Tôi vừa đọc thông tin trên mạng thấy 1 trong 9 hiểm họa thách thức loài người được cảnh báo năm 2010 là tình trạng tăng dân số. Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) cảnh báo dân số đang là thách thức lớn, đe dọa sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đọc xong lại lo cho vùng Đam Rông - một trong những huyện nghèo của cả nước đang đứng trước thách thức này.
Còn có người sinh con thứ 12
Trong khi phong trào xây dựng mô hình gia đình, thôn, buôn không có người sinh con thứ ba; xã, phường hạn chế người sinh con thứ ba trở lên ở nhiều địa phương đã gặt hái thành công bước đầu, thì ở Đam Rông chuyện gia đình có 7, 8 con là bình thường. Tôi đã có một chuyến đi vào xã Đạ Tông, nơi có tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên chiếm 62%, cao nhất huyện Đam Rông, chiếm kỷ lục về sinh con thứ ba của tỉnh Lâm Đồng. Gặp hai chị em Phi Srôn K’Mhô đều mỗi người sở hữu 12 con. Ở tuổi mới 40, K’Mhô đã trở thành bà ngoại mà vẫn còn sinh con mới tròn 1 tuổi. Chị gái của K’Mhô cũng có 12 con, đứa nhỏ nhất được 2 tuổi. Hai chị em K’Mhô quắt queo không có sữa cho con bú, nhà không có gì ăn cho no, trẻ con mới vài tháng tuổi đã phải cho ăn cháo thay sữa mẹ. Những đứa trẻ con cháu nhà K’Mhô đều không được học hành. Bởi sinh con nhiều, K’Mhô vốn là một giáo viên mầm non đã phải nghỉ việc. Khi tôi hỏi vì sao mà đông con thế, chị K’Mhô bảo rằng: “Mình có muốn sinh con nhiều đâu, mình có thích mất việc làm đâu! Mình thích kế hoạch hóa thì chồng không thích nên phải sinh nữa thôi!”. Nhìn đám trẻ gầy gò, lấm lem bên căn nhà tạm bợ, tôi cảm thấy nặng lòng cho cái vòng luẩn quẩn “đông con –đói nghèo” như bóp nghẹt những con người nơi đây.
“Vận động bà con khổ như tát nước trời!” - Chị Liêng Jrang K’Sinh, chuyên trách dân số xã Đạ Tông, than thở - Họ không chịu KHHGĐ, mình cấp thuốc uống tránh thai, phát bao cao su họ vẫn nhận, có nhà mình vào để ngay trên giường, thế mà họ không chịu sử dụng. Vận động thuyết phục mãi, có chị ưng rồi nhưng các ông chồng thì không ưng. Một nửa số người sinh con thứ ba trở lên ở Đạ Tông tập trung vào thôn Đa Nhim I, có gia đình sinh con thứ 9, 10 nhưng rất khó vận động thôi sinh. Bà con ở đây 100% là người dân tộc M’Nông theo đạo Thiên chúa, sinh nở tự nhiên, không chấp nhận nạo phá thai và can thiệp hạn chế sinh đẻ. Nhìn cảnh nhà nào cũng đông con, nhiều gia đình khó khăn thiếu thốn, tôi hỏi chị K’Sinh vận động bà con KHHGĐ như thế nào, K’Sinh lắc đầu ngao ngán: “Các ban ngành đoàn thể vào Đa Nhim I không tiếp cận được các gia đình sinh con nhiều. Đến nhà bà con không mở cửa. Mời bà con không chịu đi họp. Thông báo 7 giờ tối họp mà cấp ủy, chính quyền chờ đến 9-10 giờ đêm không có ai đến cả!”. Trong xã chỉ có một số hộ đăng ký vay vốn nhà nước là sinh ít con, còn các nhà đông con thì không dám vay vốn, mà cũng không được vay đâu nên họ không thấy quyền lợi gì ở việc sinh đẻ ít - Chị K’Sinh cho biết thêm – chỉ có lớp trẻ là không sinh nhiều thôi, còn chị em 30 tuổi trở lên đều có đông con.
Chị Bon Niêng K’Dung - Chuyên trách dân số xã Đạ MRông nói rằng có đến hơn 50% cặp vợ chồng ở tuổi sinh đẻ có con thứ ba trở lên, nhiều nhất phụ nữ độ tuổi 30 -40 tuổi có con thứ 8, riêng năm nay có 2 trường hợp sinh con thứ 6. Vận động KHHGĐ khó khăn vô cùng, thuốc tránh thai, bao cao su cấp phát đến nhà mà chị em không dùng, lý do là “đẻ sắp hết tuổi rồi không dùng biện pháp tránh thai nữa đâu!”. Ở xã này có 5 thôn dân tộc M’Nông, còn người dân tộc Cil ở thôn Đạ Xế. “Cán bộ không chấp hành nên bà con không nghe đâu. Mới đây có 2 đảng viên sinh thêm con, đó là Phó Công an xã sinh con thứ 4 và Trưởng thôn Đạ Xế mới sinh con thứ ba mà chưa xử lý” - K’Dung nói vẻ bức xúc lắm.
Rủ nhau tháo vòng
Cứ mỗi lần trò chuyện với chị Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm Dân số KHHGĐ huyện Đam Rông tôi lại thấy chị lo. Lần này, chị đang ôm nỗi lo lắng suốt hai tháng rồi vì có nhiều chị em đã đặt vòng rủ nhau đi tháo vòng tránh thai. Họ đến Trung tâm y tế huyện không được giải quyết nên đến các cơ sở y tế tư nhân ở Lâm Hà, Đức Trọng. Hỏi ra mới biết tháo vòng là để tiếp tục sinh thêm con để được hưởng trợ cấp 120.000 đồng/người/năm theo chính sách dân tộc miền núi hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn trước đây cấp hiện vật: Gạo, muối I-ốt, dầu hỏa thì nay đổi thành tiền mặt. Đồng tiền làm bà con thấy cái lợi trước mắt, hễ nhà nào có nhiều con thì được nhận nhiều tiền. Tôi đem chuyện này hỏi một cán bộ công tác xã hội lâu năm được biết: tác động của việc hỗ trợ bằng tiền mặt tính theo khẩu đã gây hệ lụy lớn cho việc tăng thêm đầu người và quan trọng hơn là mặt trái của chính sách miễn giảm học phí và cấp bảo hiểm y tế cho bà con vùng đặc biệt khó khăn có tư tưởng ỷ lại đã châm ngòi cho sự bùng nổ dân số.
Dân số bùng nổ rồi thì càng khó kiềm giảm. Chị Tuyết trăn trở: Khó vận động dân số lắm, bà con DTTS nhận thức còn hạn chế, số sinh 7-8 con rất nhiều nhưng không chịu áp dụng các biện pháp tránh thai dù có thuyết phục vẫn không áp dụng. Sinh con thứ ba trở lên tập trung cao nhất ở xã Đạ Tông 62%, Đạ Rsal 41,3%, có rất nhiều gia đình hơn 10 con, con gái đầu và mẹ cùng đẻ, nhưng vào vận động rất khó, họ chửi cán bộ, cộng tác viên, chuyên trách dân số đến nhà bị đuổi. Cán bộ huyện và xã tập trung tuyên truyền thì bà con nghe nhưng không áp dụng. Nhiều nguyên nhân bà con không KHHGĐ, trong đó cái chính do sử dụng thuốc uống tránh thai, thuốc tiêm gây tác dụng phụ làm chị em hoang mang và do tuyên truyền chưa được “mưa dầm thấm lâu”. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, cán bộ dân số còn hời hợt, không có kỹ năng, có trường hợp khi vận động được một đối tượng nam chấp nhận đình sản, cán bộ phát biểu trêu chọc: “Mày chuẩn bị ra y tế người ta cho một nhát là toi đời!’ làm cho đối tượng hoang mang, dao động, đổi ý không chịu đình sản nữa. Chiến dịch vừa rồi, vận động được 20 đối tượng chấp nhận đình sản nhưng cuối cùng chỉ thực hiện được 3 ca. Đội ngũ cán bộ còn vi phạm về sinh con thứ ba, có cả trưởng thôn, bí thư chi bộ. Người vi phạm tập trung ở ngành Giáo dục, Y tế và phần lớn là cán bộ người DTTS, Trưởng trạm y tế xã Đạ K’Nàng cũng sinh con thứ ba. Thống kê chưa đầy đủ trong năm nay có 8 cán bộ viên chức sinh con thứ ba thì đã có 6 giáo viên.
Cầu cho “mưa dầm thấm lâu”
Tại cơ sở, “cán bộ, đảng viên còn có người sinh đông con cũng ảnh hưởng đến cái nhìn làm theo của bà con. Năm 2009, có 4 giáo viên trong xã sinh con thứ ba, 4 trường hợp là cán bộ đảng viên sinh con thứ ba, có cả Phó bí thư chi bộ thôn Đăng Hinh cũng sinh con thứ ba. Có hình thức khai trừ Đảng, không cho làm giáo viên, thôi chức vụ cán bộ nhưng không đem lại hiệu quả gì tốt nên đành bất lực thôi!” - Anh Kră Jăng Hà Siêng, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông nói có vẻ mệt mỏi. Anh giải thích nguyên nhân bà con sinh nhiều là do nhận thức hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu chưa xóa bỏ triệt để. Xã có tổ chức cán bộ đi thuyết phục tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình có 7-8 con nhưng họ chưa thay đổi nhận thức. Vận động đình sản thì có vài trường hợp vợ đồng ý mà chồng không cho nên không đình sản được.
Còn tại huyện, người đứng đầu ngành dân số -KHHGĐ Đam Rông thành thật: “Chúng tôi chưa biết phải có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng chị em tháo vòng tránh thai, vì không kiểm soát được”. Chị Tuyết phân tích cho tôi rõ mấy điểm cơ bản về DS-KHHGĐ ở nơi đây: So với các năm trước, Đam Rông đã giảm tỉ lệ sinh con thứ ba từ 32,6% (năm 2009) xuống 26% hiện nay thấp hơn mức giao của HĐND huyện đưa ra 30%. Tỉ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm không đáng kể: từ 1,8% (năm 2009) còn 1,76% (năm 2010). Vùng đất Đam Rông tập trung đồng bào DTTS với thói quen lâu đời sinh nở tự nhiên, thích đông con quần tụ và ảnh hưởng của yếu tố tôn giáo không chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại, cùng với làn sóng người di cư trẻ độ tuổi sinh đẻ đến lập nghiệp trên đất mới. Tâm lý các gia đình muốn sinh con trai còn khá phổ biến nhất là người DTTS vùng núi phía Bắc di cư vào, bên cạnh đó còn có cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba trở lên chưa bị xử lý hoặc xử lý qua loa đại khái. Tỉ lệ dân số tăng cơ học gần 3%, số phụ nữ độ tuổi sinh đẻ kết hôn tăng vọt trong 2 năm qua. Năm 2009 có 1.700 người từ nơi khác chuyển đến Đam Rông, đông nhất ở Liêng Srôn và Rô Men. Trong khi số lượng cộng tác viên dân số vùng DTTS so với các vùng khác đều như nhau, phân bổ chưa gắn với đặc thù từng vùng dân cư để tăng hiệu quả công việc.
Lãnh đạo địa phương, ông Lưu Đại Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nhận định: Đam Rông là huyện nghèo của cả nước, dân số là người DTTS gốc Tây Nguyên chiếm 70%, sau 5 năm thành lập có sự nâng lên rõ rệt về đời sống, kinh tế, xã hội, tuy nhiên, địa phương còn có tỉ lệ tăng dân số tự nhiên cao, tỉ lệ sinh con thứ ba trở lên còn cao. Địa bàn rộng, DTTS nhận thức về sinh con ít chưa nhiều, các gói dịch vụ KHHGĐ đến còn hạn chế, chưa phổ biến rộng, người dân có tiếp cận nhưng hiệu quả chưa cao, số thôn, xã có người sinh con thứ ba trở lên còn nhiều, mặc dù 5 năm qua huyện có chỉ đạo công tác dân số - KHHGĐ chặt chẽ. Còn một số thôn đặc thù của người Mông di cư tự do ở phía Bắc đến có tư tưởng “Trời sinh voi sinh cỏ”, đặc biệt sinh con sớm, sinh đông ở Thôn 5 xã Rô Men do thiếu kiến thức, dân trí thấp, sống khép kín. Khảo sát đánh giá còn tình trạng cán bộ công chức người DTTS sinh con thứ ba nên tác động ngược đến kết quả dân số, mặc dù huyện đã có biện pháp kỷ luật, khiển trách, cảnh cáo, không nâng lương, chuyển công tác khác…
Rời Đam Rông trong cái nắng như đổ lửa, tôi cầu mong trời cho mưa dầm như câu cửa miệng của những người làm dân số “mưa dầm thấm lâu” và nỗi lo bùng nổ dân số với cái vòng lẩn quẩn “đông con - đói nghèo” vẫn đeo bám người dân nơi đây khi truyền thông dân số chưa tạo ra được “những cơn mưa dầm”.
Phóng sự: Diệu Hiền