Ngày 1/4, Tòa án Tối cao Ấn Độ bác bỏ yêu cầu đòi độc quyền sản xuất thuốc trị ung thư Glivec tại Ấn Độ của hãng dược khổng lồ của Thụy Sỹ Novartis.
Theo phán quyết của Tòa án Tối cao Ấn Độ, hợp chất trong phiên bản mới của thuốc điều trị ung thư Glivec mà Novartis đòi cấp bằng sáng chế “không đáp ứng cuộc kiểm tra về tính mới lạ và sáng tạo” theo quy định của luật pháp Ấn Độ.
Đây là phán quyết mới nhất trong cuộc chiến pháp lý kéo dài suốt 7 năm qua do Novartis đệ trình nhằm đòi được cấp bằng sáng chế đối với sản phẩm thuốc trị ung thư của mình. Vụ kiện này là vụ việc được theo dõi sát sao nhất trong một số trận chiến về bằng sáng chế đang được xem xét tại Ấn Độ.
Phán quyết nói trên của Tòa án cũng được cho là sẽ có tác động sâu rộng trong việc xác định phạm vi bảo hộ độc quyền của các công ty dược phẩm đa quốc gia tại thị trường béo bở này.
Novartis cho rằng, phiên bản thuốc Glivec của họ đã được cải tiến đáng kể từ phiên bản trước đó vì nó có thể dễ thụ hơn rất nhiều, do đó xứng đáng được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng những thay đổi của Glivec trong việc điều trị bệnh bạch cầu chỉ là những cải tiến mang tính chất thường xuyên, hiển nhiên. Ấn Độ hiện chỉ cấp bằng sáng chế cho các loại thuốc mới hoặc các phiên bản cải tiến của một loại thuốc thể hiện rõ nét sự tăng cường hiệu quả điều trị.
Thuốc Glivec của Novartis được cấp phép tại Mỹ năm 2001 dưới tên Gleevec và được bán tại hơn 40 quốc gia khác. Chi phí điều trị bằng Glivec, thường được dùng trong các trường hợp bị bệnh bạch cầu mãn tính và các dạng ung thư khác, tốn đến 2.600 USD mỗi tháng.
Trong khi điều trị bằng các loại thuốc generic (thuốc được bào chế theo công thức có sẵn của thuốc nước ngoài đã chứng minh có hiệu quả và hết thời hạn bản quyền) của Ấn Độ chỉ tốn 175 USD. Chính vì thế, các nhà hoạt động cho rằng phán quyết mang tính chất bước ngoặt của Tòa án Tối cao Ấn Độ sẽ bảo vệ quyền tiếp cận các loại thuốc trị bệnh giá rẻ của người dân tại các nước đang phát triển.
Minh Tuệ (theo báo nước ngoài)