Tháng 9/2019, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi Trường (iSEE) với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố “Nghiên cứu vấn đề trẻ khuyết tật nông thôn tiếp cận giáo dục: Góc nhìn từ thầy cô, gia đình và trẻ khuyết tật”.
Nghiên cứu được thực hiện ở huyện Phú Xuyên là một huyện nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội. Theo cuộc khảo sát về nhu cầu và đời sống chất lượng của Hội viên Hội Người khuyết tật trên địa bàn huyện Phú Xuyên năm 2015 và đơn xin gia nhập Hội Người khuyết tật huyện Phú Xuyên đến cuối năm 2017, số trẻ KTTT độ tuổi từ 6 – 18 chưa được đi học là hơn 100 trẻ và đa số các em không biết chữ. Trên thực tế thì số trẻ KTTT chưa đi học còn có thể cao hơn.
“Long Vũ Down” đó là cụm từ mà chị Nguyễn Hằng Hà, bà mẹ của cậu con trai Đỗ Long Vũ bị mắc chứng down (là rối loạn nhiễm sắc thể di truyền phổ biến nhất, gây ra tình trạng mất khả năng học tập ở trẻ em), không hề thích nghe chút nào.
Long Vũ khi đến tuổi đi học, có theo học lớp một nhưng không thể theo kịp chương trình học cùng các bạn. Chị Hà đã làm đủ cách để con mình được đến trường cùng các bạn nhưng rốt cuộc Vũ cũng phải nghỉ học do các phụ huynh khác không đồng ý cho cháu theo học.
Có thể câu nói “Long Vũ Down” chỉ nói sau lưng chị Hà, nhưng nó như những hạt muối rắc vào lòng chị khiến chị đau nhói con tim và là vết thương không bao giờ lành.
Một người mẹ khác là chị Nguyễn đã phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều khi điền vào tờ đơn đi học lớp 1 cho con của mình. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, chị đã quyết định chọn ô tích là con của mình bị khuyết tật mặc dù cháu khá thông minh so với các bạn cùng học.
Sau đó, chị đi đến công ty làm và trò chuyện với mấy chị bạn cùng công ty rằng chị đã đăng kí cho con của chị bị khuyết tật khi đi học. Những người bạn nghe xong nói rằng như vậy thì con chị sẽ phải học “dự thính” hay “hòa nhập”, học mà như không.
Nghe bạn khuyên, chị Nguyễn đã vội vàng xin nghỉ làm để đến trường học và lấy lại tờ đơn đăng kí học cho con, ghi lại rằng con của chị không bị khuyết tật và nộp cho nhà trường. Trong lòng chị luôn tự hỏi: “Không biết việc làm của mình là đúng hay là sai?”…
Từ hai câu chuyện của hai người mẹ có thể thấy, có một đứa con KTTT là đồng nghĩa bậc cha mẹ phải đối diện với rất nhiều lo lắng như: lo lắng con đi học ở trường sẽ bị phân biệt đối xử từ bạn bè, phụ huynh của những học sinh khác, do đó, một số phụ huynh ngại, công khai chuyện con của họ bị KTTT vì họ sợ con của họ bị bạn bè học cùng kì thị; lo lắng cho tương lai của con sẽ khó lấy vợ hoặc lấy chồng, khó có công ăn việc làm…
Thiếu chính sách phù hợp dành riêng cho KTTT trong giáo dục hòa nhập cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều thầy cô ở Phú Xuyên. Nghiên cứu cho thấy, do đặc thù về trường dành cho học sinh không khuyết tật nên về trang thiết bị, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu giáo dục dành cho học sinh KTTT.
Thầy cô không được trang bị kiến thức giáo dục dành cho trẻ KTTT nên khó có thể truyền đạt kiến thức cho các trẻ. Đây là một thực tế tại các trường học từ bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong toàn huyện.
Một cô giáo tâm sự: “Trong một tiết học có 45 phút: gồm kiểm tra bài cũ, nội dung bài học, học sinh trao đổi… nếu một cô giáo dành thời gian giảng dạy cho học sinh KTTT quá nhiều thì thật sự tiết học đó sẽ bị cháy giáo án và sẽ không đảm bảo thành công cho tiết học. Các con học sinh KTTT sẽ phải thật sự cố gắng để theo học trong môi trường giáo dục hòa nhập này. Rất thương các con nhưng không biết làm sao…”.