Tuần qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã phê chuẩn khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 4 nhân viên Kiểm toán Nhà nước nhận hối lộ 290 triệu đồng trong tổng số 830 triệu đồng mà các nhà thầu phải chung. Dư luận hoan nghênh các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, nhưng cũng đặt ra nỗi bức xúc rằng, kiểm toán là lực lượng chủ công chống tham nhũng mà lại tham nhũng.
“Nỗi đau chung của toàn ngành” là phát biểu của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái hồi tuần trước đánh giá vụ việc trên. Đây là lần đầu tiên cán bộ kiểm toán Nhà nước liên quan tới tiêu cực bị bắt quả tang về hành vi nhận hối lộ và bị khởi tố. Theo ông Lê Minh Khái, việc 4 kiểm toán viên bị bắt là do họ thiếu tu dưỡng và rèn luyện, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm nghiêm trọng quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, vi phạm quy tắc ứng cử của kiểm toán viên Nhà nước.
Song, vụ việc sẽ không được làm sáng tỏ nếu các nhà thầu không báo cáo với cơ quan chức năng. Câu hỏi được đặt ra là còn bao nhiêu vụ việc đòi chung chi mới “cho qua” như thế, và sẽ còn bao nhiêu kiểm toán viên biết luật mà vẫn phạm luật như thế? “Bài học đắt giá cho cán bộ, kiểm toán viên kiểm toán Nhà nước” như cách nhận định của ông Lê Minh Khái cũng là bài học cho rất nhiều cán bộ, công chức trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay.
Năm 2007, việc 3 nguyên Vụ phó Thanh tra Chính phủ, trong đó có ông Lương Cao Khải - từng là trưởng nhiều đoàn thanh tra lớn của Thanh tra Chính phủ, ra hầu tòa và nhận án tổng cộng 32 năm tù về tội tham nhũng khiến dư luận sốc. Việc “chung chi” dường như đã trở thành luật bất thành văn, hay nói đúng hơn là căn bệnh nan y tồn tại ngay trong chính những cơ quan chống tham nhũng. Nhiều cá nhân, nhiều doanh nghiệp bị ăn chặn tiền đều bức xúc nhưng khó tránh được. Dư luận càng bức xúc nhưng quả thật không dễ dẹp được những con sâu gây nguy hại cho nền kinh tế nước nhà.
Phanh phui thêm một vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vừa là tin vui bởi thêm một vụ tham nhũng bị đưa ra ánh sáng, nhưng lại vừa là nỗi xót xa bởi quá nhiều tiền của Nhà nước bị rút ruột, trong khi bài toán giảm nghèo cho các vùng nghèo của Việt Nam vẫn giải chưa xong.
Lịch sử cơ quan kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên có cán bộ kiểm toán liên quan đến tiêu cực. Song, có thể có nhiều cơ quan khác cũng sẽ lần đầu tiên có cán bộ tham nhũng như thế nếu người thi hành công vụ không ý thức trọn vẹn về vai trò, trách nhiệm của mình mà cứ đòi “chung chi”, và công tác phòng, chống tham nhũng không được thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Theo đánh giá của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và Luật phòng chống tham nhũng, trên một số lĩnh vực, hành vi tham nhũng có xu hướng giảm. Đã có 1.063 vụ án liên quan đến tham nhũng bị khởi tố và 1.070 vụ với 2.506 bị cáo được đưa ra xét xử từ năm 2007 đến nay. Tuy nhiên, những vụ việc mới nhất cho thấy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là việc vừa cấp bách, vừa lâu dài và phải được thực hiện kiên quyết, kiên trì với những bước đi vững chắc - như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhiều lần yêu cầu đối với các cấp, các ngành, để bảo đảm tính minh bạch, hướng đến thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Phúc Nguyên
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD
(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.