Không biết tự bao giờ, phải vào bệnh viện (BV) đã trở thành nỗi e ngại của tất cả mọi người.. Họ không chỉ e ngại bởi phải chầu chực, rồng rắn xếp hàng chờ khám; phải nằm hành lang, vỉa hè, hay chui rúc gầm giường, nằm ghép ba ghép bốn…, mà còn khiếp đảm khi phải… mặt đối mặt với các nhân viên y tế?!
“Thà về nhà nằm chờ chết…”
Chỉ cần đến bất kỳ BV nào, làm một cuộc phỏng vấn nhanh, dám chắc phải có đến 8/10 người phản ánh về thái độ khó chịu của nhân viên y tế đối với họ.Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đáng tuổi cha, chú, ông bà của nhân viên y tế mà còn bị họ mắng như “tát nước vào mặt”.
Xin được một nụ cười của các y tá, điều dưỡng thật khó |
Có những BN đã bức xúc cho biết: “Thà về nhà nằm chờ chết, còn hơn phải vào BV mà bị xúc phạm như vậy!”. Đó là những bệnh nhân đang bị những căn bệnh nan y hành hạ. Họ đã quá đau đớn về thân xác, giờ lại bị tổn thương về mặt tinh thần nên không thể chịu đựng nổi...
Bệnh nhân , người nhà bệnh nhân phản ánh đã đành. Ngay chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại một Hội nghị bàn về vấn đề y đức của cán bộ, nhân viên y tế cũng rất bức xúc thừa nhận sự xuống cấp ghê gớm của nhân viên trong ngành mình.
Đó là chia sẻ rất thật của bà từ thời còn là sinh viên thực tập tại một BV.“Trên búa, dưới đe” (trên thì bị thầy hướng dẫn quát nạt, dưới thì bị điều dưỡng hoạnh họe, gây khó dễ).
Chính vì thế, bà Tiến cho biết, y tá BV được gọi là “y tướng”.Có lần bà còn xấu hổ với nhân viên của mình khi tận mắt chứng kiến y tá của một BV nọ dám quát lãnh đạo chủ chốt của tỉnh đó khi đi thị sát, kiểm tra tình hình BV, rằng “Không nhìn chữ trên bảng à?” khi vị này hỏi thăm phòng đó ở đâu. Cũng trong lần đó, một vị lãnh đạo khác cũng bị nhân viên y tế mắng chửi tơi bời khi ngơ ngác hỏi thăm đường…
Phải làm mới hình ảnh của mình
Có một thực tế là khi nói về vợ mình, nhiều đồng nghiệp trong ngành y tế rất tự hào khi khoe vợ là giáo viên, ngân hàng, hay nhân viên văn phòng một công ty nào đó. Nhưng, lỡ có ông nào có vợ làm điều dưỡng BV thì lại tỏ ra ngại ngùng khi giới thiệu nghề nghiệp của vợ, một lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết.
Điều dưỡng viên cũng cần chuẩn Cùng với việc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quy tắc ứng xử, thành lập Bộ môn Y đức trong các trường Đại học, Cao đẳng y…, Bộ Y tế vừa xây dựng Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của Điều dưỡng viên với những tiêu chí rất cụ thể và rõ ràng: bảo đảm an toàn cho người bệnh; tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh; thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh; trung thực trong khi hành nghề; duy trì và nâng cao năng lực hành nghề; tự tôn nghề nghiệp; đoàn kết với đồng nghiệp và cam kết với cộng đồng và xã hội. |
Theo vị quan chức này, “con sâu bỏ rầu nồi canh” chính những cán bộ, nhân viên y tế (đặc biệt là các điều dưỡng viên) đã làm xấu đi hình ảnh của BV, thậm chí cả ngành y tế.
Ngoài thái độ không chuẩn mực nêu trên, lãnh đạo Bộ chủ quản cũng thẳng thắn thừa nhận những thách thức, vấn nạn khác của ngành như: phong bì BV, quá tải BV, liên kết khám dịch vụ, kê đơn thuốc, biệt dược không đúng quy định do bác sỹ và trình dược viên bắt tay với nhau…
Trước thực trạng trên, để lấy lại hình ảnh của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Quyết định 29 (2008) về Quy tắc ứng xử của cán bộ, nhân viên y tế đang được triển khai và phải được triển khai sâu, rộng hơn tại các cơ sở y tế.
Trước mắt, để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Y tế đã giao cho Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành một cuộc khảo sát về tình hình này, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
Việc triển khai 10 lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại cả ba miền Bắc, Trung và Nam cũng thể hiện quyết tâm rất lớn của ngành trong việc cải tổ lại hình ảnh.
“Không làm nghiêm không được. Sau khi tập huấn về, các lãnh đạo, chủ chốt của BV sẽ tập huấn, hướng dẫn lại cho cán bộ, nhân viên y tế (nhất là đội ngũ bảo vệ, điều dưỡng viên, dàn đón tiếp ngoài cổng BV). Tập huấn xong, các khoa phòng BV tự ký cam kết với lãnh đạo BV, lãnh đạo BV cũng phải ký cam kết với Bộ sẽ không vi phạm. Khi đã ký cam kết rồi mà vẫn vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc” – bà Tiến chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết thêm, thay đổi đầu tiên phải từ các khoa khám bệnh. Chính vì vậy, khi phê duyệt các Dự án cải tạo, xây dựng mới các BV Bộ Y tế đều xét duyệt việc cải tạo hệ thống khoa khám bệnh (từ bảng điện tử đến nơi khám, chỗ ngồi chờ khám của bệnh nhân, rồi bảo vệ, người trông xe, hướng dẫn như thế nào…). “Ngành y tế sẽ thay đổi hình ảnh trước mắt người bệnh, người dân và bạn bè quốc tế” – bà Tiến nói.
Cùng chung quan điểm này, ông Đoàn Hữu Đủ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế khẳng định, bằng các giải pháp quyết liệt và triệt để, Bộ Y tế sẽ dần giải quyết được tình trạng “thói quen xấu, phong bì xấu” trong các BV.
Trà Long