Không chịu được cảnh cha mình mỗi lần say rượu lại đánh đập hai mẹ con, Phan Minh Mẫn (SN 1990, ngụ huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) đã dùng dây điện chích khiến người cha tử vong.
Hậu vụ án, Mẫn đối mặt với án phạt tử hình rồi lại thoát chết trong gang tấc. Tuy thoát chết nhưng tương lai tươi sáng của một sinh viên đã khép lại, thay vào đó là chuỗi ngày tháng dài dằng dặc trong trại giam để sám hối về tội ác khó dung thứ...
Phạm nhân Phan Minh Mẫn đang thi hành án tại trại giam Thủ Đức, Bình Thuận |
Buổi tối oan nghiệt
Khoảng 18h30 ngày 9/11/2009, Phan Minh Mẫn, sinh viên năm thứ hai Trường Cao đẳng Kinh tế nghiệp vụ Phú Lâm, đi học về nhà thì thấy cha say rượu nằm ngủ dưới đất. Nhớ lại “thù cũ” khi cha mỗi lần “quắc cần câu” thường đánh đập mình và mẹ, cộng thêm cách đó 2 ngày cha đã đánh mẹ một trận “thừa sống thiếu chết”, Mẫn bột phát nảy sinh ý định phải “thủ tiêu” “tên bợm rượu”.
Mẫn đến một tiệm tạp hóa gần nhà mua 4m dây điện có gắn phích cắm với giá 22.000 đồng. Về nhà, Mẫn cắm điện, dùng đầu dây hở chích vào giữa nách, bụng và ngực của cha khoảng 5 phút thì nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, Mẫn kể mọi chuyện cho mẹ nghe và hỏi: “Dây điện giờ làm sao đây?” thì mẹ Mẫn nói: “Đem quăng nó đi”.
Tội ác của Mẫn nhanh chóng bị cơ quan công an lật tẩy. Cuối tháng 4/2010, VKSND TP.Hồ Chí Minh có cáo trạng truy tố Mẫn về tội “Giết người” theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Không lâu sau đó, TAND TP.Hồ Chí Minh tuyên phạt Mẫn án tử hình về tội danh này.
Theo nhận định của Hội đồng xét xử, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và cần phải loại bỏ Mẫn khỏi đời sống xã hội vì tội ác dã man mà bị cáo đã gây ra. Chỉ vì cha sau khi uống rượu bia thường có thái độ cư xử không đúng mực nên bị cáo Phan Minh Mẫn thay vì phải khuyên răn cha mình thì lại bất chấp pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý để sát hại cha, đó là tội ác không thể dung thứ. Sau phiên tòa, Mẫn kháng cáo xin giảm án.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử TAND tối cao tại TP.HCM nhận định: Hành vi giết cha của Mẫn là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm đạo đức xã hội. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm vẫn chưa xem xét thấu đáo đến hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo Mẫn mà tuyên phạt mức án tử hình đối với Mẫn là có phần nghiêm khắc.
Việc phạm tội của Mẫn một phần cũng do nguyên nhân có tình trạng bạo hành trong gia đình. Từ nhỏ bị cáo đã nhiều lần chứng kiến cảnh cha uống rượu say là chửi mắng, đánh đập mẹ, em gái và chính bị cáo nên đã bị dồn nén, bức xúc.
Vì các lẽ trên, Tòa phúc thẩm cho rằng cần áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, biết ăn năn hối cải, gia đình nạn nhân, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương có đơn xin giảm án... nên đã quyết định giảm án cho Mẫn từ tử hình xuống tù chung thân bởi mức án chung thần với Mẫn là phù hợp, vừa đảm bảo răn đe, giáo dục bị cáo Mẫn vừa đảm bảo tính chất giáo dục, phòng ngừa chung.
Ám ảnh tuổi thơ
Gặp Mẫn trong Trại giam Thủ Đức (đóng tại tỉnh Bình Thuận, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), trong suốt cuộc trò chuyện, hai tay Mẫn cứ vân vê tà áo và không dám ngẩng lên. Nước mắt lăn dài, Mẫn tâm sự: “Ký ức tuổi thơ của em chỉ là những lần say xỉn cùng những trận đòn roi của ba. Ba em chỉ biết đánh đập mẹ con em và nhậu nhẹt. Có khi trong nhà chỉ còn 5.000, 10.000 đồng ba em cũng lấy đem đi”.
Nơi Mẫn sinh ra và sống những năm tháng tuổi thơ là ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Nơi ấy khoảng chục năm trước vẫn chủ yếu là những công đất với rậm rạp lau sậy nên cuộc sống của gia đình Mẫn rất vất vả. Cha Mẫn không nghề nghiệp, lại hay nhậu nhẹt nên mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều dồn lên đôi vai của mẹ Mẫn. Ngay từ nhỏ, cậu bé Mẫn lúc nào cũng thương mẹ và luôn ao ước lớn lên sẽ làm ra nhiều tiền để mẹ cậu bớt khổ.
Mẫn hồi tưởng: “Ngày xưa còn nhỏ, em và em gái cứ mỗi lần nghe tiếng ba về là lại cắm đầu bỏ chạy vì sợ ăn đòn. Chuyện ba chốt cửa không cho 3 mẹ con vào nhà, khiến mẹ con em phải ngủ ngoài sân không phải là chuyện hiếm. Có lần phải ngủ ngoài sân khi trời mưa, đứa em của em đã bị viêm phổi mất gần 1 tháng”.
Dừng lại một lát, Mẫn tiếp tục kể về tuổi thơ đau khổ của mình: “Khi học lớp 6, một lần em đang nằm trong nhà thì nghe thấy tiếng ba về nên vội cắm đầu chạy do lúc sáng em mới bị ba đánh. Do trời tối, em chạy đâm sầm vào bụi lau sậy ở vườn nhà hàng xóm. Ba em chạy theo và đứng gọi: “Có phải thằng Hận đó không? (tên ở nhà của phạm nhân Mẫn - PV)”. Do sợ ba quá nên em không dám trả lời, cứ nằm ở đó mãi đến nửa đêm mới dám về nhà. Những lần như thế là mẹ lại thức trắng đợi em về”.
Nhưng rồi, Mẫn đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thi đỗ vào chuyên ngành sửa chữa ô tô của Trường Cao đẳng nghề Phú Lâm. Thực ra, ngành mà Mẫn muốn học là công nghệ thông tin nhưng lúc đó cha Mẫn nói: “Nếu mày thì khoa sửa chữa ô tô thì tao sẽ cùng với mẹ mày làm việc để lo cho còn nếu mày học công nghệ thông tin thì tao mặc xác” nên Mẫn đành gác lại đam mê.
Ngày về còn xa...
“Nghĩ lại những hành vi sai trái của mình, em biết thật dại dột vì cuối cùng mẹ em vẫn là người đau khổ nhất. Ba không còn, mẹ còn mang tiếng vì em là đứa bất hiếu. Nếu được làm lại, em sẽ đi khỏi nhà và tự kiếm sống. Khi nào cuộc sống của em có thể san sẻ được gánh nặng với mẹ thì em sẽ quay về”.
Mẫn nói thêm: “Khi tòa tuyên án, em chỉ kịp nhìn thấy tay mẹ chới với theo em khi em bị đưa về trại tạm giam. Những lúc trong Trại giam Chí Hòa chờ ngày ra pháp trường em mới thấy khao khát được sống. Trong buồng giam tử tù, cứ mỗi lần tiếng cửa ken két mở ra là mỗi lần trái tim em muốn nhảy ra ngoài vì nghĩ là tới lượt mình”.
Rồi Mẫn trầm ngâm nói: “Khi con người ta sắp chết là lúc con người thiện và thật nhất. Thời gian ở buồng giam tử tù, em đã được nghe tâm sự của nhiều phạm nhân khác về những vấp ngã trong cuộc đời của họ và trong đó có cả những kỷ niệm vui nữa. Lúc đó em đọc được trong mắt họ niềm nuối tiếc và khao khát sống.
Sau này, khi em được xuống án, niềm vui đó khiến em reo lên vì sung sướng khi về đến buồng giam. Các tử tù có mặt lúc đó đều chúc mừng cho em nhưng em nhìn thấy trong mắt họ đượm buồn vì đã không được may mắn như vậy. Hôm vừa rồi, có một phạm nhân mới chuyển xuống cho biết là những người ở cùng buồng với em hôm trước đều đã bị thi hành án cả rồi chị ạ”.
Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, Mẫn mới thấy thương mẹ và em gái hơn bao giờ hết. Trong mắt của Mẫn thì “mẹ em là một người phụ nữ rất đẹp nhưng bởi cuộc sống vất vả nên dù mới gần 40 tuổi, mẹ em đã bị rất nhiều căn bệnh hành hạ như gai cột sống, đau thần kinh tọa...
Em lúc nào cũng nghĩ về mẹ, chỉ mơ ước sớm được về đỡ đần mẹ thôi. Mỗi ngày, em đều không dám nghĩ nhiều đến thời gian vì nghĩ nhiều tư tưởng sẽ nặng nề khó cải tạo và nếu em lại sai lầm thêm một lần nữa thì ngày về của em với mẹ càng xa hơn”.
Giá như người cha làm đúng phận sự của mình thì đã không có câu chuyện buồn này...
Uyên Thu - Thái Minh