Khi mùa thu rải nắng vàng ươm xuống phố, cũng là lúc không khí ấm áp của lễ hội Trung thu đang len lỏi trên từng con đường, ngõ phố thân quen. Hương vị của bánh Trung thu như tỏa ra từ các tiệm bánh ven đường. Tiếng trẻ nô đùa cùng với đầu lân, sư tử, ông địa hòa trong nhịp trống. Trong cái không khí rộn ràng vui tươi ấy, vẫn có một nơi dường như mùa thu vẫn còn chưa gõ cửa, đó là Trung tâm (TT) Nuôi dạy trẻ mồ côi Đà Nẵng nằm ở gần cuối đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà.
Thương quá mồ côi
Những đôi mắt ngây thơ của trẻ mồ côi luôn dõi nhìn theo người lạ như muốn tìm một hơi ấm tình thân. |
Đi qua cái cổng sắt luôn để ngỏ và chiếc sân nhỏ phơi nhiều tã lót của trẻ sơ sinh, nhìn qua cánh cửa giữa ngôi nhà ấy là những gương mặt ngây thơ, trong sáng với những ánh mắt tròn xoe của các bé bị bỏ rơi. Thấy có ai đến, các bảo mẫu lại như lóe lên một tia hy vọng, biết đâu người thân đến để tìm lại con mình...
Cô Phạm Thị Ngọc Thúy, Giám đốc TT cho biết, hiện nay, TT đang nuôi dạy 15 trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi. Mỗi tháng có khoảng 1-3 bé bị mẹ bỏ rơi trước cổng hoặc sân của TT. Hầu hết các bé bị bỏ rơi đều trong tình trạng sức khỏe bình thường và đã rụng rốn, được quấn trong một chiếc khăn lớn. Ngoài ra, không có bất cứ giấy tờ hay vật gì kèm theo. Sau thời gian thông báo 30 ngày, UBND phường An Hải Đông sẽ làm biên bản chuyển cho TT thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Đà Nẵng chăm sóc, nuôi dưỡng.
Chăm sóc các bé sơ sinh rất vất vả nhưng tấm lòng những người phụ nữ ở đây đều dành tất cả tình thương của mình như một người mẹ vì biết các bé sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đáng thương. Đặc biệt, đối với các bé sơ sinh, các cô phải thức suốt đêm để canh cho từng miếng ăn, giấc ngủ của các bé. Bảo mẫu T. Thu cho biết, đối với trẻ từ 3-4 tháng tuổi, các bảo mẫu phải thức đêm để cho bé uống sữa 3-4 lần/tối. Đặc biệt, những lúc các bé bị ốm đau bất thường, các cô phải túc trực 24/24 giờ. Tuy nhiên, theo các bảo mẫu ở đây, những đứa trẻ bị bỏ rơi thường như ngoan hơn, ít khóc hơn những đứa trẻ bình thường. Chẳng hạn như, các bé thường ngủ đúng giờ và ngủ liền một mạch từ 6 giờ tối đến sáng.
Ngay cả khi được thương yêu...
Hiện TT hoạt động nhờ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ là chủ yếu, rất khó khăn về tài chính, do đó TT thường xuyên vận động thêm các tổ chức, cá nhân ủng hộ, đồng thời tìm bố mẹ nuôi, mẹ đỡ đầu cho các trẻ mồ côi. Trung bình mỗi bảo mẫu chăm sóc 2 cháu và thay phiên trực ngày một (tức ngày làm, ngày nghỉ), và trực 24/24 giờ. Theo cô Thúy, nếu chiếu theo quy định của Nhà nước thì công việc của các bảo mẫu ở đây là quá tải. Biết nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nên các bảo mẫu đã làm việc với tình yêu của một người mẹ dành cho những đứa trẻ bất hạnh. Mà không chỉ riêng các chị, các mẹ ở TT, trước số phận của một đứa trẻ vừa lọt lòng đã thành trẻ mồ côi, các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đà Nẵng luôn quan tâm, chăm sóc hết mình mỗi khi các em cần được hỗ trợ kịp thời về chăm sóc sức khỏe.
Bên cạnh nguồn tài trợ chính của các tổ chức phi chính phủ, một số công ty sữa, ngân hàng... cũng chung tay giúp đỡ các cháu vào các dịp lễ, tết... với tấm lòng nhân ái. Những đôi vợ chồng hiếm muộn tìm tới TT xin được nhận con nuôi cũng âm thầm đóng góp một phần kinh phí để nuôi dạy các bé ở TT. Những bé không có người nhận làm con nuôi, sau khi cứng cáp, TT sẽ chuyển sang Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hoa Mai tiếp tục nuôi dưỡng và cho ăn học đến đại học.
Lại một mùa Trung thu nữa đã về. Vẫn như mọi năm, TT lại chờ tới cận kề đêm rằm tháng Tám, mới có thể lên kế hoạch tổ chức Trung thu cho các cháu, vì còn phụ thuộc vào tấm lòng của các nhà hảo tâm.
Rời TT, đi qua cánh cổng sắt, chợt chúng tôi có cảm giác nghẹn lòng, khi nghĩ tới một ngày nào đó bất kỳ trong tháng, lại tiếp tục có những đứa trẻ bị bỏ mặc trong cô độc trước mái hiên vào lúc nửa đêm. Ở bên trong khung cửa, những đôi mắt ngây thơ ấy vẫn nhìn với theo chúng tôi như muốn tìm một hơi ấm tình thân. Chợt chúng tôi nhớ lại câu nói của một chuyên gia tâm lý trong một hội thảo về trẻ em rằng, “dù ngay cả khi được thương yêu, được ăn mặc đầy đủ, song các bé sẽ khó phát triển bình thường nếu sống xa vòng tay mẹ...”. Mong sao những người được gọi là “người mẹ” xin đừng để trên đời này thêm những đứa trẻ mồ côi không chỉ vì trẻ em như búp trên cành, mà còn vì những người ngày đêm mong một số phận tốt hơn cho những đứa trẻ họ đang cưu mang giữa cuộc đời.
Đoàn Lương