1001 vấn đề khi con biết yêu
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ án đau thương liên quan đến các cặp đôi yêu nhau. Đó là những vụ sát hại diễn ra khi tình cảm đôi bên mâu thuẫn, là những vụ tấn công, gây tổn thương nhau khi ghen tuông. Có cả những cặp đôi rủ nhau cùng kết thúc cuộc đời vì gia đình ngăn cản...
Cạnh đó, còn có những vấn đề nghiêm trọng không kém như mang thai ngoài ý muốn, phá thai gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản. Không ít cô gái trẻ sinh con ra rồi bỏ rơi vì sợ gia đình phát hiện và những vụ thương tật, mất mạng hoặc vô sinh vì phá thai ở các cơ sở “chui”. Chưa kể những hậu quả khác có thể xảy ra âm thầm nhưng ảnh hưởng lâu dài đến tương lai con như sang chấn tâm lý, tổn thương về tinh thần, chứng trầm cảm...
Những sự việc xảy ra liên tiếp đã làm nhiều phụ huynh hoang mang và đặt ra một vấn đề lớn: Làm sao định hướng cho con yêu một cách đúng đắn, làm sao để bảo vệ con khi bước chân vào tuổi biết yêu? Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ nỗi bất lực khi khoảng cách thế hệ và thời đại khiến họ khó lòng tiếp cận các mối quan hệ của con cái mình.
Chị Nguyễn Thị Minh Hiền, giáo viên cấp 2, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Có con gái học cấp 3 là lo ngay ngáy. Đặc biệt khi thấy con thường xuyên được đưa đón bởi các bạn trai khác nhau, trong đó có những thanh niên ăn mặc, trang phục không phù hợp lứa tuổi như nhuộm tóc vàng, đeo khuyên tai, chạy mô tô... Nhưng khuyên con thì con không chịu, bảo chỉ là bạn bè, thậm chí trách ngược mẹ kì thị bạn bè con qua ngoại hình. Làm cha mẹ thời buổi này rất khó, vì can thiệp sâu vào chuyện tình cảm của con thì con phản ứng mạnh, mà không làm gì lại sợ hậu quả không hay xảy ra”.
Còn anh Lâm Văn An, ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã một phen hú vía khi phải đi giải quyết hậu quả “tình yêu trẻ con” của cô con gái. Anh An không hề biết gì về chuyện con gái lớp 11 đang hẹn hò với cậu bạn trai cùng trường. Cho đến khi anh thấy con có dấu hiệu sa sút tinh thần, hay hoảng sợ, hai vợ chồng gặng hỏi thì biết con có mối quan hệ yêu đương hơn 3 tháng, sau đó chủ động chấm dứt vì bạn trai quá ghen tuông. Tuy nhiên, người yêu cũ của cô bé liên tục liên lạc, chặn đường quấy rối, đe dọa chết cùng nhau khiến cô bé sợ hãi, hoảng loạn tinh thần. Vợ chồng anh An một mặt phải trấn an con gái, liên tục theo sát con, đưa đón con đi học, mặt khác phải liên hệ với gia đình thiếu niên kia để nói chuyện và trao đổi với nhà trường, nhờ thầy cô can thiệp giáo dục thì sự việc mới chấm dứt.
Đừng dạy con bằng lý thuyết
Trên thực tế, phụ huynh đứng trước chuyện “yêu đương” của con trẻ thường có những phản ứng mạnh, thậm chí tiêu cực. Những lý lẽ mà phụ huynh dạy bảo con trước chuyện yêu thường là “lo học hành đi” hoặc “không nên yêu sớm dễ đánh mất tương lai”, hoặc dọa con bằng các hậu quả nguy hiểm của việc dấn thân vào tình yêu khi mới lớn. Thậm chí, có những bậc cha mẹ còn “cấm tiệt” con giao du với bạn khác giới, có ngôn ngữ và hành vi bạo lực khi phát hiện con hẹn hò, yêu đương ở tuổi ô mai.
Tuy nhiên, chính việc dạy dỗ con bằng lý thuyết suông và sự hăm dọa, đe nẹt lại dễ gây ra “tác dụng ngược”. Nhiều thanh, thiếu niên đã lựa chọn cách giấu cha mẹ chuyện yêu đương, hoặc làm ra những chuyện dại dột như “cố ý mang thai” cho gia đình chấp nhận, thậm chí rủ nhau bỏ trốn, tự sát cùng nhau...
Một khi hành xử quá khắt khe khiến con không nể phục, đẩy con ra xa, cha mẹ sẽ đánh mất đi cơ hội được con chia sẻ tình cảm để biết được con đang hẹn hò với ai, đang trải qua những điều gì. Đồng thời, phụ huynh cũng mất đi cơ hội đưa ra những lời khuyên đúng đắn, dùng kinh nghiệm sống và hiểu biết của mình để hướng dẫn, chỉ đường cho con, kịp thời ở bên con, giúp con xử lý những hậu quả có thể xảy ra trong những mối tình tuổi mới lớn.
Chính vì thế, theo các chuyên gia tâm lý, khi con đến tuổi biết yêu, phụ huynh cần tăng sự nhạy bén, quan sát, tìm hiểu tâm lý của con. Ngay từ đầu, khi phát hiện con trẻ bước chân vào mối quan hệ yêu đương, các bậc cha mẹ nên hết sức bình tĩnh, đừng vội phản ứng bộc phát mà cần lặng lẽ theo sát con. Sau đó, phụ huynh tăng cường việc khơi gợi, trò chuyện, tâm sự, khiến con tin cậy như một người bạn lớn. Để rồi thông qua đó, các bậc cha mẹ có thể giúp con nhìn nhận được đúng sai trong một mối quan hệ, đâu là ranh giới của tình yêu tuổi mới lớn, trang bị cho con những kiến thức về giới tính, sinh sản, kĩ năng tự bảo vệ an toàn.
Cha mẹ sinh ra cũng không phải là những “chuyên gia” hoàn hảo. Để có thể sát cánh cùng con, phụ huynh buộc phải tự học hỏi, tự hoàn thiện mình để có thể vừa là cha mẹ, vừa là chuyên gia tâm lý, chuyên gia giáo dục, lại vừa là người bạn tin cậy của con cái.