Gia đình 17 thành viên
Trong căn nhà khang trang 3 tầng ở xóm Phú Vinh, xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) của vợ chồng anh Hoàng Văn Thịnh (SN 1972) luôn nhộn nhịp tiếng cười nói, trêu đùa của trẻ em. Nguyên do là vợ chồng anh Thịnh có đến 15 đứa con sau 28 năm kết hôn.
Câu chuyện hy hữu của gia đình này từng xôn xao mạng xã hội cách đây hơn hai năm khi người vợ là chị Nguyễn Thị Sâm (SN 1972), hạ sinh cặp song sinh tại một bệnh viện ở TP HCM trong thời gian đi du lịch cùng gia đình.
Vợ chồng anh Thịnh đến với nhau vào năm 1991. Cũng trong năm đó, họ chào đón đứa con đầu lòng. Vào các năm 1993, 1996, 1998 vợ chồng anh lần lượt đón thêm ba cô con gái ra đời.
Năm 1999, chị Sâm sinh được cậu con trai khiến niềm vui của gia đình càng nhân lên khi họ “có nếp, có tẻ”. Những năm sau đó, cứ cách từ 1 đến 2 năm, vợ chồng anh Thịnh lại đón thêm một thành viên mới. Đặc biệt hơn cả là năm 2017, trong một lần vào thăm chồng và đi du lịch ở TP HCM, chị Sâm hạ sinh thêm một cặp công chúa song Linh (Hà Linh - Thùy Linh) tại Bệnh viện Từ Dũ.
Chia sẻ về việc sinh nhiều con, vợ chồng anh Thịnh cho biết, họ quan niệm con cái là “lộc trời” nên vui vẻ chấp nhận mỗi khi chị Sâm mang thai. Hơn nữa, vì hai vợ chồng đều yêu thích trẻ con, muốn gia đình đông thành viên nên chấp nhận sinh nhiều con.
Gia đình đông con nên nếp sinh hoạt của họ cũng có nhiều điểm đặc biệt, thú vị. Riêng tiền đi chợ mua thức ăn mỗi ngày nếu tính sát sao nhất cũng mất 400 nghìn đồng/ngày.
“Mỗi bữa cơm, tôi phải nấu khoảng gần 2kg gạo, gà mỗi lần ăn ít nhất cũng 2 con, sữa thì mua mấy thùng một lúc. Do các con chỉ cách nhau một vài tuổi nên quần áo, sách vở hay đồ dùng học tập bọn trẻ thường sử dụng lại của nhau. Được cái các con tự lập sớm, đứa chị biết chăm sóc đứa em nên vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả”, chị Sâm chia sẻ.
Đông con, nên việc chăm sóc, dạy bảo của vợ chồng anh Thịnh cũng có những điều khác biệt so với bao gia đình khác. Hàng ngày, chị Sâm thường dùng chiếc chuông nhỏ để đánh thức cả nhà dậy vào sáng sớm.
Chiếc chuông nhỏ cũng được lắc mỗi khi đến bữa ăn. Chỉ cần nghe tiếng chuông, các con liền chạy vào nhà bếp, trật tự sắp xếp chỗ ngồi để vào bàn ăn. Công việc dọn dẹp, rửa bát cũng được đoàn con phân chia nhau làm, chứ không có chuyện tị nạnh.
Nhiều năm qua, gia đình anh Thịnh có một nguyên tắc khá đặc biệt là hàng ngày cứ tầm hơn 4h sáng, các thành viên trong nhà đều dậy đi lễ nhà thờ. Riêng những bé nhỏ quá được ưu tiên cho ở nhà. Khi trời tờ mờ sáng cũng là lúc các em về nhà, ăn bữa sáng và đến trường hay làm việc.
Đông anh chị em nhưng các thành viên trong gia đình luôn có ý thức giúp đỡ nhau trong học tập và chăm sóc lẫn nhau. Đến mùa học, mỗi tối những anh chị lớn sẽ kiểm tra bài vở và kèm học cho các em.
Những em còn nhỏ sẽ được chơi rồi ngủ cùng ba mẹ. Còn lại chị em gái sẽ ngủ chung một phòng và anh em trai cũng vậy. Chính vì thế, dù là gia đình đông thành viên nhưng luôn có tôn ti trật tự, anh chị em đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau.
Cưu mang nhiều người khuyết tật, neo đơn
Ngoài việc “nổi tiếng” bất đắc dĩ vì đông con, vợ chồng anh Thịnh còn được nhiều người biết đến về việc cưu mang, chăm sóc 150 trẻ em khuyết tật tại Mái ấm Thiện Tâm do anh chị lập ra.
Nhiều năm nay, anh Thịnh đã bỏ ra tiền tỷ để xây dựng cơ sở vật chất, nơi cưu mang những người khuyết tật, cơ nhỡ. |
Cách đây 6 năm, trong một lần vào TP.HCM, anh Thịnh bắt gặp những đứa trẻ tật nguyền, người già neo đơn lê lết trên những con phố bán vé số, hàng rong, xin ăn qua ngày. Những hoàn cảnh éo le, neo đơn sống côi cút trên vỉa hè luôn ám ảnh anh. Trở về nhà sau chuyến công tác dài ngày, anh quyết định mở một trung tâm rồi gom, nhặt những người kém may mắn, neo đơn về chăm sóc, nuôi dưỡng.
Để thực hiện tâm nguyện đó anh gửi đơn lên chính quyền xin giấy phép xây dựng, góp kinh phí để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng và tìm kiếm người chăm sóc.
Anh cho biết, thời gian đầu mới đi vào hoạt động khá vất vả, bởi nguồn kinh phí eo hẹp, chỉ riêng việc lo ăn uống hàng ngày đã là gánh nặng. Thế nhưng, nhờ sự đồng lòng, quyết tâm cùng với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh Thịnh đã thực hiện được ước mơ, xây dựng cơ sở khang trang, cưu mang 150 người neo đơn, khuyết tật ở khắp các tỉnh về sống chung dưới mái nhà “thiện tâm”.
Những hoàn cảnh được anh cưu mang trong mái ấm Thiện Tâm mỗi người có một hoàn cảnh, em thì mồ côi cha mẹ, em thì bị tàn tật, người bị bệnh tật hành hạ. Nhưng họ có điểm chung là những phận người khốn khổ, cần được sự sẻ chia của người khác.
Xuất phát từ cái tâm, muốn góp một phần nào đó để xoa dịu vết thương cho những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, anh Thịnh đã làm điều đó mà không chút toan tính.
Trong số nhiều hoàn cảnh khó khăn ở Mái ấm Thiện Tâm có trường hợp em Cao Đăng Hải (SN 1990, trú xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Hải có hoàn cảnh đặc biệt, đáng thương khi bị khuyết tật, sức khỏe yếu, ở với người mẹ già lại hay đau bệnh. Biết hoàn cảnh éo le của Hải, năm 2018, anh Thịnh đã đưa thanh niên khuyết tật này vào Mái ấm Thiện Tâm để sinh sống.
Chia sẻ về cảm xúc của mình, Hải tâm sự, em rất vui khi được sống tại đây. Hiện sức khỏe của em ổn hơn trước. Em đang có gắng học nghề để sau này có thể mưu sinh, tự nuôi sống bản thân để không còn là gánh nặng cho xã hội nữa. Hơn nữa, em muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng, những người khuyết tật tàn nhưng không phế. Họ sẽ có thể trở thành người có ích cho xã hội khi được ai đó nâng đỡ.
Cách đây không lâu, vào ngày 8/7 gia đình anh Hoàng Văn Thịnh đã xây dựng thêm Mái ấm Thiện Tâm 2 ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Đây là nơi anh cùng các cộng sự tiếp tục thực hiện việc cưu mang những trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.
Dồn hết tâm huyết vào việc này, anh chỉ mong góp một phần nào đó để những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi trong cuộc sống bớt đau khổ. Đó cũng là nguyên tắc sống mà anh muốn làm gương cho các con của mình.
Chia sẻ về việc làm của anh Hoàng Văn Thịnh, ông Nguyễn Văn Hà, chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành xác nhận anh Thịnh là người của địa phương. Thời gian gần đây, anh có thành lập Mái ấm Thiện Tâm để cưu mang những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật không những tại địa phương mà nhiều nơi khác. Chính quyền luôn ủng hộ việc làm thiện nguyện của anh Thịnh vì đó là giúp đỡ cứu người.