Các băng nhóm giang hồ không chỉ sử dụng dao, kiếm, túyp sắt trong những vụ giải quyết mâu thuẫn với nhau. Mấy năm lại đây, chúng còn sử dụng súng vào việc gây án, giết người. Kẻ giết người phải đền tội, nhưng những hành vi giết người bằng súng cũng thể hiện sự bất cập trong công tác quản lý vũ khí quân dụng.
"Mua súng dễ như mua rau"
Bằng nhiều con đường, súng được nhập vào trong nước và được dân trong giới giang hồ mua để sử dụng trong việc ám sát, thanh toán, cướp của... Chưa bao giờ việc sử dụng súng trái phép, giết người lại tràn lan, tùy tiện như hiện nay. Một đối tượng dân giang hồ từng nói, mua súng bây giờ dễ như mua mớ rau ngoài chợ. Thực tế cho thấy, việc mua bán vũ khí quân dụng ở các khu vực biên giới nước ta vẫn diễn ra hằng ngày.
Chính sự dễ dãi này đã giúp cho bọn tội phạm có một “cánh tay đắc lực” để đi gây án. Hai huyện Bến Cầu và Châu Thành thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh từ lâu đã được coi như “trạm trung chuyển” của những phi vụ phạm pháp giữa các đối tượng từ nhiều nơi đổ về móc nối với các đường dây bên kia biên giới. Điều đáng nói là trong đó có những vụ mua bán vũ khí từ Campuchia sang Việt Nam để cung cấp cho những băng cướp chuyên nghiệp. "Dân buôn" ở một số cửa khẩu phía Bắc cũng bí mật vận chuyển súng về để “cung cấp” cho thị trường trong nước.
Đến nỗi, nhiều đối tượng dân chơi chỉ cần cảm thấy cần, là sẵn sàng lên Lạng Sơn mua súng. Tại Hải Phòng, đã có đối tượng sản xuất được các loại súng bút, súng bắn đạn hoa cải, súng colt... rất nguy hiểm. Các loại súng này đã được tung ra thị trường, và nhiều kẻ sử dụng gây án mạng. Việc mua súng một cách dễ dàng, dường như đã thúc đẩy các băng nhóm ra tay gây án táo tợn hơn. Nhiều “đại ca” trong giới giang hồ cũng đã sử dụng súng như một thứ vũ khí lợi hại, có thể sát hại kẻ thù mà không phải đến gần để thay cho dao, kiếm.
“Xử” nhau bằng súng
Đã hơn một năm qua đi, nhưng người dân vẫn còn bàng hoàng về vụ đấu súng của hai nhóm giang hồ ở khu vực phố Đoàn Thị Điểm (Đống Đa - Hà Nội) vào đêm 3/2/2009. Hai kẻ cầm đầu hai nhóm là Đào Ngọc Thiết và Trần Xuân Ánh. Sau khi bắt giữ được 11/16 đối tượng liên quan, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với các tội danh: Không tố giác tội phạm, giết người và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Các bị cáo trong vụ đấu súng trên phố Đoàn Thị Điểm
Theo lời khai của các đối tượng bị bắt giữ sau đó vài giờ, vào tối 3/2, Ánh và Đặng Cao Tú đến một quán bar trên đường Vân Đồn uống rượu. Ngồi được một lúc thì Ánh bảo Tú lái xe ô tô ra phố Đoàn Thị Điểm đón anh trai Ánh là Trần Đức Trang (là một HLV võ thuật) đến uống rượu cùng. Khi ra cửa thì Ánh gặp lại “đối thủ” cũ là Đỗ Mạnh Cường (SN 1979, trú tại Phố Huế, Hà Nội) là đồng bọn của Thiết. Khi xe của Ánh dừng lại thì một xe ô tô loại 7 chỗ của nhóm Cường, Thiết cũng đến.
Nhóm của Thiết và Cường có Trần Văn Thắng cầm súng bắn về phía nhóm của Ánh. Sẵn có súng trong tay, nhóm của Ánh bắn trả và trúng vào ngực Phạm Văn Thắng. Dù bị thương nhưng Thắng vẫn bắn trúng vào chân Lê Bá Thành. Do bị thương nặng nên Thắng đã chết trên đường đi cấp cứu.
Sau hai ngày (22 và 23/7/2010) xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Lê Bá Thành 16 năm tù về tội giết người, 2 năm tù về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Trần Đức Trang 12 năm tù về tội giết người; Bùi Văn Tú 16 năm tù về tội giết người, 1 năm tù về tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng; Phạm Ngọc Điệp 2 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng… Các đối tượng Trần Xuân Ánh, Đỗ Mạnh Cường, Đào Ngọc Thiết... đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra tách vụ án xử lý sau.
Trước đó, vào đêm 30/6/2008 tại TP. Thanh Hóa cũng xảy ra một vụ “xử” nhau bằng súng giữa hai băng nhóm gây ra án mạng. Kẻ cầm đầu băng nhóm gây án mạng là Lê Khắc Cường (Cường “chưởng”), trú tại phường Đông Thọ - TP. Thanh Hóa. Vào 23h cùng ngày Lê Khắc Cường bị nhóm của Nguyễn Khắc Tiến và Bùi Cao Cường (Cường “cao”) rượt đuổi nên gọi điện cho Nguyễn Xuân Hoà; Nguyễn Thế Việt, Lê Thanh Hợp đến bàn cách trả thù.
Lê Khắc Cường lấy một khẩu súng AK kèm theo một băng đạn đưa cho Lê Thanh Hợp, còn bản thân mình cầm khẩu K54. Khi đến phường Điện Biên, TP. Thanh Hoá, bọn chúng phát hiện nhóm của Nguyễn Khắc Tiến đang đi ngược chiều nên Cường “chưởng” rút súng K54 bắn vào nhóm này. Lê Thanh Hợp cũng nổ súng AK bắn Ngô Như Hoà và Nguyễn Xuân Chiến.
Lê Khắc Cường và tang vật vụ án
Khi đang truy sát tới đường Nguyễn Mộng Tuân, băng Cường “chưởng” gặp băng nhóm của Nguyễn Công Duy, gồm: Nguyễn Đức Tuyên, Nguyễn Đình Hiệp và Nguyễn Hữu Trung đang chờ sẵn dùng dao kiếm và vỏ chai bia để đánh nhau với nhóm của Nguyễn Khắc Tiến. Do “nhầm hàng”, nhóm Duy đã dùng vỏ chai bia ném về phía Cường “chưởng”, lập tức bị bắn xối xả. Sau loạt đạn kinh hoàng, Phạm Đức Tuyên chết ngay tại chỗ, Nguyễn Thế Hiếu và Nguyễn Đình Hiệp bị thương.
Công an TP. Thanh Hóa sau khi nhận được tin báo, xác định những kẻ gây án là các đối tượng nguy hiểm liền vào cuộc truy bắt. Chẳng bao lâu những kẻ gây án mạng đã sa lưới. Sau 3 ngày xét xử (từ 1- 3/12/2009) TAND tỉnh Thanh Hoá đã tuyên phạt Lê Khắc Cường và Lê Thanh Hợp án tù chung thân; Nguyễn Thế Việt 20 năm tù; Nguyễn Xuân Hòa 19 năm tù. Các đối tượng còn lại trong vụ án đều chịu hình phạt từ án treo đến mức án gần 10 năm tù.
Nói đến Cường “chưởng”, những thanh niên mới lớn ở Thanh Hóa đều biết, bởi đó là một thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi nhưng nổi tiếng ngông cuồng, chuyên khởi đầu các vụ đâm chém nhau. Học hết THCS, Cường đã bỏ học ở nhà lêu lổng một thời gian thì mở sàn nhảy. Thời gian này hắn đã gây ra nhiều vụ đánh nhau, làm mưa làm gió ở Thanh Hóa. Để cạnh tranh với một số băng nhóm khác, Cường làm một kế hoạch “chiêu binh mãi mã”, thâu nạp dưới trướng những tay côn đồ, sẵn sàng chờ lệnh Cường đi đâm thuê, chém mướn.
Cường đã thu phục được khoảng 30 tên đàn em choai choai. Nhiều tuổi hơn Cường, và là Lê Thanh Hợp, được hắn gọi là “quân sư”. Hợp già nhất nhóm, 31 tuổi và cũng lì lợm nhất. Vợ Hợp đang ở tù về tội vận chuyển ma túy, bản thân Hợp lại là kẻ không nghề nghiệp, phải nuôi hai con nhỏ nên khi được Cường mời về làm việc, Hợp rất biết ơn Cường nên rất phục tùng hắn. Để che giấu tung tích, mỗi khi đi đánh nhau, bao giờ cả nhóm của Cường “chưởng” cũng mặc áo phông đen, bịt mặt và tháo biển số xe nên dù biết đó là băng nhóm của Cường nhưng chẳng ai dám khai báo và cũng sợ bị “vạ lây”, nên “ngậm bồ hòn cho xong chuyện”.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Không chỉ những đối tượng giang hồ có “máu mặt” sử dụng súng, hiện nay những nhóm côn đồ nhí muốn gây thanh thế cũng trang bị súng cho mình. Điều này được một số chuyên gia phân tích, đánh giá rằng các đối tượng thanh niên sử dụng súng trái phép có nguyên nhân sâu xa từ các món đồ chơi bạo lực vì các bộ phim bạo lực đầy cảnh bạo lực súng đạn.
Các loại đồ chơi dao, kiếm, súng điện (phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc) thực sự là những món đồ chơi nguy hiểm, có tác động mạnh mẽ đến tâm lý học sinh. Việc lơi lỏng quản lý các loại đồ chơi bạo lực trên thị trường đã kích thích tính bạo lực trong tâm trí trẻ em, gây cho chúng ảo tưởng về sức mạnh của mình.
Điều đó đã làm tăng các án mạng liên quan đến súng, sau khi trẻ em nam bước vào tuổi thanh niên. Thêm nữa, luật pháp Việt Nam cấm mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Nhưng nghịch lý là việc mua, bán, sử dụng tràn lan, dễ dàng trên thị trường và trong giới giang hồ lại chính là nguyên nhân trực tiếp xảy ra các vụ thanh toán, bắn nhau bằng súng đẫm máu.
Kẻ giết người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, đó là những năm tháng lao tù đằng đẵng. Nhưng, hàng loạt vụ án liên quan đến súng trong thời gian qua thực sự đáng là hồi chuông cảnh báo cho toàn thể xã hội. Thêm nữa, những cơ quan hữu trách cũng không thể làm ngơ, chối bỏ trách nhiệm. Ước mơ một xã hội bình yên, một cuộc sống hạnh phúc là ước mơ của hầu hết người dân. Và chỉ khi nào bài trừ được nạn sử dụng vũ khí nóng trái phép, thì mới hạn chế được những phi vụ đánh nhau đấm máu, mới hạn chế được án mạng thương tâm đã và đang xảy ra, gây bất an trong đời sống xã hội hiện nay.
Hải Miên