Nỗi lo con làm “anh hùng bàn phím”

Một số trẻ có xu hướng thể hiện mình quá mức trên các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Littlelives.com)
Một số trẻ có xu hướng thể hiện mình quá mức trên các nền tảng mạng xã hội. (Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Littlelives.com)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một thực trạng khiến phụ huynh lo lắng hiện nay là trẻ em và thanh, thiếu niên có xu hướng thể hiện mình quá mức trên các nền tảng mạng xã hội. Một số em bên ngoài có thể là những đứa trẻ ngoan hiền nhưng lên mạng lại trở thành “anh hùng bàn phím”, thể hiện mình một cách lệch lạc.

“Khẩu chiến” trên mạng

Cho đến khi bị nhà trường mời phụ huynh, chị Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) mới biết con mình “lộng hành” trên mạng. Con chị mới học lớp 9 nhưng đã lên mạng lập nhóm riêng của lớp và cùng một nhóm bạn trong lớp cãi nhau với nhóm lớp bên. Cuộc “khẩu chiến” trên mạng kéo dài suốt một tháng, kết thúc bằng một trận ẩu đả ngay trên sân trường.

Tương tự, anh Hoàng Vĩnh Nguyên (Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cũng một phen “hú vía” khi con gái bị một nhóm kéo đến tận nhà “dằn mặt”. Sau khi hỏi con, anh mới biết con gái lên mạng “khiêu chiến” với một nhóm người hâm mộ của nghệ sĩ tuổi teen ở Hàn Quốc. Cô bé đã cùng bạn bè vào nói xấu một nghệ sĩ trong nhóm hâm mộ nghệ sĩ. Kết quả là nhóm fan hâm mộ trên tức tối kéo đến tận nhà để “làm cho ra lẽ”.

Một thực trạng khiến phụ huynh lo lắng hiện nay là trẻ em và thanh, thiếu niên đang có xu hướng thể hiện mình quá mức trên các nền tảng mạng xã hội. Các em bên ngoài có thể là những đứa trẻ hết sức ngoan hiền, hoặc cư xử bình thường, nhưng lên mạng lại trở thành “anh hùng bàn phím”, ngông nghênh thể hiện mình một cách lệch lạc.

Nhiều trẻ lên mạng nói xấu thầy, cô giáo, bạn học, thậm chí cha mẹ, ông bà. Các em còn vô cớ để lại những bình luận tục bậy, miệt thị ngoại hình, tấn công người khác. Nhiều bậc cha mẹ tưởng con mình ngoan ngoãn, cho đến khi đọc những bình luận trên mạng mới phát hiện con ăn nói “văng mạng”, thích gây gổ, thách thức người khác...

Theo lý giải của các chuyên gia, nguyên do của hiện tượng này bởi trẻ đang tuổi lớn, nhận thức, tư duy chưa hoàn thiện. Ở tuổi này, trẻ thường có nhu cầu thể hiện bản thân cao. Trong khi đó, mạng xã hội là một “thế giới tự do”, nơi người ta có thể dễ dàng thể hiện quan điểm, thậm chí thách thức mà khó bị đối mặt trực tiếp với hậu quả bởi tính ẩn danh của thế giới ảo.

Cạnh đó, áp lực từ môi trường trực tuyến có thể gây nên những tác động không lành mạnh đối với tâm trạng và cách hành xử của các em. Sự chú ý và "likes" trên mạng có thể trở thành động lực chính cho việc thể hiện mình, khiến cho trẻ em có thể đặt quá nhiều giá trị vào việc được công nhận trên mạng xã hội.

Cùng con xây dựng hành vi trực tuyến tích cực

Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một số trường hợp học sinh bị khủng hoảng tinh thần do mạng xã hội. Các em là nạn nhân của những trò tấn công, xúc phạm, “ném đá” tập thể trên mạng.

Tuy nhiên, trong số những nạn nhân của hiện tượng “anh hùng bàn phím”, có không ít em trở thành nạn nhân của chính mình. Đã có những trường hợp bị rối loạn lo âu, mệt mỏi, căng thẳng thần kinh kéo dài khi lên mạng tấn công người khác và bị đối tượng trên mạng đe doạ trả thù. Cạnh đó, nhiều em bị “lậm” mạng, sau một thời gian quen với sự thể hiện nên tự coi mình thực sự là “anh hùng”, có quyền năng lớn trên mạng, dẫn đến chứng bệnh ảo tưởng, hoang tưởng.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ thể hiện bản thân theo hướng tiêu cực, quá khích trên mạng xã hội có thể tác động xấu đến tâm lý và tinh thần của trẻ em, gây ra căng thẳng, lo âu và một số rối loạn tâm lý khác.

Những hành vi này cũng là những bước đi lệch lạc đầu tiên trong nhân cách của trẻ và rất có thể sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài nếu phụ huynh không phát hiện kịp thời.

Chính vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, phụ huynh nên theo sát hành vi của con trên mạng. Không chỉ dừng lại ở việc con đang xem gì, có truy cập ứng dụng xấu hay không mà còn cần phải xem xét các hành vi khác của trẻ trên mạng như bình luận, bày tỏ quan điểm như thế nào, tham gia những hội nhóm nào, có lành mạnh không?…

Khi cha mẹ phát hiện con lên mạng làm “anh hùng bàn phím”, có một số bước có thể thực hiện để giải quyết vấn đề. Đầu tiên, cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh, không nổi nóng hay trừng phạt con. Đồng thời, tạo ra không gian thảo luận mở để hiểu rõ lý do con thực hiện những hành vi này. Hãy lắng nghe một cách chân thành để có cái nhìn toàn diện về tâm trạng và suy nghĩ của con.

Cha mẹ cũng cần thông tin cho con biết về trách nhiệm của trẻ khi sử dụng mạng xã hội, bao gồm tác động của hành vi trực tuyến đối với bản thân và cộng đồng; Giúp con hiểu về những hậu quả của hành vi “anh hùng bàn phím” và hỗ trợ con xây dựng kỹ năng ứng xử trực tuyến tích cực.

Cha mẹ cần kiểm soát thời gian trực tuyến của con, thường xuyên kiểm tra các hoạt động trực tuyến của con để bảo đảm rằng con không vi phạm nguyên tắc đạo đức hay có thể gây hậu quả xấu cho bản thân hoặc người khác. Phụ huynh cũng cần trò chuyện giúp con hiểu rõ sự đa dạng và tôn trọng quan điểm khác nhau, thay vì tham gia vào hành vi gây hấn và tạo ra mâu thuẫn trên mạng. Trong đời sống hằng ngày, cha mẹ cũng cần luôn tăng cường sự kết nối, tương tác trong gia đình để trẻ không coi mạng xã hội là “cứu tinh” của bản thân.

Theo các chuyên gia, bằng những phương pháp này, phụ huynh có thể chủ động giúp con xây dựng hành vi trực tuyến tích cực và có ý thức trách nhiệm, lành mạnh.

Rất khó “cai nghiện” Internet cho trẻ nếu không tăng cường phòng ngừa

Khảo sát của UNICEF năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%. Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là từ 5 - 7 giờ mỗi ngày. Vấn đề bảo vệ trẻ em Việt Nam trên mạng đang đặt ra nhiều thách thức. Trong 6 nhóm rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng có vấn đề nghiện Internet.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Tổng đài 111 khi được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và Cục Trẻ em giao nhiệm vụ liên quan tới bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên mạng thì bình quân mỗi năm tiếp nhận hơn 400 - 500 cuộc gọi về vấn đề trẻ em trên môi trường mạng. Có những ca do cha mẹ và trẻ em gọi đến tổng đài tư vấn và một số ca thì trực tiếp nhân viên tổng đài gọi tới để can thiệp. Vấn đề nghiện Internet hay lừa đảo, trẻ em tiếp xúc với các nội dung không phù hợp trên Internet, hiện nay quy trình hỗ trợ, can thiệp cho các em được thực hiện theo quy định tại Nghị định 56 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. “Chúng ta đã có các kênh tiếp cận hỗ trợ can thiệp cho các em. Thông qua phân tích các ca cụ thể thì nếu trẻ bị nghiện Internet thì việc hỗ trợ cho các em đang rất khó khăn do liên quan tới nhân lực, thời gian và việc các em có thể giảm sự phụ thuộc vào việc dùng Internet hay không. Đó là câu chuyện nếu không tăng cường phòng ngừa thì để cai nghiện một ca trẻ nghiện Internet là rất khó khăn”, theo bà Nga.

Đọc thêm

Điều chỉnh “xét tuyển đại học sớm” để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh

Việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển cần bảo đảm được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển. (Ảnh minh họa: Ngọc Hương)

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh (TS) ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn.

Góp ý cho Kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2025: Nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào

Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.

Nâng cao hiểu biết pháp luật trong học sinh, sinh viên

Việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động. (Ảnh: BD)
(PLVN) - Thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin nhưng cũng đối mặt với những hệ lụy, nhất là khi không được trang bị nền tảng kiến thức pháp luật. Một số bạn trẻ hiện nay “vô tư” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Ngăn ngừa thuốc lá mới xâm nhập học đường

Ảnh minh họa: Sở GD&ĐT Hà Nội
(PLVN) - Trước tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh ở giới trẻ, nhiều trường học tại các tỉnh/thành đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá mới, góp phần đẩy lùi mối lo này ra khỏi trường học.

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô
(PLVN) -  Ngày 30/11/2024 đánh dấu cột mốc vàng son trong lịch sử của Trường Đại học Thành Đô – hai thập kỷ nỗ lực không ngừng để kiến tạo một môi trường giáo dục chuẩn mực, kiên định với sứ mệnh kiến tạo không gian tích hợp WILL, gắn kết hài hòa giữa học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thực hành, hướng nghiệp và trải nghiệm cuộc sống. Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm và cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp đối tác, bệnh viện, nhà trường, báo chí…

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
(PLVN) - Sáng ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn”. Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025: Tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh

Thay đổi dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025, bảo đảm công bằng cho thí sinh. (Ảnh minh họa: ĐHQGHN)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất.

Bộ Công an thông tin về đề thi đánh giá năm 2025

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bộ Công an cho biết, trong năm 2025, đơn vị sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong ngành bám sát chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện theo đúng các quy định trong tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.