh thì quanh, chẳng thể nào biết trước mà tránh. Tốt nghiệp Khoa Vật lý – Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng Khải Hưng lại được “rủ rê” sang làm truyền hình.

Ông tâm sự: “Sự nghiệp truyền hình của tôi, nghĩ lại giống như một bước ngoặt bất ngờ trong cuộc đời. Tôi đã được học để trở thành thầy giáo nhưng đứng trên bục giảng chẳng được bao lâu thì lại đi học để trở thành “lập trình viên” máy tính.

Tưởng rằng như thế là yên vị, bỗng dưng có một đoàn làm phim đến quay, Viện trưởng muốn tôi giúp họ và tôi đã giúp. Người ta rủ tôi chuyển sang làm truyền hình. Quả tình, lời đề nghị này cũng hấp dẫn và thế là tôi rẽ lối. Đó là năm 1976”.

Năm 1979, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh mở khóa đầu Khoa Đạo diễn, Khải Hưng thi đỗ thủ khoa. Từ đó, ông gắn bó với nghệ thuật như một duyên nợ.

Có thể nói, trong sáng tác điện ảnh bằng phương tiện video ở nước ta, Khải Hưng là người đi đầu, người có công tìm tòi, thể nghiệm công phu và đạt được những thành công rất sớm. Ngay khi đang học, chàng sinh viên Khải Hưng đã nhận những tiểu phẩm ngắn để nghiên cứu cách làm video, từ cách quay từng cảnh, từng góc độ tới dựng băng, lồng tiếng...

Ra trường, Khải Hưng về đầu quân cho Trung tâm nghe nhìn - tiền thân của Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) và đánh dấu tên tuổi của mình bằng bộ phim “Đứa con tôi” - đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc 1983.

Thành công đầu tiên khiến Khải Hưng thêm tự tin và tiếp tục làm hàng loạt phim như: “Cánh diều nhỏ”, “Bản anh hùng ca số 5”, “Vụ án không khởi tố”, “Mặt trời bé con”...Ngày ấy, điều kiện làm phim rất khó khăn, phương tiện máy móc hạn chế và kinh phí lại eo hẹp, nhưng Khải Hưng và đồng nghiệp đã vượt lên tất cả và cho ra đời những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao như “Mẹ chồng tôi”, “Lời nguyền của dòng sông”, “Người tình của cha”…

Giới điện ảnh chính thống và báo chí khi ấy lo lắng: cứ đà này thì truyền hình lấn át điện ảnh, truyền hình hóa điện ảnh. Hết nồng nhiệt như buổi đầu, báo chí quay qua chỉ trích, phê phán những chỗ chưa được của phim truyền hình, Khải Hưng bình tĩnh và lạnh lùng trả lời phỏng vấn:

“Nhà báo nào không thích cứ việc... tắt tivi đi. Chúng tôi làm phim phục vụ 80 triệu đồng bào mà đa số là nông dân chứ không làm phim cho vài ông bà nhà báo ngồi salon thích bới lông tìm vết và phán xét lung tung”. Chưa hết, ông đạo diễn này còn thản nhiên tuyên bố: truyền hình là truyền hình, điện ảnh là điện ảnh, chả việc gì phim truyền hình phải cố đạt cho được... tính điện ảnh làm gì.

Một lần tới Lạng Sơn, khi ngang qua một hội trường nhỏ, Khải Hưng rất ngạc nhiên khi thấy trong đó có nhiều tiếng đàn ông khóc. Ông tò mò vào xem và thực sự xúc động khi biết họ khóc vì xem phim “Mặt trời bé con” của ông.

Khải Hưng nói, chắc chắn dù giàu có bao nhiêu cũng không ai có nổi niềm hạnh phúc như ông lúc đó. Cái hạnh phúc của người làm phim là được sẻ chia và đồng cảm. Ông không quan niệm mình phải làm loại phim gì, điều cốt yếu đó phải là những bộ phim hay.

Hầu hết phim của Khải Hưng đều bắt nguồn từ cảm hứng về đề tài chiến tranh. Ông lý giải: “Không phải với tôi mà với cả dân tộc, hai cuộc chiến tranh của chúng ta đã trở thành một phần máu thịt và kỷ niệm. Tôi nhớ những năm 70, khi mới tốt nghiệp đại học tôi đã thấy cảnh hàng trăm tấn bom cày nát Hà Nội ngay trước mắt mình.

Quá nhiều số phận mà tôi biết đã trở nên bất hạnh từ cuộc chiến ấy. Không phải chỉ trong thế kỷ đã qua, tôi tin cả ở thế kỷ 21 chiến tranh cũng vẫn là nguồn cảm hứng chủ đạo của các tác phẩm nghệ thuật lớn”.

Không thể kể hết các phim truyền hình của Nguyễn Khải Hưng, số Huy chương Vàng ông nhận được trong các đợt Liên hoan phim truyền hình cũng không ít. Nhưng danh tiếng của Khải Hưng chỉ thực sự được khẳng định và tỏa sáng bằng bộ phim “Lời nguyền của dòng sông” đoạt giải Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Bruxelle (Bỉ - năm 1991) và gây được tiếng vang vì lần đầu tiên một bộ phim làm trên chất liệu băng từ đoạt giải thưởng ở một liên hoan phim quốc tế.

Ngay sau đó, một hãng phim của Pháp đã đặt Khải Hưng làm lại bộ phim nhựa nhưng ông đã từ chối vì một lẽ “những gì làm lại, chẳng bao giờ được như tác phẩm đầu tiên của mình”. Bởi theo ông, tuy khiếm khuyết, tác phẩm đầu tay bao giờ cũng là bộ phim tác giả bỏ nhiều công sức, tình cảm và trí tuệ để nghiên cứu, dàn dựng nhất. Dù điều kiện làm phim tốt nhưng chắc gì cảm xúc của đạo diễn đã thật như lần đầu tiên thực hiện.

Làm việc như “điên”

“Cha đẻ” của chương trình “Gặp nhau cuối tuần” kể: “Nhiều lần đi trên phố, tôi thấy người ta quảng cáo những hoạt động văn hóa vào những ngày cuối tuần. Tôi chợt nghĩ “Ừ nhỉ, sao mình không nghĩ ra! Gặp nhau cuối tuần chẳng hạn!”. Thế là ông tập hợp những cộng sự cho ra đời chuyên mục “Gặp nhau cuối tuần”. Ông tự hào coi đó là một món điểm tâm của ngày thứ bảy. Và một bữa điểm tâm ngon sẽ kéo theo một ngày thứ 7 hạnh phúc.

Ngoài thương hiệu “Gặp nhau cuối tuần” từng làm khán giả cười đến chảy nước mắt, phải kể đến công sức ông đã làm cho đời sống phim ảnh mở rộng với nhiều đề tài gần đời sống và giải cứu các đạo diễn, các nhà làm phim khỏi “cơn đói” hồi bấy giờ với một loạt thể loại phim “Văn nghệ chủ nhật”.

Đảm nhận gần 50 phim/năm, ông đã phải đến từng nhà, kêu gọi anh em đồng nghiệp ở các cơ sở sản xuất phim truyện, các đoàn nghệ thuật ngoài Bắc, thậm chí cả các nghệ sĩ phương Nam xa xôi cùng hợp tác. Sau 2 năm lên sóng, “Văn nghệ chủ nhật” nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và giành được sự mến yêu của công chúng.

Nói về điều này, Khải Hưng tâm sự: “Vào một ngày đẹp trời của tháng 8/1994, ông Tổng Giám đốc của Đài Truyền hình Việt Nam đã gọi tôi và hỏi: “Bây giờ tôi giao cho anh 100 phút phát sóng để chiếu phim truyền hình Việt Nam vào chiều chủ nhật hàng tuần, các anh có làm được không?”.

Cũng vì lúc ấy tuổi còn trẻ, còn hăng máu nên tôi trả lời luôn là “được”, nhưng biết đâu cái câu liều lĩnh ấy đã cột chặt tôi vào công việc quản lý. Năm 1995, tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam”.

Khi làm quản lý, điều Khải Hưng quan tâm nhất là “nghệ sĩ có cá tính rất cao”, bởi theo ông, nếu không hiểu điều đó sẽ “bóp chết” sáng tạo. Ông cũng nổi tiếng quyết đoán và quyết liệt khi đưa ra những lập luận sắc bén khiến các đạo diễn phải “tâm phục khẩu phục” khi sản phẩm của họ làm ra bị cắt xén, thêm bớt.

Anh em đồng nghiệp không thể chê tay nghề biên tập của ông vì ông luôn đưa ra được những lý lẽ thuyết phục để bộ phim vừa đến được với công chúng, vừa ít tốn kém nhất khi bổ sung, chỉnh sửa...

Dường như chưa bao giờ Khải Hưng cảm thấy mệt mỏi dù nhịp độ công việc luôn hối hả. Mùa đông cũng như mùa hè, đạo diễn rời nhà vào lúc 6 giờ 30 phút sáng và trở về khi thành phố đã lên đèn.

Ông làm việc như điên, không vướng bận gia đình riêng, không biết uống rượu bia, không ăn được (vì bị bệnh gout), cũng không có thú vui gì đáng kể, suốt ngày cắm mặt vào đống băng để duyệt phim, đến độ một đồng sự phải kêu lên: “Ông điên nên muốn cả cơ quan này điên như ông hay sao?”.

Vừa gắn bó với công việc quản lý, vừa đều đặn làm phim, Khải Hưng còn tham gia giảng dạy tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ông muốn truyền những “ngón nghề” tích lũy sau hơn 30 năm cho thế hệ kế tục. Bài tập tốt nghiệp của sinh viên được ông phản biện bao giờ cũng là những ý kiến hết sức nhà nghề.

Giờ đây, dẫu đã về hưu được vài năm, vị đạo diễn vẫn giữ thói quen làm việc và sinh hoạt như trước, đến văn phòng “Công ty Khải Hưng” lúc 7 giờ 30 phút sáng, tự pha cà phê đen nóng bằng cái tách đã gắn bó mấy chục năm với mình, thậm chí, lau căn phòng mình dù đã thuê người dọn dẹp.

Uống cà phê xong, ông đóng cửa ngồi đọc một núi kịch bản, gạch xóa và… chửi bậy vì đọc phải một đoạn thoại viết dở hay một tình huống vô duyên.

Đến trưa ông ăn cơm hộp, nghỉ ngơi tại công ty, đến chiều lại đọc kịch bản và chỉ về nhà khi đã xong việc. Người ngoài nhìn vào thấy “choáng” vì ông làm quần quật, ông thì lại bảo mình đang chơi đấy chứ, càng “choáng” hơn khi biết thói quen cuối cùng sau một ngày làm việc mệt nghỉ của ông là… xem một đĩa phim trước khi đi ngủ.

Bàn về thực trạng phim truyền hình Việt Nam, cựu Giám đốc Hãng phim Truyền hình Việt Nam bày tỏ lo lắng: diễn viên phim truyền hình hiện nay vừa thiếu lại vừa thừa! Thiếu những người làm việc có nghề, có chuyên môn, được đào tạo bài bản và thừa diễn viên tay ngang, những diễn viên chỉ xem phim ảnh là một “cuộc dạo chơi”.

Quá nhiều người mẫu, ca sĩ, người đẹp chuyển sang đóng phim nhưng không phải ai cũng đảm nhiệm được những vai chính, mà Khải Hưng thì quan niệm, một lời miệt thị nhất trong ngành chính là: “Đồ nghiệp dư!”.

“Trường điện ảnh vẫn đào tạo diễn viên sân khấu mỗi năm, nhưng người đẹp có năng khiếu thì lại không vào Trường Sân khấu bởi khi ra trường họ chẳng thể sống được bằng nghề diễn viên, mà chắc gì khi ra trường họ được nhận vào đoàn kịch Hà Nội, nơi mà bao năm chỉ có chừng ấy biên chế.

Con đường trước mắt gần như là tắc tị, vậy thì ai còn muốn thi vào Trường Sân khấu nữa… Thêm nữa, từ khi tỉ lệ thời lượng phát sóng phim truyền hình gia tăng một cách đột ngột thì sức đâu mà làm, diễn viên đâu ra mà diễn? Vậy thì bất kể cô nào xinh xinh nhặt được ở ngoài phố, thuộc lời nhanh là trở thành diễn viên”, Khải Hưng ngán ngẩm.

Chỉ ngầm theo dõi con từ xa…

Nhớ lại những năm tháng một tay nuôi nấng và dạy dỗ cậu con trai Khải Anh khôn lớn, Khải Hưng bồi hồi nhắc lại một kỷ niệm khó phai trong ông. Lần ấy, ông có xem một tác phẩm tốt nghiệp trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh có nội dung nói về một đứa trẻ từ nhỏ sống với bố vì mẹ bỏ ra nước ngoài. Xem xong ông mới biết là của con trai Khải Anh làm về chính hoàn cảnh của mình, ông xúc động đến trào lệ khi thấy con đã trưởng thành.

Khải Hưng chăm sóc con theo cách của một người đàn ông: Chu đáo nhưng rất nghiêm khắc, thậm chí có phần khắc nghiệt và ông muốn con trai thành danh bằng chính sức lao động của mình. Khải Anh là một trong những đạo diễn trẻ của Hãng phim Truyền hình Việt Nam nhưng khi Khải Hưng còn đương nhiệm chức Giám đốc, ông không hề dành cho con bất kỳ một sự ưu ái nào.

Lúc Khải Anh học năm thứ nhất đại học, ông thậm chí còn cắt tất cả các khoản chu cấp để con tự kiếm sống. Dần dần Khải Anh đã hiểu ra nếu mình làm phim nghiêm túc và sáng tạo thì cũng có thể kiếm ra tiền, thậm chí thu nhập còn khá nếu như mình hết lòng, hết sức, bước đi bằng chính đôi chân của mình.

Cách giáo dục của ông là không nâng đỡ mà chỉ ngầm theo dõi những bước tiến của con từ xa. Khải Anh đi đâu, làm gì ông cũng đều biết nhưng vẫn tạo cho con tính độc lập. Trong nhà có một quy ước, nếu Khải Anh đi chơi đến 11 giờ đêm mà chưa về thì tốt nhất không nên về và Khải Anh không bao giờ đi chơi quá 11 giờ đêm. Trong khi đó, với nhiều thanh niên 11 giờ đêm mới chỉ là bắt đầu.

Khải Hưng và con trai - đạo diễn Khải Anh
Khải Hưng và con trai - đạo diễn Khải Anh

Có lần, Khải Anh hỏi bố: “Tại sao bố lại nhận hợp đồng thấp thế?”. Khải Hưng nghiêm mặt: “Thế nào là cao?”. Con trai ông bảo, phải gấp 10 lần như thế mới xứng đáng. Khải Hưng nói với con: “Đủ sức thì bố làm”, từ đó không thấy cậu thắc mắc nữa.

Khải Hưng cho rằng, Khải Anh nếu có ảnh hưởng về nghề nghiệp từ bố thì chỉ là cách làm việc hết mình, còn tư duy về cách làm phim, kể cả tư duy về tiền bạc, về tình yêu... đều khác biệt với ông. Nhưng ông hiểu rằng, mỗi thế hệ, mỗi thời mỗi khác và ông cần tôn trọng quan điểm đó.

Ngay cả khi con có cãi lời, ông vẫn bình thản: “Chả sao cả. Bướng là một tính cách, sao triệt tiêu tính cách của nó đi. Bướng cũng tốt. Bướng mới có thể đối đầu với cuộc đời. Nhu nhược mới là sợ”.

Giờ đây, Khải Hưng cũng có thể mãn nguyện vì cậu con trai Khải Anh của ông đã có được mái ấm hạnh phúc bên người vợ Đan Lê và đứa con xinh xắn. Khải Hưng không giấu giếm, hơn 10 năm về trước, khi Khải Anh và Đan Lê còn là những thanh niên 21, 22 tuổi, cả hai đã đòi kết hôn. Thế nhưng khi đó, Khải Hưng không ủng hộ vì ông không tin vào sự bền vững của cuộc hôn nhân ấy.

Cũng chính bởi sự đổ vỡ của ông với người vợ đầu tiên mà bản thân ông mới dè dặt và cẩn trọng như vậy. Nhưng lúc này, khi hai con của ông đã trải qua sóng gió của cuộc đời mà vẫn tìm thấy nhau, ông rất tin họ sẽ hạnh phúc, bởi cuộc hôn nhân này không còn là một quyết định bồng bột trẻ con hay một sự thử nghiệm.

Đằng sau vẻ ngoài nóng nảy và bộc trực, Khải Hưng là một người đàn ông đa cảm. Ông nói: “Cũng có thể khi một người đàn ông có chút cương vị và nhất là ở nghề đạo diễn thì chuyện bên cạnh có nhiều bóng hồng không phải là điều khó hiểu. Nhưng yêu nhiều phụ nữ đâu phải là xấu. Ai chẳng phải trải qua vài mối tình, qua một vài người phụ nữ. Mọi người nói tôi yêu nhiều cũng đúng. Tôi yêu nhiều, nhưng không bao giờ yêu hai người đàn bà một lúc”.

Có những mối tình đi qua một cách chóng vánh, cũng có những mối tình sâu đậm. Nhưng ông quan niệm, khi đã chán nhau thì nên dứt bỏ mối quan hệ ấy, không nên lằng nhằng, ở bên nhau chỉ làm khổ nhau. Có điều thật tiếc, những người đã xa ông đều là những người... đẹp.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.