Ngày 18-1, Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố đã phối hợp cùng Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Đà Nẵng tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Việt Nam năm 2010 và những vấn đề kinh tế dài hạn” với sự tham gia của GS, TSKH Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Nhật Bản và PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
GS. Trần Văn Thọ và PGS.TS Trần Đình Thiên tại buổi nói chuyện chuyên đề. |
GS Trần Văn Thọ đã mở đầu buổi nói chuyện bằng việc phân tích hai trào lưu lớn đang tác động đến sự phát triển của kinh tế châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là: sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và trào lưu tự do mậu dịch ở châu Á. Theo phân tích của giáo sư, năm 1994, GDP đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30%, nhưng đến năm 2009 gấp 3 lần nước ta, tác động lớn đến nền kinh tế của nước ta mà rõ nét nhất là nhập siêu hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng.
GS. Trần Văn Thọ cho rằng, tự do mậu dịch với hàng rào thuế quan thông thoáng giữa các nước sẽ tạo điều kiện cho các công ty, tập đoàn nước ngoài có thể lựa chọn bất kỳ quốc gia nào để đầu tư. Do vậy, muốn cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam cần có nguồn lao động và môi trường đầu tư hấp dẫn. GS. Trần Văn Thọ khẳng định hai trào lưu nói trên là những nguy cơ mà Việt Nam cần đối phó nếu muốn xây dựng một nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
PGS. TS Trần Đình Thiên tham gia buổi nói chuyện với những nội dung về tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2009; những nỗ lực của Chính phủ trong việc khắc phục khủng hoảng, phục hồi tăng trưởng kinh tế; triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2010. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nền kinh tế Việt Nam vào tháng 1 năm 2009 đã xuống đến mức thấp nhất nhưng sau đó, những nỗ lực của doanh nghiệp cùng các chính sách hỗ trợ lãi suất, chính sách kích cầu của Chính phủ đã đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,2%.
Buổi nói chuyện chuyên đề “Việt Nam năm 2010 và những vấn đề kinh tế dài hạn” đã mang đến cho các nhà quản lý, những cán bộ trẻ, doanh nghiệp trẻ một cái nhìn tổng thể về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như con đường phía trước của đất nước. Đối với những cán bộ trẻ, các vấn đề mà hai học giả nêu lên sẽ giúp họ có những cách đánh giá, nhìn nhận đúng hơn về sự phát triển kinh tế của đất nước, từ đó, áp dụng một cách hiệu quả vào thực tiễn công việc ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tin và ảnh: M.Hạnh