Đi học, trẻ con bây giờ đã khổ. Nhưng bố mẹ chúng lại khổ hơn gấp vạn vì cái nạn “chạy” trường. Thế nhưng, nào đã hết, bởi khi con bước chân vào lớp 1, phụ huynh sẽ tiếp tục phải “chiến đấu” với rất nhiều nỗi niềm khác nhau...
Niềm vui ngày khai trường. Ảnh minh họa |
Cứu! Con tôi quá nhiều điểm kém!
Trên một diễn đàn dành cho các bậc làm cha mẹ, một phụ huynh đã “upload” lên đúng dòng chữ trên được in to, đậm để thu hút sự chú ý của mọi người. Theo lời kể của thành viên này, con chị mới vào lớp 1 được có hơn tuần mà đã nhận điểm kém chi chít tất cả các môn đọc, viết toán. Ngày nào đi học về con chị cũng khóc, còn vợ chồng chị thì rất hoang mang không biết có nên đến hỏi chuyện cô giáo hay không.
Đừng vì điểm số làm con sợ học
“Tôi đã từng găp nhiều phụ huynh đón con ở cổng trường, thay vì hỏi con hôm nay có gì vui hay không thì đã lục tung cặp sách của con để xem con được mấy điểm, điểm cao thì thôi, chứ điểm kém là cứ thế mắng mỏ, chì chiết. Tất cả những điều đó rất có hại đến con trẻ. Hãy đồng hành với con thật vững vàng trong suốt 12 năm đi học, chứ đừng vì điểm số khiến chúng rụt rè” - ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội. |
Cách đây khoảng hơn chục năm trở về trước, việc học sinh tiểu học chấm điểm nào lấy điểm đó cộng với điểm thi cuối học kỳ đã gây ra không biết bao nhiều nỗi niềm cho các em - những tâm hồn non nớt mới bắt đầu làm quen với việc học hành, cũng như bố mẹ các em - những người ít nhiều cũng đều bị ảnh hưởng tư duy thành tích. Về sau này, ngành giáo dục nhận thấy đối với một học sinh tiểu học, việc giáo dục đi theo một đường thẳng, học sinh buộc phải đi hết con đường đó mới đánh giá được chính xác về học lực.
Do đó, nên giai đoạn đều đến lớp chưa nói lên điều gì. Việc thầy co cho điểm quá cao hay quá thấp đều ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý trẻ. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quy định đối với học sinh tiểu học chỉ lấy điểm cuối kỳ để đánh giá. Điều này vừa làm giảm áp lực, vừa là cách đánh giá chính xác hơn.
Trao đổi với báo giới, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học - Sở GD&ĐT Hà Nội đã từng có lần nói “điểm số không tạo nên động cơ học tập của học sinh mà còn gây áp lực cho chính học sinh ở lứa tuổi còn nhỏ. Thay vì cho điểm, thầy cô hãy dành cho các con những lời khen, động viên, nhắc nhở kịp thời. Tôi tin rằng, một nụ cười động viên, một phần thưởng là bông hoa cắt từ giấy mà giáo viên dành cho học sinh sẽ có tác dụng tốt hơn nhiều”.
Làm gì khi con bị cô giáo ghét?
Chị H.G ở khu Trung Yên (HN) kể, con gái chị mới chân ướt chân ráo vào lớp 1 đã bị cô ghét không hiểu lý do vì sao. Lúc đầu, về nghe con kể chị cứ gạt đi bằng cách nói với con: “Chắc là cô mệt nên cáu đấy mà. Lần sau con phải ngoan hơn”, nhưng cho đến một hôm thấy con gái đi học về dúi vào một góc khóc tấm tức, hỏi chuyện con xong chị ngỡ ngàng...
Hôm đó, có bài Tiếng Việt, đánh vần từ khó. Con gái chị G. được gọi lên đọc nhưng em ấp úng đánh vần chưa ra. Vậy là cô đi xăm xăm từ bục giảng đi xuống vừa lấy tay dúi đầu học trò vừa nói: “Sao mà ngu giống con quạ đen thế!”. Chưa hết, cuối tiết hôm đó, cô còn chuyển con gái chị G. xuống ngồi tận góc cuối lớp mặc dù mẹ đã báo với cô là con bị loạn thị. “Cô chỉ thích những bạn xinh thôi mẹ ạ, vì con không xinh lại béo nữa nên cô ghét” - con gái chị G. vừa khóc vừa nói với mẹ, còn chị G. lại nghĩ “chắc cô ghét con mình vi buổi họp phụ huynh hôm trước mình góp ý chuyện cô giao quá nhiều bài. Ai đời học sinh lớp 1 mà bài vở bao giờ cũng đến tận 11h đêm mới làm xong hết được”.
Mang câu chuyện đến cơ quan tâm sự với đồng nghiệp, hóa ra rất nhiều người đang rơi vào tâm trạng khó xử như chị G. vì cách xử sự của giáo viên. Thấy con đang tuổi thơ ngây mà đi học phải chịu những áp lực và định kiến như vậy bố mẹ thấy bức xúc kinh khủng. Nhưng không biết phải làm gì, gặp trực tiếp cô giáo để nói cho ra lẽ, như vậy thì chắc cô còn ghét thêm, mà chuyển trường thì thời điểm này không được, còn quà cáp lấy lòng cô thì không thích hoặc kinh tế không cho phép.
Học nói chuyện để “lấy lòng” cô giáo
Chuẩn bị, chọn thời điểm thích hợp,biết lắng nghe và trao đổi điểm mấu chốt là 4 bí quyết giúp các bậc phụ huynh gỡ bí khi trao đổi và nói chuyện với thầy cô giáo về công việc học tập và sinh hoạt của con. Trong đó khâu “biết lắng nghe” rất quan trọng vì khi trẻ đến tuổi đi học sẽ không ở gần cha mẹ thường xuyên. Người được tiếp xúc với trẻ nhiều hơn và có đánh giá cũng như nhìn nhận về trẻ chính xác hơn là cô giáo và bạn bè của trẻ. Hãy lắng nghe cô giáo nói về quá trình học tập cũng như sinh hoạt của trẻ. Dù những ý kiến đó có thể hơi khác và không được như những gì mẹ mong muốn, mẹ cũng nên lắng nghe và chia sẻ để cả đôi bên cùng tìm ra những cách giải quyết thích hợp nhất. |
Hạnh Quyên