Nỗi niềm của những thầy là nhân viên công tác xã hội

Những nhân viên công tác xã hội – giáo viên ngày đêm quên đi sự thiệt thòi của bản thân để dạy dỗ các em học sinh khuyết tật
Những nhân viên công tác xã hội – giáo viên ngày đêm quên đi sự thiệt thòi của bản thân để dạy dỗ các em học sinh khuyết tật
(PLVN) - Nói đến nhân viên công tác xã hội, hình ảnh về họ xuất hiện là những người có nghĩa cử cao đẹp và trái tim bao dung mang tình yêu thương đến với những người cần giúp đỡ, người yếu thế. Đó thực sự là một trọng trách cao cả và nặng nề. Nhưng, đối với những nhân viên công tác xã hội kiêm luôn cả việc gieo chữ - dạy người của thầy cô thì thực sự có hai trách nhiệm chất chồng trên đôi vai nhỏ bé của họ. Nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ sẽ dành phần ai?

Biến niềm vui nhỏ thành động lực lớn

Nằm trên địa phận thôn Yên Thái, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn trông như khu nghỉ dưỡng với những nếp nhà nép dưới rặng cây xanh bóng mát. Thế nhưng, ẩn dưới những nếp nhà yên tĩnh đó là những cuộc đời không yên tĩnh của rất nhiều đứa trẻ và cũng là nước mắt của rất nhiều gia đình và sự vất vả vô biên của các cán bộ Trung tâm. 

Bước vào một lớp dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ nặng, khi cánh cửa lớp vừa mở ra, đón tôi là một chuỗi âm thanh ú ớ, gầm gào, những khuôn mặt trẻ măng sáng sủa nhưng ngây ngô và cả những bàn tay vươn ra định giật lấy vật dụng cá nhân của tôi.

Gỡ tay học trò ra khỏi chiếc điện thoại của tôi mà em này vừa giằng được, cô giáo Nguyễn Thị Hoan nhỏ nhẹ thanh minh hộ: “Chị thông cảm nhé, các con nhiều khi không làm chủ được hành vi, chứ không phải hư đâu”.

“Giải cứu” cho tôi xong, cô Hoan với cái bụng bầu gần đến tháng sinh lại quay lại với chiếc bàn chải mềm, nhẹ nhàng chải cánh tay cho một đứa trẻ khác đang nhăn nhó vặn vẹo, dường như trong em đang có nỗi đau nào đó cắn xé. 

“Ở Trung tâm có 5 nhóm trẻ khuyết tật, đó là khuyết tật trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật vận động, khiếm thính, nhóm trẻ mắc bệnh down. Hầu như tất cả các trẻ đến với Trung tâm đều ở dạng nặng. Em làm việc ở đây ngay từ ngày Trung tâm thành lập, đến nay cũng được 12 năm rồi. Em đã thử sức với tất cả các nhóm trẻ, công việc rất vất vả nhưng em cũng quen rồi. Với lại nhìn thấy sự tiến bộ của các con cũng vui lắm chị ạ” – cô Nguyễn Thị Hoan cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoan luôn lấy từng niềm vui nho nhỏ từ sự trưởng thành của học sinh để làm động lực cho mình
 Cô giáo Nguyễn Thị Hoan luôn lấy từng niềm vui nho nhỏ từ sự trưởng thành của học sinh để làm động lực cho mình

“Nhìn thấy sự tiến bộ của các con cũng vui lắm chị ạ” – đó cũng là tâm sự của nhiều cô giáo, cán bộ ở Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn. Với họ, mỗi khi có tin tức của một đứa trẻ vốn là học sinh ở Trung tâm nay đã trưởng thành, ra đời đi làm, lập gia đình thì niềm vui như cơn gió mát xua đi những vất vả thường ngày. 

“Động lực để giữ em lại với nghề vất vả này chính là sự tiến bộ của những đứa trẻ. Trước đây, em dạy ở nhóm trẻ khiếm thính khi các con còn rất nhỏ, chưa có ngôn ngữ, sau đó qua quá trình học tập, chăm sóc, các con bắt đầu nói được và khi lớn lên đã hòa nhập được cộng đồng. Đó thực sự là động lực. Nhiều con ra ngoài cộng đồng kiếm được việc làm, xây dựng gia đình, gọi điện cho các cô, gửi thiếp mời các cô dự đám cưới. Bọn em vui lắm!” – cô Hoan kể.

Gạt nỗi niềm sang bên để tiếp tục đồng hành

Chăm sóc và dạy dỗ trẻ thiểu năng trí tuệ, các cán bộ, giáo viên nhiều khi khó tránh những lúc các em không làm chủ được hành vi. Theo lời kể của cô Hoan, có lần trong bữa ăn, thấy một học sinh nữ tên Loan bị khuyết tật trí tuệ và có vấn đề về hành vi đánh một em nhỏ. Cô lại gần hỏi Loan: “Sao chị lại đánh em”. Loan liền đứng bật dậy cầm thìa gõ và tay cô và chửi. 

Thay vì giận dữ, cô tìm hiểu nguyên nhân và biết được Loan vì có tiến bộ về nhận thức nên được chuyển sang lớp khác nhưng em chưa thích nghi được với lớp mới nên có hành vi phản kháng như vậy.

Cũng theo cô Hoan, với học sinh nam và học sinh nữ, mỗi giới tính, cán bộ, giáo viên có một nỗi vất vả riêng. Nhiều học sinh nữ bị khuyết tật vận động, trí tuệ khi dậy thì đến tháng không biết hoặc không thể tự vệ sinh cá nhân, các cô phải giúp đỡ hoàn toàn...

Đến với Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn bất kỳ ai cũng nhìn thấy dòng chữ như một sự khẳng định tinh thần công việc và cũng như lời động viên những số phận không may rằng: “Khuyết tật chỉ là sự thử thách!”.

Qủa đúng là như vậy! Với những nhân viên công tác xã hội (CTXH) – giáo viên như cô Nguyễn Thị Hoan khuyết tật của học sinh thực sự là sự thử thách đòi hỏi rất nhiều sự hy sinh.  Bởi vậy nên những người như cô Hoan rất cần sự công nhận của xã hội cũng như sự cảm thông từ gia đình, người thân của họ để có động lực đồng hành với công việc rất vất vả và những số phận không may này. 

“Chồng em rất chia sẻ với công việc của em và thậm chí là tự hào khi thấy vợ mình làm công việc giúp đỡ người khuyết tật, một công việc có ích cho xã hội. Nhiều lúc không tránh khỏi mệt mỏi, kiệt sức vì công việc, vì thu nhập thấp, nhưng rồi sự trăn trở làm thế nào để các con tiến bộ vẫn là động lực lớn hơn để em tiếp tục công tác” – cô Nguyễn Thị Hoan tâm sự.

Một lớp học trong Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn
Một lớp học trong Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn

Với nhân viên CTXH – giáo viên là vậy. Còn với học sinh nơi đây thì nhờ trái tim yêu thương, bàn tay nâng đỡ bao dung của các thầy cô mà với các em “khuyết tật cũng chỉ là sự thử thách”. 

Nguyễn Thị Quỳnh – một học sinh khuyết tật vận động của Trung tâm - sinh năm 1997 tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Ngay từ khi chào đời, hình hài của em đã không được như những đứa trẻ bình thường khác. Sau những ngày tháng ở bệnh viện, ở với bà ngoại rồi về với gia đình để đi học, em đã vào Trung tâm mang theo nỗi tủi thân vì bị trêu chọc, sự mặc cảm vì ít được va chạm xã hội, gặp gỡ bạn bè. 

“Em ở đây vui lắm, có nhiều bạn bè, các cô đối xử với em như mẹ ở nhà, chăm sóc em chu đáo” – Quỳnh kể – “Cứ một hai tháng mẹ lại đến đón em về thăm nhà, năm 2017 em vừa đạt Giải Global IT Super Award của cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu” - Global IT Challenge tổ chức tại Hà Nội. Nhờ vào công dạy dỗ của các thầy cô cả đấy”. 

Không có lòng bao dung không thể làm việc được 

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Kim Cam – Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn. Lời khẳng định này hoàn toàn chính xác bởi những trẻ đến với Trung tâm hầu hết là trẻ khuyết tật nặng. Có trẻ gia đình bỏ mặc nên không có kỹ năng tự vận động, có trẻ gia đình cho đi uống thuốc lung tung nên thần kinh lơ ngơ... 

“Mô hình của Trung tâm là mô hình khép kín học văn hoá và can thiệp cộng đồng tại chỗ cho trẻ khuyết tật nặng. Vì khuyết tật nặng nên trẻ học xong lớp 5 ở đây ngang với học xong đại học ở ngoài. Một cô giáo phụ trách 12-20 cháu, biết là rất áp lực nhưng không thể khác được vì thiếu người.

Chúng tôi đã thử thuê nguồn nhân lực ở ngoài vào chăm sóc các cháu nhưng họ không hiểu, không quen và nhất là không bao dung được nên khó chăm sóc, thậm chí là đánh các cháu. Như trường hợp, cô dặn dò xong, trẻ liền nhổ nước bọt vào cô, cô cho rằng trẻ xúc phạm mình nên đánh.

Nhưng thực ra cháu đó tự kỷ không kiểm soát được hành vi, không nói được nên hành động nhổ nước bọt là trẻ muốn thể hiện đã hiểu. Nhiều trẻ ở ngoài bị kỳ thị tâm lý nặng vào đây đã đỡ dần, có thể tự đi, tự xúc ăn được...” – ông Cam cho biết. 

… Rời Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn đọng lại trong tôi là sự ngưỡng mộ và cảm phục vô bờ bến. Nghe như đâu đây văng vẳng lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/Gian khổ sẽ dành phần ai”. Câu hát đúng như những gì tôi vừa được tận mắt chứng kiến. Những đứa trẻ khuyết tật nặng sẽ đi về đâu nếu như không có sự sẻ chia, dìu dắt của các thầy cô - nhân viên xã hội, dù rằng cuộc đời của chính họ cũng còn đầy rẫy khó khăn, vất vả... 

Cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức phức tạp do hàng loạt vấn đề xã hội ngày càng gia tăng như: lạm dụng trẻ em, người già neo đơn, nạn nghiện hút, mại dâm, bạo lực gia đình, thất nghiệp, di cư…
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 25% dân số thuộc diện bảo trợ xã hội, cần được trợ giúp bởi các cán bộ CTXH. Vì thế, một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020 (Đề án 32) là Việt Nam cần phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội và nhân viên CTXH chuyên nghiệp.
Đến năm 2020 cần đào tạo mới và đào tạo lại được 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau. Tuy nhiên, đến nay khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH vẫn chưa được hoàn chỉnh; đặc biệt là việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật, luật liên quan; các nội dung về CTXH chưa được luật hóa.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một khuôn khổ pháp luật để hình thành hệ thống CTXH chuyên nghiệp hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội là hết sức cần thiết. 

Đọc thêm

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11

Xúc động với món quà đặc biệt “bông hoa gà” tặng thầy dịp 20/11
(PLVN) - Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một học sinh trường tiểu học Kim Đồng (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã chuẩn bị một bông hoa bằng... con gà để tặng thầy chủ nhiệm của mình. Món quà đặc biệt kèm lời chúc dễ thương khiến người thầy rất hạnh phúc.

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau

Thầy giáo 'quân hàm xanh' trên đảo Hòn Chuối Cà Mau
(PLVN) - Lớp học tình thương trên Đảo Hòn Chuối nằm cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) khoảng 20 hải lý, do Thiếu tá Trần Bình Phục (Đồn Biên phòng Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau) trực tiếp giảng dạy. Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh đã trở nên quen thuộc, gần gũi và thân thương đối với học sinh và cư dân nơi đây.

Thiêng liêng và đẹp đẽ - tình thầy trò…

Thầy giáo Nguyễn Quang Thọ và cô giáo Nguyễn Thị Dung chia sẻ câu chuyện xóa mù chữ cho đồng bào Mông trong chương trình “Thay lời tri ân” 2024. (Ảnh: MOET)

(PLVN) - Mỗi chúng ta đều có một vài người thầy sẽ ở trong tim suốt hành trình về sau này của cuộc đời. Có thể đó là những người thầy đã nắm tay bạn vượt qua những ngã rẽ bất ngờ, hoặc đó chỉ giản đơn là những người thầy trong miền thơ ấu trong veo, ăm ắp kỷ niệm. Bởi thế, mỗi chúng ta luôn có một nơi để trở về, thiêng liêng và đẹp đẽ, được viết nên bởi tình thầy trò…

Giải pháp để giáo dục Việt Nam thăng hạng quốc tế

GS. Võ Xuân Vinh. (Ảnh: Thảo Nguyên)
(PLVN) - Mới đây, tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý ngành giáo dục nhân kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024), Tổng Bí thư Tô Lâm có phát biểu, ngành Giáo dục Việt Nam cần phấn đấu thăng hạng trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế. Theo mục tiêu, đến 2030, Việt Nam nằm trong 3 nước đứng đầu ASEAN về số lượng các công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học, có trường ĐH lọt top 100 hàng đầu trên thế giới.

Người 'gieo mầm' tri thức bằng sự tận tâm và sáng tạo ở Bắc Ninh

Cô Đỗ Thị Chuyên - giáo viên dạy môn Sinh học, trường THCS Từ Sơn. (Ảnh: NVCC).
(PLVN) - Trong lớp học, tiếng giảng bài của cô giáo Đỗ Thị Chuyên (trường THCS Từ Sơn, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vang lên nhẹ nhàng nhưng đầy nhiệt huyết, như truyền đi niềm đam mê và sự tận tuỵ, dẫn dắt học sinh bước vào hành trình khám phá tri thức, để những ước mơ của các em được ươm mầm và lớn lên từng ngày...

Đừng vội quy kết 'vi phạm liêm chính' khi bài báo khoa học bị rút: Hoàn thiện quy định để tạo điều kiện cho nhà khoa học cống hiến

Một chuyên gia cho rằng đang có “lỗ hổng” pháp lý trong xử lý sự việc bị rút bài báo khoa học. (Vẽ minh họa: DAD)
(PLVN) - Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) có một số bài viết phản ánh về vấn đề rút bài báo khoa học, nhiều ý kiến cho rằng cần có một bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực đạo đức, liêm chính cho các nhà khoa học; trong đó quy định chặt chẽ những điều được và không được phép làm, hướng xử lý khi có sai phạm, đặc biệt với các đề tài nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.

Người thầy tâm huyết với công tác trẻ em

Trong vai trò Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, thầy Đặng Tất Dũng đã đồng hành cùng trẻ em trong quá trình chuẩn bị hai Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em trong 2 năm 2023 - 2024. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Là Phó Trưởng khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TP HCM, đồng thời cũng là Ủy viên Hội đồng Đội Trung ương, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em cấp Trung ương nên TS. Đặng Tất Dũng còn được biết đến là người dành nhiều thời gian, tâm huyết cho trẻ em. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có dịp trò chuyện cùng thầy về những câu chuyện liên quan đến trẻ em.

Chuyện của những người thầy đặc biệt

Học sinh Trường Giáo dưỡng số 4. (Ảnh: K.O)
(PLVN) - Họ là những thầy cô đã từng dạy học phổ thông, rồi cơ duyên vào trường giáo dưỡng, nơi những học trò đã từng là “tội phạm nhí”. Và họ đã dạy dỗ học sinh của mình bằng chính sự yêu thương, tận tụy, kiên nhẫn để mỗi ngày, gần hơn, uốn các em về phía mặt trời, những thiện lành bình dị trong cuộc đời. Đó là những thầy cô trường giáo dưỡng được tuyên dương trong Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô dịp 20/11 năm nay…

Thầy cô giáo thời kỳ 4.0: Vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội

Một buổi học về tình cảm cha con, học sinh được xem phim về bố trong lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Thủy Tiên. (Nguồn: NVCC).
(PLVN) - Bước vào thời đại công nghệ phát triển, học sinh không còn thụ động tiếp thu kiến thức từ các thầy, cô giáo ở trên lớp. Giờ đây, mỗi bài giảng của giáo viên cần sự đầu tư về cả kiến thức, công nghệ, vốn hiểu biết xã hội để đem đến cho các em những bài học hấp dẫn nhất. Đây vừa là một thách thức, vừa là cơ hội cho giáo viên tiếp tục học hỏi, thay đổi vì một nền giáo dục hiện đại.

Lớp học đặc biệt của các cô giáo U80

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (tạp dề vàng) cùng các học viên. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Ở độ tuổi U80, khi nhiều cụ ông, cụ bà đang tận hưởng những năm tháng an nhàn của tuổi già, thì vẫn có những người tiếp tục cống hiến hết mình cho sự nghiệp dạy học. Dù là lớp học làm bánh hay lớp học “xoá mù chữ”, điểm chung của những lớp học này là hoàn toàn miễn phí và được khởi nguồn từ tấm lòng nhân ái, tận tụy của các cô giáo đã bước qua tuổi xế chiều.

Tâm lý học đường - Chuyện không của riêng ai

Tình trạng bạo lực học đường gia tăng khiến học sinh cảm thấy lo âu. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Tâm lý học đường không chỉ là vấn đề của riêng học sinh, mà còn là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Khi học sinh được chăm sóc và hỗ trợ tốt về tinh thần, các em sẽ có cơ hội phát triển toàn diện, đóng góp cho cộng đồng và trở thành những công dân có ích trong tương lai.

Cô Điêu Thị Ngọc Hoa - một nhà giáo tiêu biểu năm 2024

Cô Điêu Thị Ngọc Hoa - một nhà giáo tiêu biểu năm 2024
(PLVN) - Tự hào lan tỏa khắp Trường THPT Chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) khi cô giáo Điêu Thị Ngọc Hoa, giáo viên môn Hóa học, được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh trong danh sách 251 nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiêu biểu năm 2024.