Tình trạng “sống trong sợ hãi” của các hộ dân này đã diễn ra từ hơn 3 năm nay khi mà tình trạng đất đá bị sạt lở từ đèo xuống vẫn đang ngày càng hiện hữu nhất là vào mùa mưa.
Ngôi nhà của gia đình anh Ngô Trư (48 tuổi, trú thôn Phú Gia, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) nằm lọt thỏm ngay dưới chân đèo Phú Gia. Anh Trư cho hay, cứ vào mùa mưa đặc biệt là khi có bão thì cả nhà ông lại thấp thỏm lo sợ vì không biết cả núi đất từ đèo sẽ ập xuống khi nào.
Trong cơn lũ lịch sử vào năm 1999, khu vực đèo Phú Gia đã từng một lần bị sạt lở và chôn vùi một căn nhà ngay sát nhà của anh Trư. Gần đây nhất vào mùa mưa năm 2013, khu vực đèo Phú Gia cũng đã xảy ra sạt lở đất tuy rằng không gây ra thương vong nhưng khiến vườn tược của những hộ sống cạnh đó bị vùi lắp hoàn toàn.
Cũng như anh Trư, ngôi nhà của ông Nguyễn Ngọc Tuấn cũng nằm dưới chân đèo Phú Gia và cứ đến mùa mưa bão thì cả gia đình 6 nhân khẩu của ông lại phải sang nhà người thân hoặc đến nơi cao ráo để tránh. Ông Tuấn cho hay, trước đây tại khu vực đèo Phú Gia có tình trạng khai thác đất nên mỗi khi có mưa to là sạt lở đất lại hiện hữu. Sau này vì có trồng cây nên tình trạng trên đã giải quyết được phần nào nhưng chưa triệt để được.
Theo chỉ dẫn của người dân, phóng viên tìm đến một khu vực được dân cư sống gần đó cho là sẽ sạt lở bất cứ lúc nào nếu có mưa lớn kéo dài. Quan sát của phóng viên tại hiện trường cho thấy, khu vực có nguy cơ sạt lở là một dốc dựng đứng, dốc này vốn trước đây là đường đi của các hộ dân dùng để khai thác tràm. Người dân địa phương cho hay, nếu có mưa to thì khu vực dốc này nước chảy về rất nhiều kèm theo đất đá chắn cả đường đi.
Ngôi nhà của ông Tuấn thuộc diện có nguy cơ bị ảnh hưởng nhưng chưa di dời được vì gia đình không có tiền |
Ông Phan Văn Cường - Phó chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho hay, hiện có 14 hộ với 60 nhân khẩu tại thôn Phú Gia bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại đèo này, trong đó có 9 hộ có nguy cơ cao. Theo ông Cường, vấn đề sạt lở đã xảy ra hơn 3 năm nay và xã cũng đã có các biện pháp để bảo đảm an toàn cho người dân sống tại đây.
Được biết khi có mưa lớn, UBND xã huy động lực lượng để đưa các hộ dân này đến nơi an toàn để ẩn nấp, với các trường hợp không thực hiện xã sẽ tiến hành cưỡng chế. Để giải quyết về lâu dài cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở, UBND huyện Phú Lộc đã tiến hành xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân này, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu để xây dựng nhà ở. Mặc dù chính sách là như vậy nhưng thực tế hiện nay chưa có hộ nào di dời vào sống tại khu tái định cư mà vẫn kiên trì bám trụ lại khu chân đèo nguy hiểm này.
Về lý do, ông Cường cho biết, số tiền 20 triệu không đủ để cho các hộ dân nơi đây xây nhà, hơn nữa khu tái định cư khá xa nơi ở (khoảng 8km) nên những hộ này lo ngại nếu bị chuyển về đó sinh sống, chưa quen thổ nhưỡng không không biết sẽ mưu sinh như thế nào. Chính vì vậy mà đến nay những hộ dân này vẫn thấp thỏm sống ở khu vực gần đèo, dù biết hiểm họa sạt lở có thể ập đến bất cứ lúc nào nhất là trong mùa mưa lũ như hiện nay.