Toàn cảnh Khu di tích lịch sử cách mạng Đầm Bầu (Tân Phong, Kiến Thụy) Ảnh: Duy Lân |
Di tích lịch sử cách mạng Đầm Bầu- nơi chi bộ Đảng đầu tiên trên địa bàn huyện Kiến Thụy thành lập, trở thành một điểm nhấn quan trọng trên vùng đất địa linh, nhân kiệt thuộc xã Tân Phong. Hàng chục năm qua, bao thế hệ người Tân Phong tiếp nối nhau viết nên huyền thoại cách mạng hào hùng, bên cạnh truyền thuyết cá chép hóa rồng, chín rồng quần tụ…
Vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Nằm cuối huyện Kiến Thụy, giáp quận Đồ Sơn, xã Tân Phong nổi tiếng là vùng đất địa linh, nhân kiệt và có truyền thống cách mạng hào hùng. Nơi đây, có doi đất bên bờ sông hình con cá chép với truyền thuyết cá chép hóa rồng, có giếng ngọc, chùa Hàm Long với truyền thuyết chín rồng quần tụ. Nơi đây có cánh đồng Bầu (tên gọi do hình dáng giống quả bầu), cái nôi của phong trào cách mạng, nơi có chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn huyện Kiến Thụy.
Một buổi sáng cuối tháng 3 khi trời còn mờ sương, chúng tôi về Tân Phong. Mặc dù có hẹn trước, nhưng vẫn không khỏi ngạc nhiên khi thấy Bí thư Đảng ủy xã Bùi Đức Dụng chờ trước cửa nhà lưu niệm. Thấy vẻ ngạc nhiên hiện rõ trên gương mặt chúng tôi, anh Dụng cười rồi “thanh minh”, mọi người trong xã có thói quen đến thắp hương nhà lưu niệm vào buổi sáng.
Nhiều cuộc họp chi bộ Đảng, HĐND, UBND được tổ chức ngay trong nhà lưu niệm. Điều đặc biệt, trong nhà lưu niệm thờ bức tượng tạc Bác Hồ ngồi bằng đồng- cả nước chỉ có thêm một bức tượng Bác như thế ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh Dụng cho biết, trước khi bước vào cuộc họp quan trọng, thắp hương trước tượng Bác và di ảnh các bậc tiền bối cách mạng, mọi người thêm yên lòng. Hơn nữa, có sự chứng kiến của Bác, chẳng ai dám làm điều gì có lỗi trước Đảng, trước dân…
Cụ Đinh Văn Điển bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa Ảnh: Thái Phan |
Chúng tôi tiếp bước nhau vào thắp hương trước tượng Bác và di ảnh các bậc lão thành cách mạng tiền bối, thấy lòng nhẹ nhõm. Ở chính giữa là bức tượng Bác Hồ đang ngồi bằng đồng, bên tay trái là bàn thờ 3 đảng viên cộng sản được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về gây dựng cơ sở và chỉ đạo phong trào trong khu vực từ năm 1937 đến 1945, là các đồng chí Vũ Quý, Phạm Văn Thuyên (Mai Côn) và Nguyễn Thị Vĩnh (Yên). Bên tay phải thờ các đồng chí Đặng Đình Thủy (Dương Thủy), Đinh Văn Kỷ (Thành
Chúng tôi như sống lại bầu không khí gần 70 năm trước. Ngày đó, trong vòng kiểm soát gắt gao của địch, trên chiếc thuyền nan bồng bềnh trên sông, ngày 22-9-1944, đồng chí Phạm Văn Thuyên tổ chức cuộc họp bí mật kết nạp đảng viên và tuyên bố thành lập chi bộ, chỉ định đồng chí Đặng Quang Chất làm bí thư.
Nhìn vẻ bề ngoài, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên trên địa bàn huyện Kiến Thụy được thành lập một cách rất đơn giản và bình yên. Nhưng trên thực tế, đây là kết quả quá trình đấu tranh bền bỉ trước ách thống trị của thực dân, phong kiến, với đầy dũng cảm, mưu trí và không sợ hiểm nguy của những chiến sĩ cách mạng tiền bối…
Chung tay, chung lòng tri ân người xưa
Dẫn chúng tôi ra tận con sông và cánh đồng mà lúc trước, chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, cụ Đinh Văn Điền bồi hồi nhớ lại những sự kiện năm xưa. Ở tuổi 82, người cán bộ cách mạng lão thành với 63 năm tuổi đảng này còn khỏe và minh mẫn. Cụ vẫn nhớ, cánh đồng Bầu vốn thuộc sở hữu của tên địa chủ gian ác Bùi Đình Thìn. Những tá điền chỉ cày cấy được vụ chiêm, còn vụ mùa, nước con sông Kính Trực lên trắng xóa, lại đánh bắt tôm cá để kiếm sống. Ngày chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập, cụ khi ấy mới 16 tuổi, xung phong tham gia đội tự vệ cứu quốc. Cứ mỗi đêm trăng sáng, trên khu vực nhà lưu niệm hiện nay, khi ấy là ruộng mạ, đội tự vệ lại tập dưới ánh trăng.
Cụ Điển vẫn còn nhớ rõ những ngày gian nan ngay sau khi chi bộ được thành lập, bọn Việt gian chỉ điểm mật thám Pháp đến bắt giữ, tra tấn đồng chí Đoàn Sơn, người được phái đi xây dựng phong trào tại thị xã Uông Bí. Do bị lộ, đồng chí buộc phải lánh về quê nhà. Những ngày sau đó, mật thám Pháp và Việt gian lùng sục khắp nơi, có lúc tưởng như phong trào bị vỡ, nhiều cán bộ đảng viên phải lánh đi nơi khác.
“Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Đêm 30 Tết năm 1945, hơn 100 người trong xã tham gia mít tinh tại gò cụ Hoạt, sau đó đoàn người kéo đi khắp huyện rải truyền đơn kêu gọi không nộp thuế cho Nhật- Pháp, không nộp tô cho địa chủ. Từ đó, phong trào lan mạnh ra toàn huyện đến ngày cách mạng thành công.
Nhân dân địa phương dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử cách mạng Đầm Bầu Ảnh: Duy Lân |
Khu di tích lịch sử cách mạng Đầm Bầu khang trang được xây dựng trên mảnh đất 1.500 m2 do anh Đoàn Quang Ngạn ủng hộ. Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Bùi Đức Dụng cho biết, toàn bộ số vốn xây dựng khu di tích lên tới 3 tỷ đồng. Ngoài tiền ngân sách, là tiền đóng góp của bà con, cán bộ đảng viên. Nhớ nhất ngày khởi công cũng như ngày khánh thành, trên bầu trời hiện rõ ánh hào quang và cả xoáy lốc. Có lẽ, truyền thống cách mạng Đầm Bầu khiến vùng đất này “địa thêm linh, nhân thêm kiệt”.
Anh Nguyễn Duy Văn, cán bộ địa chính xã cho biết, các cấp ủy Đảng chính quyền cùng bà con trong xã đang chung tay, chung lòng nhằm biến nơi đây trở thành điểm đến cho tất cả mọi người, đặc biệt các cán bộ lão thành cách mạng và con em quê hương đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc. Nơi đây sẽ xây dựng khu vực nhà khách để đón tiếp khách quý nơi xa, vườn tượng nhằm tôn vinh những bậc lão thành cách mạng… Đầm Bầu sẽ đổi thay tương xứng với sự phát triển kinh tế- xã hội của quê hương, ghi nhận sự tri ân của các thế hệ con cháu trước công lao của các bậc tiền nhân.
Thái Phan