Đó là thực tế không thể chối cãi trước thực trạng dạy và học như kiểu của chúng ta hiện nay: Thực hành thì ít, nói suông thì nhiều…
Đào tạo lại toàn bộ
Yếu và thiếu ở mọi nơi, mọi lúc – đó là nhận xét của đại đa số các nhà tuyển dụng. Lo ngại nhất vẫn phải kể đến các nhà tuyển dụng về công nghệ thông tin. Một thống kê gần đây cho thấy, hiện chỉ có khoảng 10% kỹ sư công nghệ thông tin đáp ứng được như cầu công việc. Chúng ta cũng đã đào tạo được tới gần 10.000 tiến sỹ công nghệ thông tin nhưng phần lớn trình độ đều thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của quốc tế…
Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy. Thực tế, chúng ta đang thiếu hụt rất lớn đội ngũ nhân lực có trình độ trong các lĩnh vực chủ yếu của quản trị kinh doanh như: Marketting; bán hàng; quản trị tài chính; ngân hàng…
Nhiều công ty phản ánh, nhiều năm liền họ không tuyển dụng được người nào ở các vị trí nêu trên. Khảo sát từ nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) cho thấy, sinh viên ra trường hiện nay đa phần yếu kém về năng lực làm việc, cũng như khả năng thực tế. Thậm chí, có những sinh viên đạt kết quả học tập rất cao nhưng không có thói quen làm việc theo nhóm; không biết thuyết trình, diễn đạt trước đám đông…
Bởi vậy, đào tạo lại để có được những người làm được việc là phương án mà hầu hết các nhà tuyển dụng bắt buộc phải lựa chọn.
|
Đào tạo lại nhân lực là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp |
Cụ thể, theo chuyên gia về kinh tế, TS. Đoàn Hồng Lê, khảo sát 100 DN thì có tới 85% cho biết họ phải mất từ 3 – 6 tháng để đào tạo lại các sinh viên tốt nghiệp sau khi tuyển dụng mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của công việc. Có những công ty phải bỏ ra gần 2 năm đào tạo lại mới có được những nhân viên như ý muốn.
Có những trường hợp sinh viên tốt nghiệp bằng đỏ hẳn hoi nhưng lại trượt ngay từ vòng tuyển dụng đầu tiên vì không qua được phần bài tập tình huống; không biết thiết lập hồ sơ vay tiền ngân hàng; xây dựng kế hoạch sản phẩm mới… Rồi có những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Ngoại thương nhưng không biết cảng hay cửa khẩu là gì…?.
Ngay cả những người làm báo cũng vậy. Dù được dạy dỗ rất nhiều về lý thuyết trong giảng đường đại học. Nhưng khi ra trường rồi họ không thể ôm mớ lý thuyết suông ấy để đi làm việc được. Bởi để trở thành một nhà báo chuyên nghiệp, họ phải biết quay phim, chụp ảnh…
Trong khi đó, đa số rất ít khi, thậm chí chưa bao giờ được sờ đến những vật dụng này trong quá trình học đại học. Nắm rõ được “yếu điểm” này, ngay sau khi tuyển phóng viên, hầu hết lãnh đạo các tòa soạn phải mở cấp tốc các khóa học cấp tốc để đào tạo lại, bổ sung kiến thức cho phóng viên để đáp ứng được nhu cầu, tiêu chí của báo mình; rồi liên hệ với Hội Nhà báo Việt Nam; Cục Báo chí – Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tiếp các khóa tập huấn ngắn ngày để bổ sung, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các nhà báo…
Không chỉ chọn được những sinh viên được đào tạo đúng chuyên ngành, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP Cần Thơ còn phải đi đường vòng, nghĩa là tuyển các sinh viên theo học các ngành khác (môi trường, công nghệ…) rồi tiếp tục liên hệ với các đối tác, tìm nguồn vốn để hỗ trợ cho các cán bộ đi học.
Cụ thể, GĐ Lại Thị Kim Anh cho biết, phải mất gần chục năm mới có 3 sinh viên học môi trường nộp hồ sơ xin vào Trung tâm. Sau khi đào tạo cho họ những kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản để làm việc, bà tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ để cho họ học tiếp thạc sỹ tại Trường Đại học Y tế công cộng.
Có được những kỹ năng cơ bản về y tế cộng đồng rồi, bà lại bỏ rất nhiều thời gian để hướng dẫn họ về chuyên môn, nghiệp vụ và những công việc thực tế, cần thiết như: Cách xây dựng kế hoạch; thiết lập bản đồ dịch tễ; kỹ năng thu thập, quản lý số liệu; khả năng thuyết trình trước đám đông; kinh nghiệm truyền thông hiệu quả… Bởi theo bà “Muốn có cán bộ tốt, làm được việc phải đào tạo thường xuyên, liên tục và bố trí đúng khả năng, trình độ, sở trường của họ…”.
Cải tiến phương pháp đào tạo?
Cùng với những thách thức trong xu thế hội nhập, các DN, nhất là những DN đang chuẩn bị khai thác kênh xúc tiến bán hàng qua thương mại điện rử (TMĐT) đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Bởi để đáp ứng nhu cầu này, cán bộ nguồn của các công ty không chỉ phải am hiểu về kinh tế, thị trường, mà còn phải thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin và kinh nghiệm giao thương quốc tế…
Đánh giá về thực tế này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Trưởng khoa TMĐT, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương chia sẻ: “Nguồn nhân lực cho TMĐT hiện nay không những thiếu về số lượng mà còn cả về chất lượng. Sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu và chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu của các DN….”.
Vì thế, để nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, ông Dũng cho hay, bản thân nhà trường đã có kế hoạch hàng năm cử sinh viên thực tập tại các DN là thành viên của các sàn TMĐT quốc tế như Alibaba.com trong vòng 2 tháng để làm quen với môi trường giao thương thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm để ngay khi tốt nghiệp, các em có thể đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của các DN.
Nhằm hỗ trợ DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, các Sở Công thương trong cả nước cũng đang xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo về TMĐT dành cho DN. Ngoài ra, các tổ chức, công ty thuộc các lĩnh vực có liên quan cũng thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn, đào tạo nhằm cung cấp những kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nói chung và trên các sàn TMĐT dành cho DN nói riêng.
Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB - Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam cho biết: “Hiện nay để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong việc ứng dụng TMĐT của DN cần phải có sự góp sức của các bên tham gia. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ sở đào tạo trên cả nước thì các chương trình đào tạo ngắn hạn, bổ sung mang tính thực tế phù hợp với nhu cầu của các DN cần được khai thác triệt để…”.
Kinh nghiệm trên xem ra rất đáng để các nhà tuyển dụng cũng như các đối tác của họ học tập. Nó cũng là phương án được xem là trước mắt và hữu hiệu nhất hiện nay.
Ngoài ra, chúng ta cần phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, xem xét để cùng thống nhất xây dựng một phương án đào tạo tối ưu nhất để khắc phục những thiếu xót và hạn chế nêu trên, như ý kiến của ông Phạm Thế Hưng – Viện trưởng Viện SISME, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME): “DN và nhà trường nên nhìn nhận lại nguồn lực xem những gì đã đáp ứng, những gì cần sửa đổi, bổ sung trong Chiến lược nguồn nhân lực sắp tới, để có được một chính sách đào tạo chung bài bản, cụ thể và hiệu quả…”.
Trà Long