Giá sắn rớt thê thảm
Liên tiếp xảy ra mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, khiến hàng trăm hecta sắn tại nhiều vùng thấp trũng ở các địa phương huyện Phong Điền, thị xã Hương Trà, huyện Nam Đông… bị ngập úng, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch số diện tích này tránh thiệt hại. Tuy nhiên, giá sắn củ hiện nay được Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế thu mua chỉ bằng 30-50% thời điểm này những năm trước.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, toàn tỉnh bình quân mỗi năm trồng khoảng 7.000 ha sắn, sản lượng bình quân đạt trên 140 ngàn tấn, doanh thu trên 140 tỷ đồng. Tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, những ngày này bà con nông dân đang huy động hết nhân lực trong gia đình để thu hoạch sắn. Ông Hoàng Tấn Trung (trú tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) lo lắng: “Năm nay, giá sắn được nhà máy thu mua từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Nhà tui trồng hơn 1 mẫu sắn, mỗi sào cũng được hơn 1 tấn củ nhưng giá thấp quá nên bán được chẳng là bao. Không chỉ giá thấp mà việc bán sắn cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình đang bị ứ đọng sắn không thể bán được.
Ông Nguyễn Văn Sơn (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) nói: Giá sắn thời điểm này được nhà máy thu mua của nông dân Phong Điền là 1.000 đồng/kg, giảm 50% so với các năm trước khiến gia đình rất hoang mang. Cũng theo ông Sơn, dù 16 tấn sắn nguyên liệu của nhà ông đã đến kỳ thu hoạch nhưng hiện còn 6 tấn bị ứ đọng chưa nhập được cho nhà máy.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: Hiện trên địa bàn xã bà con nông dân trồng sắn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu mua sắn. So với những năm trước đây, giá sắn năm nay được các nhà máy mua với giá rất thấp khiến cho nông dân trồng sắn thua lỗ nặng. Để đảm bảo tính bình ổn giá cho người nông dân thì nhà máy cần phải hợp đồng với nông dân từ trước, chứ mua theo kiểu này khi sắn được mùa thì lại mất giá.
Tình trạng sắn rớt giá và khó tiêu thụ cũng đang xảy ra tại huyện Nam Đông và thị xã Hương Trà (tỉnh TT-Huế). Hộ ông Hồ Văn Thanh ở xã Hương Phú (huyện Nam Đông) cho hay, vào thời điểm này mấy năm trước, gia đình tui đã thu hoạch xong để nhập cho nhà máy, còn năm nay chưa thu hoạch được sào nào do giá sắn xuống quá thấp và rất khó tiêu thụ.
Mọi năm 1 kg sắn được thu mua với giá khoảng 2 ngàn đồng/kg nhưng năm nay giá sắn rớt thảm hại, 1 kg chỉ có giá từ 600 -1.000 đồng. Ngoài chi phí trồng và chăm sóc, để thu hoạch sắn diện tích lớn phải thuê nhân công. Đã vậy muốn nhập sắn còn phải được nhà máy cấp giấy cung ứng chứ không phải cứ chở sắn đến là nhập được.
Vụ sắn năm nay, toàn xã Hương Phú trồng hơn 120 ha. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã bước vào mùa mưa bão nhưng người dân ở xã mới chỉ thu hoạch được khoảng gần 20ha, số diện tích còn lại chưa thể thu hoạch do sắn được thu mua với giá quá thấp và rất khó tiêu thụ.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Nam Đông, toàn huyện miền núi Nam Đông trồng hơn 700ha sắn, nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 100ha được thu hoạch. Giá sắn năm nay chưa bằng 50% mức giá mọi năm nên người trồng sắn bị thua lỗ nặng.
Cần có phương án thu mua phù hợp cho người dân
Theo ông Lê Văn Anh - Trưởng Phòng Kinh tế TX Hương Trà, cũng như các địa phương khác ở tỉnh, người dân trồng sắn ở thị xã này bán được sắn giá cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào giá thu mua do Nhà máy Tinh bột sắn TT-Huế đóng tại xã Phong An (huyện Phong Điền). Trước tình hình thời tiết không thuận lợi và giá sắn đang xuống thấp kỷ lục, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ cho người dân trồng sắn. Về phía Phòng Kinh tế thị xã, ông Anh nói sắp tới cơ quan này sẽ làm việc với Nhà máy Tinh bột sắn TT-Huế để có phương án thu mua phù hợp cho người dân.
Ông Hoàng Đình Hưng - Giám đốc Nhà máy Tinh bột sắn TT-Huế cho rằng, giá sắn năm nay xuống rất thấp không phải vì nhà máy ép giá mà do giá các loại nông sản nói chung đều đi xuống. Theo ông Hưng, hiện nay giá các mặt hàng như lúa mì, ngô đều xuống và giá sắn bị tác động bởi giá của 2 loại nông sản này. Về việc nông dân muốn nhập sắn phải được nhà máy cấp giấy cung ứng, ông Hưng nói quy định này là để doanh nghiệp điều tiết được lượng thu mua hợp lý.