Đến nay, vụ bà Nguyễn Thị Hoàng Hoa huy động hàng trăm tỉ đồng rồi tuyên bố mất khả năng chi trả - vẫn còn đang trong vòng điều tra của Công an TP.HCM. Tuy nhiên, các chủ nợ của bà Hoa bắt đầu lâm cảnh khốn đốn.
Kể từ ngày bà Hoa (42 tuổi, ngụ Q.10, tự xưng chủ kinh doanh hột xoàn) tuyên bố mất khả năng chi trả (20.4.2010) đến nay, khoảng 70 chủ nợ với số tiền hơn 500 tỉ đồng rơi vào cảnh khốn khổ, đa phần phải sống khắp nơi, không dám về nhà vì sợ chủ nợ cấp dưới “dí” đòi tiền. Cũng có người xoay xở trả nợ được phần nào do số tiền vào tay bà Hoa chỉ vài tỉ đồng. Nhưng với chủ nợ mà số tiền bị giật lên đến hàng chục hoặc hàng trăm tỉ đồng thì... vô phương cứu chữa. Nợ... đa cấp Như trường hợp chị N.T.K.T (42 tuổi, ngụ Q.1) - bị bà Hoa “xù” hơn 15 tỉ đồng - không còn cách nào khác đành phải bán căn hộ chung cư ở Phú Mỹ Hưng được 4 tỉ đồng, 1 căn nhà khác ở Q.Tân Bình (5 tỉ đồng) và xe hơi để trả bớt cho chủ nợ cấp dưới. Hay như trường hợp của chị N.T.T (36 tuổi, quê An Giang) bị bà Hoa “lừa” lấy hơn 50 tỉ. May là trong số đó, đa phần là tiền của gia đình, vay mượn của bà con nên chị N.T.T vừa bán mấy căn nhà và xe hơi, trả trước cho chủ nợ cấp dưới xong vẫn còn dễ thở.
Trong tình hình hiện tại, để tự bảo vệ mình, theo luật sư Kính, người dân khi thỏa thuận cho vay cần phải ký kết dưới dạng văn bản, ghi rõ nguyên nhân, mục đích, thời hạn... để sau này các cơ quan tố tụng có cơ sở thụ lý giải quyết. Chứ chỉ bằng lời nói để kết người khác có dấu hiệu gian dối lừa đảo là rất khó. |
Bi kịch nhất có lẽ là trường hợp của chị V.N.H (35 tuổi, ngụ Q.5). Chị H. đưa cho bà Hoa tổng cộng 150 tỉ đồng. Vừa sinh con được 2 tháng thì chị H. nhận được tin dữ bà Hoa bỏ trốn vì mất khả năng chi trả. Chị H. hoàn toàn suy sụp, tinh thần hoang mang vì chị cũng huy động vốn của nhiều người khác với số tiền lên đến hơn 100 tỉ đồng. Mỗi lần chị H. đi ra ngoài đều có người thân đi theo vì sợ chủ nợ của chị “xử”. Mấy ngày nay, có một nhóm người từ Hải Phòng vào TP.HCM bám sát chị H. yêu cầu trả tiền. Chị H. quá sợ hãi nên trình báo công an. Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C14) phối hợp với Công an P.Nguyễn Cư Trinh (Q.1) đã làm việc với nhóm người trên. Ngoài ra gần đây, chị H. liên tục nhận được tin nhắn “khủng bố” và những lời đe dọa qua điện thoại kiểu như “Mày trốn nợ của tao hả. Tao chặt đầu mày”...Cần có hành lang pháp lý cho chuyện vay mượn Gần đây, tình hình vay mượn, huy động, góp vốn kinh doanh xong “xù” nợ xảy ra ngày càng nhiều, với số tiền ngày càng lớn và diễn ra ở nhiều địa phương khiến tình hình an ninh trật tự xã hội diễn biến phức tạp. Vụ việc kể trên chỉ là một ví dụ. Trao đổi xung quanh vấn đề này, luật sư Lê Thành Kính cho rằng: “Phải nhìn nhận bản chất chung đằng sau chuyện này là mục đích chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu vì vay mượn vượt quá khả năng đảm bảo thanh toán, gian dối dựng lên những câu chuyện không có thật (vụ bà Hoa dựng chuyện mở sòng bạc ở Campuchia, mua nhà ảo...) để huy động vốn, hoàn toàn có thể xử lý hình sự vì luật đã quy định tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hay “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Vấn đề là các cơ quan tố tụng sợ trách nhiệm do ranh giới giữa hình sự và dân sự là rất mong manh nên đùn đẩy qua dân sự cho khỏe. Nắm được điểm này, nhiều đối tượng đã “lách” luật phạm tội mà vẫn vô can”. Đồng quan điểm này, luật sư Nguyễn Thành Công chia sẻ: từ khi có Nghị quyết 388 về bồi thường trong chuyện điều tra, truy tố, xét xử oan sai thì cơ quan công an “nhát” tay hơn với những chuyện vay mượn giữa cá nhân với nhau. Bàn về giải pháp, theo luật sư Công cần có những quy định ràng buộc cá nhân không được huy động vốn kinh doanh núp bóng dưới danh nghĩa vay mượn có lãi, không được vay vốn vượt quá số vốn đăng ký hoạt động, sử dụng vốn vay không đúng mục đích thỏa thuận ban đầu... Nếu vi phạm phải truy tố hình sự để ngăn chặn tình trạng phức tạp này. “Gần đây, Nhà nước đã có quy định doanh nghiệp thanh toán tiền từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng rất hiệu quả. Vì vậy, Nhà nước cần ban hành những hành lang pháp lý bắt buộc việc chuyển, thanh toán một số tiền nhất định nào đó giữa các cá nhân cũng phải thông qua hệ thống ngân hàng. Hay nói cách khác là kiểm soát những số tiền lớn chuyển dịch từ người này sang người khác. Từ đó có thể truy tìm nguồn gốc của những số tiền chiếm đoạt bất hợp pháp. Công đoạn này sẽ rất hữu hiệu cho quá trình thi hành án dân sự và đương sự khó tẩu tán tài sản”, luật sư Công đề xuất. Có ý kiến cho rằng, các quy định về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” cần phải sửa đổi, mở rộng hơn cho phù hợp với tình hình hiện tại. Ví dụ, chỉ cần sử dụng vốn vay không đúng mục đích thỏa thuận hoặc bỏ trốn là có thể truy tố về tội lạm dụng.
Theo Lê Nga - Nguyên Bảo
Thanh Niên
Thanh Niên