Chiều 17-5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố Chương trình và những nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12 sẽ khai mạc ngày 20-5 và kéo dài 1 tháng |
Tại cuộc họp báo, ông Trần Đình Đàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (VPQH) cho biết: Kỳ họp thứ 7 khai mạc lúc 9h ngày 20-5, dự kiến diễn ra trong khoảng 1 tháng. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác xây dựng pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao; chất vấn và trả lời chất vấn…
Theo Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng: Đây là kỳ họp giữa năm và nội dung trọng tâm là chương trình lập pháp. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi); các tổ chức tín dụng (sửa đổi); thuế nhà, đất; nuôi con nuôi; thi hành án hình sự; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; người khuyết tật; bưu chính; trọng tài thương mại; an toàn thực phẩm. Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết là: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Có 6 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến gồm: Thuế bảo vệ môi trường; thanh tra (sửa đổi); tố tụng hành chính; viên chức; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khoáng sản (sửa đổi).
Quốc hội sẽ nghe và thảo luận các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ KT-XH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009, tình hình triển khai kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2010 trong những tháng đầu năm, quyết toán NSNN năm 2008; nghe báo cáo và thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh; Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quốc hội sẽ nghe các báo cáo kết quả giám sát về: Việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học; việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7…
Trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan đến sự thay đổi trong Chương trình lập pháp với việc rút các dự án Luật Đầu tư công, Luật Biển Việt Nam và Luật Thủ đô ra khỏi chương trình kỳ họp, theo Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, các dự án nếu được chuẩn bị chưa thật sự đạt yêu cầu cao, chưa đủ điều kiện để trình xin ý kiến Quốc hội sẽ phải để chậm lại. Riêng về dự án Luật Biển Việt Nam, theo ông Trần Đình Đàn, những vấn đề liên quan đến biên giới, bảo vệ vùng trời, vùng biển, tổ chức khai thác, phân định là những vấn đề hết sức quan trọng, cần bàn bạc, thảo luận, trao đổi kỹ trong các cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm định.
Liên quan đến Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn, UBTVQH rất quan tâm đến một số vấn đề như: Thực trạng quy hoạch của Thủ đô hiện nay; đời sống KT-XH của các vùng Hà Nội mới; bề dày lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa Thủ đô; trung tâm hành chính mới của Thủ đô; vấn đề trung tâm hành chính gắn với trung tâm chính trị như thế nào; phương diện tài chính; giải thích cho nhân dân về định hướng này ra sao để tránh những sự lợi dụng để trục lợi (ví dụ về bất động sản). Quốc hội sẽ có ý kiến tham gia cụ thể với Chính phủ về Đồ án này để quyết định được phương án tối ưu nhất. Đồ án quy hoạch chung cũng sẽ được đưa ra lấy ý kiến trong nhân dân.
Một số vấn đề đại biểu QH quan tâm, đề nghị thông tin thêm như tiến độ nhà máy lọc dầu Dung Quất, vấn đề cho thuê đất rừng…sẽ được đề cập trong báo cáo chung về tình hình KT-XH của Chính phủ.