Những người trẻ “cớm nắng” tinh thần
“Cớm nắng” là một từ thường được dùng trong dân gian, chỉ những đứa trẻ có sức đề kháng yếu, hễ thay đổi thời tiết, ra ngoài gặp nắng, gặp gió đều có thể đổ bệnh. Thanh thiếu niên hiện đại, có không ít người trẻ “cớm nắng” về tinh thần. Họ rất dễ bị tổn thương tinh thần, với sự nhạy cảm quá mức, thiếu bản lĩnh và từ đó mắc phải các chứng bệnh thời đại như trầm cảm, hưng cảm, trầm uất, rối loạn lo âu...
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ mỗi 40 giây trên thế giới có một người tìm cái chết (800.000 ca tự tử/năm). Mặc dù xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng theo thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi 15 – 29 tuổi trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông.
Theo tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới. Điều đáng buồn là tình hình ngày càng gia tăng ở trẻ vị thành niên với những số liệu tăng lên không ngừng.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều nghiên cứu y khoa đã đưa ra những kết quả hết sức đáng buồn. Như một khảo sát trên gần 10.000 người trẻ tuổi của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân trầm cảm và lo âu, phần lớn là nữ.
Cụ thể hơn, tỷ lệ người dưới 16 tuổi mắc ít nhất một chứng rối loạn tâm thần tại Anh tăng từ 11,4% lên 13,6% trong thời gian từ năm 1999 đến 2017. Nữ giới tuổi từ 17 đến 19 có khả năng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn khoảng 66% so với nữ giới chưa trưởng thành và 50% so với nam giới cùng tuổi. Từ năm 1999 đến 2014, số trường hợp tự báo cáo bị rối loạn tâm thần tăng gấp sáu lần.
Tại Việt Nam, theo nghiên cứu “Sức khỏe tinh thần của trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ” của nhóm tác giả: PGS.TS Đặng Hoàng Minh, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN (chủ biên); Ths Nguyễn Cao Minh, Phòng Tâm lý học lâm sàng, Viện Tâm lý học, có từ 12 - 13% trẻ em Việt Nam (trong độ tuổi 6 - 16), tức là có khoảng 2,7 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc có những biểu hiện về sức khỏe tâm thần một cách rõ rệt.
Khảo sát sức khỏe tâm thần học sinh tại Hà Nội bằng công cụ SDQ của Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa Việt Nam cho thấy, trên mẫu nghiên cứu gồm 1.202 học sinh trong độ tuổi 10 - 16, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 19,46 %.
Thời gian qua, quả thật đã có không ít sự việc đau lòng diễn ra do sự mất thăng bằng tâm lý dẫn đến thiếu kiểm soát hành động trong các bạn trẻ. Từ những vụ tự tử do áp lực học hành mà năm nào cũng xảy ra, cho đến tự tử vì thất tình, thậm chí là thất nghiệp, bất đắc chí trong công việc.
Những dấu hiệu bất thường về tâm thần của một bộ phận giới trẻ không chỉ thể hiện ở sự tự tổn thương chính bản thân mình bằng các hành động tự sát, tự làm bị thương bản thân... mà còn ở những hành động tổn thương đến người khác. Những vụ tấn công trên mạng xã hội, những vụ bạo lực học đường đáng sợ, hay như sự việc học sinh nam hiếp dâm tập thể bạn cùng lớp là những minh chứng.
Một trong những hội nhóm “cô đơn” trên mạng xã hội. |
Những số liệu và sự việc thực tế đã chỉ ra rằng, số lượng người có các dấu hiệu về tâm thần ngày càng trẻ hóa, và người trẻ đang là một trong những đối tượng dễ tổn thương về mặt tinh thần nhiều nhất. Đó là câu chuyện đáng buồn của không chỉ một khu vực, một quốc gia, đó là một thực trạng đáng báo động ở toàn xã hội, trên phạm vi toàn thế giới.
Đi tìm lời giải cho thế hệ dễ tổn thương
Nhiều người gọi những người trẻ “cớm nắng” về tâm lý ấy là “thế hệ dễ tổn thương”. Vậy thì vì sao, một thế hệ dư giả về vật chất, đầy đủ về giải trí, tinh thần, kết nối xã hội rộng mở lại ngày càng suy yếu sức đề kháng và “mong manh dễ vỡ” như thế?
Nhiều người cho rằng, áp lực học hành, việc gánh vác giấc mơ sự nghiệp của cha mẹ là một nguyên nhân lớn dẫn đến những chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên. Thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này.
Nhịp sống hiện đại gấp gáp, cuộc sống đặt ra nhiều áp lực và đòi hỏi cho mỗi người. Từ áp lực thành công, áp lực giàu có, áp lực khẳng định bản thân cho đến áp lực phải đẹp hơn... Cạnh đó, một trong những yếu tố tác động mạnh đến tinh thần của người trẻ hiện nay chính là sự xuất hiện của internet và mạng xã hội.
Những mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram đã góp phần giúp người trẻ mở rộng giao tiếp và “quốc tế hóa”, nhưng đồng thời cũng tạo ra những sợi xích xích họ vào một “thế giới ảo”. Và một bộ phận người trẻ bị lệ thuộc vào đời sống ảo, mất đi niềm hứng thú với đời thực. Họ bám riết lấy mạng ảo, bức xúc, tưng bừng, khóc cười với nó.
Và như các chuyên gia tâm lý đã cảnh báo, chơi với mạng xã hội là chơi với dao, không khéo là đứt tay. Khó có thể ghi nhận hết những ca “nghiện” mạng xã hội đến mức người nhà phải đưa đi cai nghiện vì có dấu hiệu lờ đờ, suy sụp tinh thần. Rồi những người trẻ bị cơn lốc “sống ảo” trên mạng xã hội cuốn đi, không thể tìm về con người thật của chính mình.
Hay những người trẻ trở nên hung bạo, thô thiển, tục tằn, chỉ vì mạng xã hội giúp họ ẩn danh, dễ dàng phát tác cái xấu của mình mà không cần kiềm chế. Và cả những nạn nhân xấu số của cộng đồng mạng khi trở thành đối tượng chỉ trích của họ: Có người trầm cảm, rối loạn tâm lý, suy sụp, có người tự kết liễu đời mình. Trên mạng xã hội, có không ít hội nhóm của những bạn trẻ lập ra, chỉ nghe cái tên thôi đã giật mình: Hội những người muốn tìm đến cái chết, Hội những người thích cô đơn...
Hoàng Hải B. là một sinh viên năm hai của một trường đại học ở TP.HCM, học chuyên về ngân hàng. B. có một gia cảnh trung bình, học lực cũng bình thường. Mỗi tháng, gia đình chu cấp đầy đủ cho em ăn học. B. cũng có bạn gái, và cả hai dự định ra trường sẽ cưới nhau. Thế nhưng, một ngày nọ, B. bỗng dưng bỏ học, bỏ bạn gái, đi đâu không rõ.
Cậu chỉ để lại lời nhắn: “Con mệt mỏi quá, con đi xa một thời gian, gia đình đừng lo lắng”. Gia đình, bạn bè tìm kiếm khắp nơi mà không được. Sau nửa năm B. mới liên lạc lại, cho biết mình đang sống trong một rẫy của người dân tộc ở Kon Tum, với một gia đình người dân mà tình cờ B. quen trên quãng đường “bỏ phố vào rừng”.
B. nói, cuộc sống càng lúc càng làm B. mệt mỏi, áp lực và không còn thấy gì thú vị nữa. B. cũng không hình dung tương lai trước mắt của mình sẽ ra sao với trạng thái tâm lý kiệt quệ ngày một vây bủa mình. Em đi lên vùng núi, vào các bản, lánh xa đô thị để đi tìm sự nhẹ nhàng cho tâm hồn mình.
Giờ đây, “bỏ phố về rừng” dường như đang là một “trào lưu” trong giới trẻ. Như câu hát trong bài hát của Đen Vâu, rapper nổi tiếng giới trẻ: “Nếu mà mệt quá ở thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”.
Bỏ phố về rừng, với không ít người trẻ là một sự xác định rõ ràng thay đổi kế hoạch sống đời mình, tìm về với thiên nhiên. Nhưng một phần (không ít) người trẻ, đó là sự chạy trốn khỏi cái thực tại đang làm họ mệt mỏi, chán nản, khổ sở. Nhưng một khi không giải quyết được tâm bệnh, thì dù có chạy trốn đến đâu vẫn phải chịu đựng những nỗi khổ trong tinh thần.
Làm thế nào để chữa trị tâm bệnh, quan trọng hơn là làm thế nào để ngăn ngừa những triệu chứng rối loạn tinh thần trong giới trẻ? Câu hỏi ấy khó trả lời vô cùng. Có lẽ, để làm được điều ấy, cần một chiến lược dài hơi với sự góp sức của gia đình và xã hội, bằng những chiến lược truyền thông, bằng việc đem đến những giá trị sống mới, bằng việc gieo trong tâm hồn của các thế hệ mà bắt đầu từ trẻ thơ những hạt mầm thiện tâm, tốt đẹp và tươi sáng.
Vun trồng những điều lành ấy, từ bây giờ, để giúp mỗi người, từ ấu thơ đã được tưới tấm những “vitamin” để tăng sức đề kháng cho tâm hồn. Có lẽ, chỉ như thế, chúng ta sau này mới có được một thế hệ với tinh thần lành mạnh, mạnh mẽ, bản lĩnh hơn.