Loạt phim CSHS “Cuồng phong” đang được trình chiếu thực sự cuốn hút khán giả bởi những tình tiết hấp dẫn và khá chân thực về đề tài công an. Một trong những nhân vật để lại ấn tượng trong lòng người xem là Thượng tá Quân (Đỗ Kỷ đóng vai), người chỉ đạo trực tiếp việc bóc gỡ một đường dây ma túy với chằng chịt những chân rết.
Nghệ sĩ Đỗ Kỷ |
Khi đọc kịch bản “Cuồng phong”, điều gì khiến anh nhận lời tham gia bộ phim này? Điều mà nhân vật Thượng tá Quân cuốn hút tôi đó là công việc, và cuộc sống của nhân vật đầy màu sắc. Vừa là một con người bản lĩnh kiên cường trong công việc, vừa có những giây phút rất đời thường. Lâu nay, khi thể hiện hình tượng người chiến sĩ công an trên phim chỉ toàn thấy chuyện đánh án, rồi ăn đói mặc rét… rất thiếu thuyết phục người xem, khiến cho hình ảnh người chiến sĩ công an bị lý tưởng hóa đến mức ngô nghê. Trong khi đó, cuộc sống đời thường của nhân vật lại ít được khai thác. Ngay như một việc nhỏ thôi đó là việc lập lại trật tự đường thông, hè thoáng, tôi có trò chuyện với một đồng chí Phó trưởng công an một phường ở Hà Nội, nghe đồng chí ấy kể mới vỡ ra rằng, các phương tiện thông tin đại chúng, hàng ngày cứ đưa tin thành tích của lực lượng công an trong việc giữ gìn trật tự, nhưng có một góc khuất mà ít người biết, đó là nhà những chiến sĩ cảnh sát trật tự ấy ngày nào cũng bị ném đá, ném gạch, vợ con ra đường thì nhận được vô số những lời đe dọa. Nhân vật Thượng tá Quân trong “Cuồng phong” mà tôi đảm nhận cũng thế, ông có con bị bắt cóc - chi tiết này không mới trên phim, nhưng nó cũng khiến nhân vật thể hiện sự giằng xé, một bên là trách nhiệm với gia đình một bên là trách nhiệm với xã hội.Anh có mất nhiều thời gian thâm nhập thực tế cho vai diễn đầy tính cách này?
Đỗ Kỷ vai Thượng tá Quân |
Trong cả quá trình làm việc, trong cuộc sống hàng ngày tôi từng tiếp xúc với nhiều chiến sĩ công an. Đến khi nhận vai công an, tất cả những chiến sĩ mà tôi quen, tôi từng tiếp xúc hiện ra trong đầu tôi. Tôi học của người này một chút, người kia một chút. Nghề diễn y như nghề đi thu gom nhặt nhạnh để làm sao kho tàng kiến thức, vốn sống của mình thật phong phú... Để khi có điều kiện thể hiện nhân vật thì mình lấy ra dùng thôi.Anh có nghĩ, gương mặt hiền lành của anh có hợp với vai diễn đầy tính cách như vai Quân? Không phải cứ công an là mặt phải góc cạnh, nghiêm nghị và lạnh lùng. Trước tôi, cũng đã có nhiều nghệ sĩ thể hiện nhân vật Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra trong loạt phim CSHS như nghệ sĩ Văn Báu, nghệ sĩ Duy Thanh, rồi Đức Thuận, mỗi người một vẻ. Còn với cá nhân tôi, sự thành công không phải là cứ cố đóng sao cho khác với mọi người mà phải nhập vai dựa trên nền tảng kinh nghiệm tích lũy của bản thân và số phận cụ thể của nhân vật trong tác phẩm.Đề tài về người chiến sĩ CAND từ lâu luôn hấp dẫn khán giả, nhưng lại ít được khai thác. Theo anh, sự “nghèo nàn” này do đâu? Đề tài về người chiến sĩ công an luôn thu hút được khán giả. Đề tài này có đấu tranh đối kháng, mâu thuẫn xung đột, đó là những điểm dễ cấu thành nên những tác phẩm lớn. Trong khi xã hội có rất nhiều người tốt, thì các nghệ sĩ rất ngại thể hiện nhân vật tốt trên phim ảnh, điều này xuất phát từ thực tế, nhân vật người tốt trong tác phẩm văn học không được rõ nét, các tác giả không để tâm bồi đắp chăm chút cho nhân vật người tốt của mình, họ chỉ dựng lên nhân vật người tốt từ những bức xúc xã hội và để lên án cái xấu.
Nghệ sĩ Đỗ Kỷ (bên trái) trong phim "Ngõ lỗ thủng". |
Khi xem vai Ron của anh trong “Ngõ lỗ thủng” (đạo diễn Quốc Trọng), nhiều người đã rất ghét anh? Đúng là thế hệ bây giờ, khi xem tôi diễn trong “Ngõ lỗ thủng”, nhiều người ghét, đó là một ông điên, một ông hâm, một ông dở hơi... Nhưng thế hệ những người đã luống tuổi, xem sẽ thấy mình trong đó. Đó là thời mà họ đã trải qua.Vai diễn đó có phải là sự trở lại của Đỗ Kỷ sau nhiều năm vắng bóng trên truyền hình? Nói như thế cũng đúng vì từ năm 2000 đến nay, tôi chỉ xuất hiện rải rác trong một số bộ phim thôi như: “Mùa lá rụng”, “Hương đất”, “Ngõ lỗ thủng” và bây giờ là “Cuồng phong”.Từ khi bén duyên với nghệ thuật, vai diễn nào làm anh say mê và trăn trở? Đã là một người diễn viên, dù nhận một vai nhỏ nhất, nếu anh không đồng cảm với nhân vật, thì không bao giờ anh thành công trong nghề diễn cả. Cho nên người ta mới nói: “Không có vai diễn nhỏ, mà chỉ có người diễn viên nhỏ”. Cái sự thách đố của người nghệ sĩ là vai ngắn, vai bé mà để lại ấn tượng, chứ không phải trung tâm, vai chính, vai dài mà nhạt.Xin cảm ơn anh!
Theo An Ninh Thủ Đô