Phần lớn đất sản xuất của nông dân tại các xã Phú Tân, Phú Vinh, Phú Lợi (huyện Định Quán)… toàn là đá với đá. Đá nhiều đến mức, nông dân phải xếp thành tường cao bao quanh vườn hoặc chẻ viên đem bán suốt bao năm qua vẫn không hết. Dù trồng tỉa trên vùng đất đá, cây trồng nơi đây vẫn bén rễ xanh tốt. Riêng người nông dân thì hun đúc giấc mộng đổi đời từ đá.
Lấy sức chọi đá
Với trên 20 năm sống cùng đá, thợ đá Hà Văn Vui cho rằng, hàng ngày, thợ đá chỉ cần đứng một chỗ cũng đủ sống. Đá bây giờ vẫn còn nhiều như lúc xưa, riêng ông thì đã cạn sức. Tuy nhiên, ông Vui vẫn bám chặt vào đá để nuôi thằng An (con trai út của ông) vào Đại học.
Những người thợ đá lạc quan |
Có mặt tại điểm khai thác đá Bằng Lăng Non buổi trưa tháng Chạp, chúng tôi nhận thấy, tuy trời gay gắt nắng, bốc hơi đất hầm hập, cánh thợ đá giờ đã cởi trần trùng trục, đưa cái lưng to bè ra hứng nắng, hứng gió xuân. Thợ đá Lò Thanh Long (22 tuổi), đưa tay vuốt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt. Long sít xoa nói: “Em mới vào nghề được hai tuần, kinh nghiệm không có nhiều nên dùng sức là chính. Trong khi đó, có những tảng đá không thể dùng sức chinh phục mà phải dùng thế. Cho nên, dù cật lực đập, một ngày em chỉ kiếm được gần trăm ngàn đồng”.
Thấy đồng nghiệp còn non nghề nhưng thật thà như đá, thợ đá Trần Văn Hoàng (làm chung hầm với Long) giải thích, đá cứng cỡ nào cũng có sứa (đó là yếu điểm của đá). Cho nên, đã là thợ đá chuyên nghiệp khi xuống tay búa thì luôn chính xác. Do giàu kinh nghiệm, thợ đá Hoàng đã “gian lận” lấn sau vào rẫy ông Trần Côn (người cho ông Hoàng thuê đất khai thác) hàng chục mét để tận thu đá. Ông Hoàng tâm sự: “Phía dưới đá vẫn tầng tầng, lớp lớp, nhưng khoét xâu vào chỉ tốn sức. Do đó, tôi chỉ khai thác đá mặt vì như vậy đỡ mất sức, đạt số lượng nhiều, dễ san lấp mặt bằng khi trả lại đất cho chủ”.
Bên kia hầm đá, hai bố con ông Vui đang loay hoay đào đất. Moi đến đâu, cha con ông đập đến đó. Có tảng đá dài chục mét cha con ông đào thành một cái hang. Ông Vui hớn hở nói: “Đó là trường hợp gặp may, mình dễ tạo thế để khai thác. Chứ đá nằm ngổn ngang dưới đất biết đâu mà lần. Có tảng đá chỉ nặng vài tạ, nhưng cứng ngắc, đập cả ngày mới xong. Đồng thời, có tảng to bằng con voi, nhưng chỉ vài nhát búa là vỡ ra thành những tảng nhỏ, thu được hàng ngàn viên đá chẻ, đủ chất đầy một xe công nông”.
Ép đá phải nở hoa
Phải mất ba năm, nông dân Nình Phùng Pẩu, ngụ tại ấp 2, xã Phú Vinh mới xây được bức tường đá bao quanh rẫy dài 1.000 m, cao 1,5 m. Công việc xây tường tuy có hao công, tốn sức, ông Pẩu vẫn quyết tâm phải dọn cho sạch lớp đá trên bề mặt, để cây trồng tìm nơi bén rễ. Vậy mà, đá vẫn ngổn ngang trong vườn. Ông Phẩu nói:“Mười lăm năm nay, sau mỗi mùa rẫy là tôi dọn đá chất thành ô, thành hàng. Nhưng đá to, đá nhỏ vẫn tiếp tục lộ thiên, hết chỗ chất thì tôi đập đá đem bán. Nhờ vậy, lúc nông nhàn thì tôi làm đá”.
hiếu nữ Hoa (Nùng) phụ việc đồng án cùng gia đình |
Còn nông dân Phòng A Bình, ngụ tại ấp 3, xã Phú Tân, sau khi cùng chúng tôi dạo một vòng quanh rẫy xem đá nói: “Thấy vậy chứ đất ở đây tốt lắm, bên các kẽ đá là lớp đất màu mỡ. Trồng bầu bí, ngô đậu, dưa cà hay cây công nghiệp, cây ăn trái đều tươi tốt. Chỉ có kẻ lười biếng thì mới thiếu ăn hoặc bán rẫy đi nơi khác lập nghiệp”.
Với hàng trăm ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp của nông dân các xã Phú Vinh, Phú Lợi, Phú Tân (huyện Định Quán)…. đá nhiều hơn đất. Vậy mà, nông dân ở đây vẫn tìm được cơ hội đổi đời trên đá, nhiều người đã xây được nhà khang trang, nuôi con học đại học, sắm được ô tô, xe tải. “ Muốn làm đủ ăn không khó, chỉ cần có sức khỏe tốt, siêng năng là được. Còn muốn khá, giàu thì phải làm cho đá nở hoa” – nông dân Phạm Nghĩa (xã Phú Lợi) vừa tưới nước cho cây, vừa rủ rỉ tâm sự với chúng tôi.
Vào sâu trong rẫy của các nông dân ở huyện Định Quán nơi nào cũng thấy đá. Nhiều nơi nông dân còn xếp đá thành hàng dài trước nhà, quanh ruộng rẫy hoặc gom lại thành đống như chất rơm rạ. Vậy mà, rẫy vườn của nông dân quanh năm luôn nhuộm màu xanh của cà phê, chuối, bắp, xoài, bưởi, thuốc lá... “Còn nước da con gái dân tộc Hoa thì trắng ngần, mịn màng. Có lẽ do gần đá, xây nhà trên đá và lam lũ với đá nên thôn nữ nơi đây càng thật lòng và dễ thương”- anh bạn đồng nghiệp đi cùng chúng tôi nhận xét khi nhìn thấy các cô gái Hoa đang phụ giúp gia đình thu hoạch tiêu, thuốc lá.
Anh Phòng A Thắng ở ấp 4, xã Phú Vinh thì cho biết, ở đây nhà cao tầng là của dân Việt Kiều, nhà xây thấp thấp là của người Hoa chúng tôi. Sống trên đá mà xây được nhà cấp 4, cho con ăn học là chúng tôi cố gắng lắm rồi. Nói vậy thôi chứ bây giờ đá đã nở hoa, con gái Hoa giờ cũng biết trang điểm đẹp để lấy chồng địa phương giỏi giang chứ không nhằm mục đích xuất ngoại và họ biết chê con trai Hoa nhà giàu lười biếng lao động.
Trong tiết lạnh của gió xuân, cùng với hơi lạnh tỏa ra từ đá. Các thôn nữ đang thu hoạch cà phê, thuốc lá ngoài rẫy tủm tỉm cười khi chúng tôi đến gần bắt chuyện, làm quen và đặt vấn đề: “Có phải con gái bây giờ thích lấy chồng Đài Loan, Việt Kiều hơn là lấy thanh niên tại địa phương ?”. Mai Thy 17 tuổi, con gái của nông dân Lầu Pím (xã Phú Tân) thẹn thùng nói : “ Em không lấy chồng Việt Kiều đâu. Em chỉ thích thanh niên siêng năng, khỏe mạnh, một mình có thể lăn hòn đá trăm ký và đập một ngày trăm viên đá. Nếu anh làm được thì em cũng ưng”.
Màu xanh của đá
Đầu tháng 12 Âm lịch, trời bắt đầu gắt nắng, nhưng vườn cà phê vừa thu hoạch xong của nông dân Trần Phúc (xã Phú Lợi) vài cây đã lốm đóm nở hoa trắng. Đu đủ trĩu qủa xanh, cây điều thì đang kỳ rộ hoa đậu trái. Chuối, xoài, bưởi, ớt...nhuộm màu xanh non trên đá trông bắt mắt . Đặt viên đá nặng gần 20 kg xuống bờ ranh , ông Phúc vừa thở, vừa trả lời chúng tôi về sự khắc nghiệt của thời tiết nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều đến màu xanh của cây. Ông Phúc nói: “ Mùa nắng nóng cứ tưởng là cây trồng sẽ khô héo, nhưng ngược lại chỉ cần tưới nhẹ cho cây một ít nước buổi sáng sớm, cùng với việc hấp thụ hơi nước từ đá từ sương đêm thì cây trồng trong vườn xanh tốt. Ngày nắng ngồi trên đá nghỉ trưa dưới tán cây, mát hơn ở phòng máy lạnh máy chú à”.
Dù trồng trọt trên vùng đất đá, cây trong vườn của nông dân quanh năm xanh tốt |
Đúng vậy, không riêng gì vườn cây của gia đình nông dân Phúc mà vườn cây của các hộ nông dân xã Phú Lợi và các xã khác đều phủ một màu xanh trên đá. Nơi nào có màu xanh là nơi đó có sự sống, mà sự sống mãnh liệt đến mức “cây bám đá tìm nhựa sống, người bám cây để tìm cơ hội đổi đời và khát vọng đưa con vào các trường đại học, hoặc trúng mùa để xây nhà kiến cố”.
Rời vùng đất đá, xa nụ cười bẽn lẽn của những cô thôn nữ nơi vùng đất đá. Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi vẫn còn quyến luyến nụ cười duyên của họ và khát vọng về cuộc sống no đủ trên đá của nông dân ở đây suốt chặng đường về.
Đoàn Phú