Không như trường dạy trẻ bình thường, hầu hết các trường chuyên biệt đều “sợ” phụ huynh biết tới bởi không thể đáp ứng nhu cầu nuôi dạy trẻ.
Cô Trần Phương Dung, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Ước Mơ (quận 10, TP HCM), cho biết nhu cầu học tập của trẻ chuyên biệt rất lớn, mỗi năm trường có cả trăm phụ huynh đến xin học nhưng phải từ chối vì… quá tải.
Có nơi học là… may
Tương tự, Trường mầm non T.N (quận Tân Phú, TP HCM), nơi có khoảng 40 trẻ tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ cũng luôn trong tình trạng quá tải với danh sách chờ dài dằng dặc. Cô Nga, phụ trách chuyên môn nhà trường, cho biết: “Trường chỉ nhận ít trẻ để đảm bảo điều kiện nuôi dạy. Thế nhưng, chỉ với 40 em cũng khiến chúng tôi… chóng mặt”.
Lý giải điều này cô Nga cho rằng trẻ em tự kỷ có nhiều biểu hiện không giống nhau, nhưng có một điểm chung là bất thường về ngôn ngữ, kém về giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội. Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn. Cô giáo Trần Đặng Ngọc Thùy (27 tuổi) chia sẻ, cô thường xuyên bị trẻ cào cấu, cắn, ném đồ vật vào người, muốn dạy trẻ chuyên biệt phải hết sức kiên trì, chịu đựng và phải thật sự thông cảm với các cháu.
Tại TP HCM hiện có khoảng hơn 30 trường chuyên biệt cả công lập lẫn ngoài công lập. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường đều không nhận thêm học sinh vì quá tải và lo ngại không đảm bảo điều kiện nuôi dạy các cháu.
Dạy trẻ thiểu năng trí tuệ tại làng Hòa Bình,Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên |
Trường học thiếu… đủ thứ
Trường chuyên biệt cho trẻ khuyết tật cần những yêu cầu riêng, đặc biệt như lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng, đồ chơi giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ, chưa kể những phương tiện dạy học tối thiểu khác. Tuy nhiên, hầu hết các trường chuyên biệt lại đang gặp khó khăn...
Có mặt tại Trường chuyên biệt A.D (quận 12), chúng tôi ghi nhận trường bị ngập nặng chỉ sau một cơn mưa nhỏ, nền sân bong tróc và trơn trượt. Tại Trường H.V (quận 8), do khuôn viên rất nhỏ nên nhà trường phải tận dụng sân thượng để làm sân thể dục, phòng đọc sách và cả nơi dạy kỹ năng. Vào giờ ăn của trẻ, lối đi duy nhất cũng được tận dụng để lấy chỗ kê bàn.
Các trường chuyên biệt còn chưa có một giáo trình giảng dạy cụ thể. Thế nên, nhiều trường chỉ chú trọng dạy các bé phát triển về ngôn ngữ và các hành vi giao tiếp thông thường. “Đồ dùng dạy học tại nhiều trường chủ yếu là tranh minh họa nên rất khó trong việc giảng dạy các bé, những đứa trẻ nhận biết mọi việc chủ yếu bằng trực quan sinh động”, bác sĩ Trần Xuân Minh, chuyên gia về tâm lý thần kinh tại TP HCM khẳng định.
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất các trường dạy trẻ chuyên biệt còn gặp khó khăn vì không có nguồn tuyển giáo viên. TS Lê Thị Minh Hà, Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết sinh viên không “mặn mà” với ngành giáo dục đặc biệt. Khoa đã nhiều năm đào tạo giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt, ngoài tuyển sinh chính quy còn mở những lớp tại chức và các khóa bồi dưỡng ngay tại các trường nhưng vẫn rất thiếu so với nhu cầu. Vừa qua, khoa chỉ có 36 sinh viên tốt nghiệp và đợt tuyển sinh năm nay chỉ có 89 hồ sơ thi đầu vào. Đã thế sau khi tốt nghiệp, nếu về dạy tại các trường chuyên biệt thì mới có ngạch lương riêng và các trường muốn nhận sinh viên phải tự trích quỹ trả lương.
Theo Quốc Hải
Đất Việt