Trải qua không biết bao lần gặp nguy hiểm, có những lúc đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, họ đã khiến những người mẹ, người vợ, người con của mình lo lắng không ít. Nhưng niềm khát khao được đóng góp sức mình vào cuộc sống bình yên của người dân đã ăn sâu vào máu của họ.
Cưới rồi mới biết là “hiệp sĩ”
Trong căn nhà ngăn nắp và đầy đủ tiện nghi, vợ “hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải, đội trưởng CLB PCTP phường Phú Hòa, TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương - chị Huỳnh Thị Kim Hạnh (SN 1981, hiện là giáo viên dạy môn Vật Lý của một trường THCS trên địa bàn). Nở nụ cười và rót chén trà nóng mời khách, chị kể về cái “nghề” đặc biệt của chồng.
Năm 2004, “hiệp sĩ” Hải se duyên cùng với chị. Sau tuần trăng mật, mỗi khi nghe điện thoại xong là “hiệp sĩ” Hải lên xe đi ngay, có khi đến đêm khuya mới về. Trong một lần anh cùng đồng đội đi theo dõi một nhóm “đạo chích” đến tờ mờ sáng. Lúc về tới nhà, đôi mắt của chị đã quầng thâm, chị ngồi khóc vì không biết chồng đã làm gì suốt đêm qua.
Gặng hỏi mãi, mới biết chồng mình là khắc tinh các loại tội phạm của miền Đất Gốm. Lúc này, những hoài nghi bấy lâu nay trong chị đã được xóa đi và thay thế vào đó là những lời khuyên chồng bỏ “nghề”...
Chị nói, có những lúc mình làm căn lên, thì cùng lắm là anh Hải chỉ hứa nghỉ xả hơi rồi vài ngày lại đi bắt cướp nữa. Rồi sau những lần rượt đuổi, những cú té ngã khiến anh phải nằm viện dưỡng thương. Ngồi trên giường bệnh, chị đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt.
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải bên vợ và con gái. |
Chị Hạnh bộc bạch, khuyên nhủ thì không nghe nên buộc phải đồng tình, vào sáng mùng một Tết 2011 vừa qua, trên đường đang chở vợ, con đi về nhà ngoại chúc Tết, và sau đó cả đại gia đình cùng đi Vũng Tàu chơi. Đang đi trên đường thì người dân điện thoại thông báo nạn định tặc lại xuất hiện trên địa bàn.
Nghe xong anh Hải chỉ biết nói hai tiếng xin lỗi, rồi bỏ mặc hai mẹ con giữa đường mà phóng xe đi. Lúc này bé Phương Nghi đứng ôm mẹ mà khóc, còn chị thì liên lạc nhờ người anh ruột đến đón.
Trong những ngày đó, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, “hiệp sĩ” Hải cùng đồng đội ăn đường ngủ quán mật phục và sau đó tóm gọn được nhóm đinh tặc.
Năm nay không đi bắt cướp
Qua những lời “kết tội” và nỗi niềm của vợ, “hiệp sĩ” Hải hứa: “Năm nay Hải sẽ ở nhà với vợ, con, vì dự kiến ngày 24 AL này là vợ sẽ ban tặng cho Hải đứa con thứ 2 rồi”.
Nghe chồng nói xong, chị Hạnh nở nụ cười hạnh phúc.
“Khi nào không còn sức để góp mình vào phong trào toàn dân phòng chống tội phạm nữa, thì anh mới bỏ “nghề”. Thật sự khi ra đường thấy chuyện bất bình là mình không chịu được. Ba, mẹ, chú bác hai bên nội, ngoại khuyên nhiều lắm, nhưng mình có cách thuyết phục. Còn chuyện gia đình thì lúc nào cũng làm tròn bổn phận của một người trụ cột”, “hiệp sĩ” Hải trải lòng.
“Có lẽ năm nay là gia đình sẽ được tận hưởng không khí đón Tết ấm áp nhất, vì mọi năm khi đến giao thừa là anh Hải và đồng đội đi giữ trật tự trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng móc túi và trộm xe. Hai năm đầu mới cưới thì chỉ lủi thủi ở nhà 1 mình trong cái thời khắc năm cũ chuyển sang năm mới. Nhiều lúc buồn quá thì ngồi khóc một mình, giờ riết rồi cũng quen.
Những năm tiếp theo có bé Nghi, hai mẹ, con ngồi quây quần bên mâm bánh chưng, theo dõi mọi người đón Tết trên màn ảnh ti vi, nên cảm giác trống vắng cũng xua tan đi phần nào”, chị Hạnh tâm sự.
Ngồi trong lòng cha, bé Huỳnh Thị Phương Nghi (6 tuổi) ngây thơ nói: “Mấy lần có ai điện thoại tới máy bàn nên con bắt máy, lúc đó bên kia có người hăm dọa đòi đánh ba con. Con nói ba đừng đi nữa, ở nhà ăn cơm với hai mẹ con. Nhưng ba cứ đi, con giận ba lắm, nhiều lần con không thèm ăn cơm với ba”.
Nghĩ cũng tội, thôi cũng kệ…
Cách nhà “hiệp sĩ” Hải không xa, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Nguyễn Thị Yến Xuân (SN 1986) - vợ của “hiệp sĩ” Trần Hoàng Anh, đội trưởng CLB PCTP phường Hiệp Thành tâm sự: “Năm 2008, vào ngày đầu mới quen nhau và đi chơi với anh Hoàng Anh, lúc ngồi sau thì thấy ảnh cứ ngó trước ngó sau, lúc chạy nhanh chạy chậm.
Thấy bất thường mình hỏi thì ảnh cứ trả lời cho qua loa. Trong lúc đang phân vân thì bất ngờ có 2 chiếc xe vụt qua mặt với tốc độ chóng mặt. Thấy vậy, anh Hoàng Anh cũng tăng tốc đuổi theo, mình vừa ngồi sau ôm chặt ảnh la hét như người bị bắt cóc.
Khi chạy đến trước đài Truyền hình Bình Dương thì anh dừng lại, mình vừa bước xuống là anh rồ ga chạy tiếp. Đến 3 giờ sáng hôm đó, anh điện thoại nhưng giận quá nên tôi tắt máy điện thoại mấy ngày liền. Đến ngày thứ 7 thì bất ngờ anh Hoàng Anh dẫn hai đưa tờ báo đã đăng tin anh bắt 2 đối tượng đã cướp chiếc xe 61T9-1877 của họ và giải thích cho mình hiểu mọi chuyện nghĩa hiệp về “hiệp sĩ”…
Từ ngày cưới đến giờ, hai vợ chồng vẫn còn giữ lại cái quần bị hai đối tượng xé rách hôm đó. Trong khoảng thời gian quen nhau cho đến ngày cưới thì lúc nào cũng khuyên ảnh bỏ nghề. Nhưng anh chỉ hứa cho qua chuyện, chưa lần nào lời hứa bỏ “nghề” của ảnh trở thành hiện thực.
Khuyên can riết thì thấy chồng buồn, “nghĩ cũng tội, thôi cũng kệ”. Thật sự những lúc chồng ra khỏi nhà, tâm lý mình lúc nào cũng hoang mang sợ hãi lắm. Con đường ảnh chọn cái “nghề” săn bắt cướp thật sự quá khắc khe với gia đình và nguy hiểm. Vì vậy nếu có chuyện gì xảy ra, thì có lẽ mình cũng đón nhận rủi ro một cách nhẹ nhàng.
Qua năm này, vợ chồng dự tính buôn bán thêm gì đó để kiếm thêm thu nhập. Vì gia đình cũng khó khăn nên cũng chưa nghĩ đến chuyện sinh quí tử.
Năm 2011 là năm lập nhiều chiến công nhất của “hiệp sĩ” Đất Gốm, các anh đã phá được 108 vụ, bắt giao nộp cho công an khoảng 200 tên tội phạm và trả lại cho người dân hàng trăm triệu đồng. Cũng trong năm nay, “hiệp sĩ” săn bắt cướp đã trở thành nhân vật của năm 2011.
Nguyễn Đình Du