“Nóng bỏng” bê bối tham nhũng Odebrecht

Tập đoàn xây dựng Odebrecht – “tâm điểm” của vụ bê bối
Tập đoàn xây dựng Odebrecht – “tâm điểm” của vụ bê bối
(PLO) -Vụ bê bối tham nhũng tại Tập đoàn xây dựng dầu khí Brazil Odebrecht là chủ đề thảo luận tại một cuộc họp diễn ra tại thủ đô Brasilia với sự tham gia của công tố viên 15 nước Mỹ Latinh. 

Cuộc gặp trên  diễn ra trong 2 ngày 16 - 17/2, dưới sự chủ trì của Tổng Công tố nước chủ nhà Rodrigo Janot. Các quốc gia tới dự cuộc họp trên gồm Antigua và Barbuda, Argentina, Chile, Colombia, Cộng hòa Dominicana, Ecuador, El Salvador, Guatemala, Mexico, Mozambique, Panama, Peru, Bồ Đào Nha và Venezuela. 

Theo các nguồn thạo tin, tại cuộc họp này, các công tố viên sẽ được cung cấp những thông tin liên quan đến vụ bê bối tham nhũng tại Odebrecht, vốn đang làm chao đảo chính trường nhiều nước Nam Mỹ. 

“Cháy lan” quá rộng

Cho tới nay, vụ bê bối nhận hối lộ và tham nhũng tại Odebrecht đã khiến nhiều chính trị gia bị liên đới.

Tại Peru, ngày 9/2, Cơ quan công tố Peru đã đề nghị tòa án ra lệnh bắt giam 18 tháng đối với cựu Tổng thống Toledo (nhiệm kỳ 2001-2006) phục vụ điều tra những cáo buộc về tham nhũng, rửa tiền và lợi dụng chức quyền. Thông qua tài khoản mạng xã hội Twitter, Viện Kiểm sát Peru thông báo trong vòng 48 tiếng kể từ khi có yêu cầu nói trên, Thẩm phán Richard Concepción, người đang thụ lý vụ việc, phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc tạm giam ông Telodo. 

Tại Colombia, Viện trưởng Viện Kiểm sát Colombia Nestor Humberto Martinez thì cho biết, một tòa án bầu cử sẽ điều tra những cáo buộc về việc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Juan Manuel Santos vào năm 2014 đã được tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil tài trợ số tiền 1 triệu USD.

Thông tin trên do một cựu thượng nghị sĩ có tên Otto Bula khai ra sau khi ông này bị bắt giam vào tháng trước vì tội hối lộ và làm giàu bất hợp pháp với cáo buộc là đã nhận 4,6 triệu USD từ tập đoàn Odebrecht để đổi lại sự ủng hộ trong một hợp đồng xây dựng một con đường.

Phát biểu tại một buổi họp báo về vấn đề trên, ông Martinez cho biết một phần của số tiền 4,6 triệu USD trên đã được dùng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Santos. Theo ông này, hiện Viện Kiểm sát Colombia chưa có bằng chứng về việc giao tiền, tuy nhiên ông Otto Bula đã cung cấp thông tin về cách thức, thời gian và địa điểm giao tiền, đồng thời Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ thực hiện công việc xác minh. 

Giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Santos, Roberto Prieto đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc từ ông Bula, ngoài ra Quốc vụ khanh phụ trách Minh bạch của Phủ tổng thống Colombia Camilo Enciso cũng khẳng định những cáo buộc trên là sai lầm.

Ngày 9/2, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã phải tuyên bố trên trang cá nhân Twitter rằng trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2014, ông không nhận tiền vận động từ Odebrecht.

Bê bối về nhận hối lộ của Odebrecht tại Colombia đã trở thành tâm điểm khi Tổng công tố Néstor Humberto Martínez tiết lộ rằng Bula đã nhận hối lộ 4,6 triệu USD, sau đó chuyển 1 triệu USD cho Roberto Prieto. Tuy nhiên, Công ty xây dựng Odebrecht cho biết đã đưa hối lộ tới 92 triệu USD cho các quan chức Colombia để giành được các hợp đồng về xây dựng và phát triển hạ tầng dài hạn.

Còn tại Panama, nhiều quan chức và doanh nhân nước này đã bị cáo buộc liên quan tới bê bối Odebrecht, trong đó có cả Tổng thống Panama Juan Carlos Varela. Theo đó, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc của ông Ramon Fonseca, một trong hai cổ đông chính của công ty Mossack-Fonseca, về việc nhận tiền vận động quyên góp từ tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil. Ông Varela cũng tuyên bố sẽ công khai toàn bộ những số tiền tài trợ cá nhân mà ông từng nhận được. 

Ramon Fonseca Mora và Juergen Mossack - 2 cổ đông chính của công ty Mossack Fonseca, đã bị tạm giữ
Ramon Fonseca Mora và Juergen Mossack - 2 cổ đông chính của công ty Mossack Fonseca, đã bị tạm giữ

Ông Ramon Fonseca, người đang bị Bộ Tư pháp Panama truy tố vì tội rửa tiền, đã khai rằng Tổng thống Varela từng nói với ông rằng đã nhận tiền đóng góp từ Odebrecht. Ngoài ra, ông Fonseca từng đặt câu hỏi về quá trình thẩm tra sơ sài trong dự án xây dựng giai đoạn 3 một con đường mang tên Cinta Costera tại thủ đô Panama do Odebrecht đảm nhiệm. Theo một số nhà thầu, dự án trên có giá trị thi công thực tế chỉ từ 200 đến 300 triệu USD, nhưng đã bị đội vốn lên tới 780 triệu USD. 

Trả lời báo giới về vấn đề trên, Tổng thống Varela nhấn mạnh việc điều tra về các dự án của Odebrecht sẽ do Bộ Công cộng Panama đảm nhiệm, ngoài ra hai dự án do Chính phủ của ông cấp phép cũng sẽ được kiểm toán một cách kỹ lưỡng.

Tổng thống Varela cho biết hiện chưa có đề nghị điều tra nào về vấn đề vượt chi phí trong dự án trên tại các phiên họp nội các của chính phủ, tuy nhiên ông khẳng định việc điều tra cần được tiến hành.

Trước đó, cơ quan công tố Panama đã buộc tội nhận hối lộ và rửa tiền đối với 17 cựu quan chức và doanh nhân nước này liên quan tới việc Odebrecht đưa hối lộ 59 triệu USD để nhận được các dự án công trị giá trên 9 tỷ USD tại quốc gia Trung Mỹ này. 

Còn tại Ecuador, Tổng thống Rafael Correa đã cảnh báo rằng phe đối lập có thể kích nổ “những quả bom” liên quan tới bê bối Odebrecht trong một “chiến dịch bẩn” nhằm chống lại đảng cầm quyền trước thềm bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 19/2 tới.

Bắt thành viên công ty luật

Nhà chức trách Panama đã bắt giữ 2 thành viên sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca. Theo đó, Ramon Fonseca Mora và Juergen Mossack - 2 cổ đông chính của công ty Mossack Fonseca, đã bị tạm giữ vào tối 9/2. Trưởng Công tố Kenia Procell cho biết Mossack Fonseca bị tình nghi rửa tiền và thành lập "một tổ chức tội phạm che giấu tài sản và tiền bạc có nguồn gốc đáng ngờ".

Bà Procell cũng cáo buộc công ty này "che giấu và tiêu hủy bằng chứng" liên quan tới cuộc điều tra tham nhũng quy mô lớn tại Brazil mang tên "Car Wash". Luật sư của Mossack-Fonseca, ông Elias Solano, cho rằng các cáo buộc trên "thiếu bằng chứng". 

Vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama" hồi tháng 4/2016 cho thấy công ty Mossack Fonseca đã giúp nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới trốn thuế và che giấu tài sản khổng lồ ở nước ngoài gây ra tác động tầm cỡ toàn cầu. Trong khi đó, Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường quốc gia Nam Mỹ này kể từ tháng 3/2014.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Brazil Eduardo Cunha, người bị bãi nhiệm vì cáo buộc nhận 5 triệu USD tiền hối lộ trong vụ bê bối của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, đã tố cáo Tổng thống Brazil Michel Temer là mắt xích quan trọng trong vụ tham nhũng khổng lồ này.

Báo chí Brazil đưa tin ông Cunha đã khai với cơ quan điều tra về việc ông Temer tham dự cuộc họp để chọn người bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Petrobras. Người này sau đó đã chuyển tiền tham nhũng cho đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền hiện nay, trong đó cả ông Cunha và ông Temer đều là thành viên.

Ông Cunha là người đứng đằng sau vụ phế truất cựu Tổng thống Dilma Rousseff và là đồng minh rất thân cận của ông Temer. Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo Petrobras đã khai báo với cơ quan điều tra về việc ông Temer cùng đảng PMDB nhận tiền hối lộ của tập đoàn này. 

Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 12/2016 đã cáo buộc công ty xây dựng của Brazil mở rộng kinh doanh trong khu vực nhờ cơ chế “lại quả” được thiết lập một cách hệ thống và thông qua các ngân hàng của Mỹ và châu Âu để thanh toán.

Tổng Công tố Brazil Rodrigo Janot
Tổng Công tố Brazil Rodrigo Janot

Tập đoàn Odebrecht đã thừa nhận đưa hối lộ gần 790 triệu USD cho nhiều nhân vật tại hơn 12 quốc gia với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ và ưu ái của giới chức những nước này trong các dự án xây dựng.

Sau khi nhiều vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui, tập đoàn này cũng đã chấp nhận trả khoản tiền phạt 3,5 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp các vụ kiện tụng. Khoảng 77 giám đốc của Odebrecht đã ký thỏa thuận cung cấp thông tin liên quan đến hành động phi pháp của tập đoàn này với các công tố viên Brazil để đổi lấy sự khoan hồng.

Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của nước này. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức…/.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.