Hiện nay ở tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu được biết đến là địa phương còn duy trì và phát triển được nghệ thuật hát Then của người dân tộc Tày, vì ở đây tập trung đông người Tày sinh sống và hơn cả là ở đây có một câu lạc bộ hát Then khá nổi tiếng.
Những người gìn giữ điệu Then
Người mà chúng tôi tìm đến thăm đầu tiên là ông Hoàng Quý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ, Then, Ca Bình Liêu. Ông là một trong những thành viên đầu tiên góp công sức cho việc ra đời câu lạc bộ. Thấy chúng tôi có ý định tìm hiểu về giá trị nghệ thuật hát Then, ông rất ủng hộ và mời chúng tôi đi tham quan nhà văn hoá của khu, nơi mà đội hát Then vẫn thường xuyên hội họp.
Học sinh mẫu giáo ở bản Bắc Cương (Bình Liêu, Quảng Ninh). |
Ông Quý tâm sự: “Câu lạc bộ ngày càng thu hút được nhiều người tham gia. Tích cực nhất có khoảng 20 thành viên. Mà muốn hiểu kỹ hơn về Then, tôi sẽ dẫn các bạn đi gặp những người này, họ tuyệt vời lắm. Then Bình Liêu còn giữ được và phát triển nhờ rất nhiều vào sự nhiệt tình của họ”.
Hát Then là một món ăn tinh thần của người Tày, nhưng hiện nay món ăn tinh thần này đang dần mai một bởi áp lực của cuốc sống mưu sinh. Lớp trẻ hiện nay chẳng mấy người thích hát Then, yêu Then. Nhưng theo các nghệ nhân trong Câu lạc bộ thì muốn lớp trẻ yêu mến và học hát Then, phải cho họ thấy được giá trị quí báu của hát Then, đàn tính.
“Bây giờ, muốn đào tạo một vài người nối nghiệp, giữ lấy cái giá trị tinh tuý của văn hóa dân tộc là cả một việc khó khăn, một quá trình lâu dài, kiên trì”, ông Quý nói.
Người thầy giáo trẻ yêu Then
Theo chỉ dẫn của ông Hoàng Quý, phóng viên vượt một đoạn đường đất dài, ngoằn ngoèo để đến nhà thầy giáo trẻ Tô Đình Hiệu (27 tuổi, ở thôn Nà Phạ, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) - người được bà con địa phương quen gọi là “thầy Then”.
Vùng quê này núi non hiểm trở, đi lại khó khăn nhưng dường như không ai là không biết tới thầy Hiệu. Từ lâu, bà con nơi đây đã coi thầy giáo này như một thành viên trong gia đình của mình, quý thầy như tấm lòng của núi rừng với con chim rừng. Thầy Hiệu nhận được những tình cảm đáng trân trọng đó là bởi thầy là một trong số ít người trẻ còn giữ được những làn điệu, những câu hát Then của đồng bào dân tộc Tày (huyện Bình Liêu). Không chỉ gìn giữ nó, thầy còn phát huy và truyền thụ lại điệu hát Then cho chính những học sinh của mình cùng bà con miền núi Bình Liêu.
Đang lan man với những suy nghĩ ấy thì ở một góc rừng bất giác vang lên tiếng đàn tính và giọng nam ca mượt mà: “Am sách khẩn thâng bản lườn ư, Cạ tào lỵ, cạ slư nọng ý” (Ôm chồng sách lên bản vùng cao, cô giáo lên bản dạy chữ...) Thanh âm trong trẻo, ngọt ngào đằm thắm làm xao xuyến lòng người này phát ra từ một ngôi nhà nhỏ. Chúng tôi biết mình đã tới nhà thầy giáo Hiệu.
Đúng vào ngày nghỉ nên đội văn nghệ hát Then mà thầy Hiệu làm đội trưởng lại tụ họp để hát tập, chuẩn bị cho ngày Hội Au pò - Hát tháng 3 - một lễ hội truyền thống của bà con dân tộc huyện Bình Liêu.
Tâm sự với chúng tôi, thầy Hiệu cho biết mình là con cả trong một gia đình viên chức nghèo, mẹ là công nhân cầu đường, bố là giáo viên dạy tiểu học cắm bản ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, thầy là Tổ trưởng chuyên môn có uy tín của Trường THCS & THPT Hoành Mô.
Về niềm đam mê hát Then của mình, thầy Hiệu tâm sự: “Có lẽ là từ trong bụng mẹ, tôi đã được nghe những làn điều hát Then. Sau này, tôi lớn dần bằng dòng sữa mẹ và bằng những làn điệu hát Then”.
Thầy Hiệu kể rằng, ngày trước thầy giúp mẹ trông em và cũng hát Then để ru em ngủ. Lớn lên, thầy biểu diễn những lần điệu hát Then trên sân khấu lần đầu tiên khi Trường THCS Bình Liêu tổ chức ngoại khóa tìm hiểu quê hương Bình Liêu.
Mang giọng hát để bảo tồn hát Then
Trò chuyện với người thầy giáo trẻ này, chúng tôi càng thấy mình nhỏ bé. Để bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của dân tộc mình, thầy Hiệu đã không quản ngại gian khó. Thầy sẵn sàng hát khi xã hay huyện có đề nghị ở các chương trình văn nghệ quần chúng. Nặng nợ tình duyên với những điệu hát Then, thầy đã đi rất nhiều khe bản xa xôi, theo đội Thông tin lưu động của huyện đi hát. Mới đấy mà 5 năm đã trôi qua...
Đội văn nghệ của thầy Hiệu mỗi khi rảnh rỗi là tụ họp ở nhà thầy để được thầy dạy cho nghệ thuật hát Then và cách chơi đàn tính - một nhạc cụ không thể thiếu khi hát Then. Mọi người đưa đàn cho thầy, ngón tay thầy nhẹ nhàng lướt trên cần đàn hai dây tơ mảnh dẻ mà âm thanh như tự nhiên phát ra dặt dìu, mê đắm.
Thầy Hiệu rất muốn có thêm nhiều bạn trẻ biết hát Then, biết chơi đàn tính, thầy rất muốn truyền tình yêu và lòng say mê hát then của dân tộc Tày tới nhiều người. Nghe thầy cùng với đội văn nghệ hòa nhịp trong làn điệu Then, chúng tôi cảm thấy tất cả tâm tình của lòng người, nghe được tiếng rừng, tiếng suối hòa quyện trong từng tiếng đàn tính.
Chia tay trong sự lưu luyến, tôi hẹn sẽ có dịp gặp lại thầy trong Hội hát tháng 3. Thầy cười thân thiện tiễn tôi, tiếng hát then cứ len lỏi, vương vấn mãi theo tôi trên suốt quãng đường về...
PV