Từ khoảng 8h hôm qua (31/1), tại tỉnh Lào Cai, mưa tuyết bắt đầu xuất hiện từ khu vực đỉnh Fansipan ở độ cao 2.800m sau đó lan tỏa xuống các vùng thấp hơn ở độ cao 2.000m so với mực nước biển (dọc từ đỉnh đèo Ô Quý Hồ xuống thác Bạc và thị trấn Sa Pa). Tuyết phủ trắng khắp nơi và dày hơn theo độ cao, tuy nhiên do kèm theo mưa nên bông tuyết sau khi rơi xuống có xu hướng tan nhanh. Theo quan trắc của ngành khí tượng thủy văn, đến 13h chiều 31/1, nhiệt độ đo được tại thị trấn Sa Pa chỉ còn 0,5 độ, thấp hơn so với buổi sáng. Còn trên núi Ngải Thầu Thượng, xã Ngải Thầu (huyện Bát Xát) do nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nên đã xuất hiện băng giá.
Trong khi đó, thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng tỉnh Lai Châu cho biết, nhiệt độ trung bình trên địa bàn đo được vào 9 giờ ngày 31/1 là từ 2 đến 6 độ C. Các địa phương vùng núi cao nhiệt độ từ 2 đến 3 độ C. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Lai Châu đã có công điện chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường tuyên truyền và triển khai các giải pháp chống rét, đảm bảo an toàn cho người, cây trồng và vật nuôi. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu giao trách nhiệm trực tiếp cho chủ tịch UBND các huyện và giám đốc các sở ngành trong việc đảm bảo an toàn cho lĩnh vực đơn vị phụ trách và địa bàn quản lý.
Theo ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, ngay từ đầu mùa rét, huyện đã triển khai các giải pháp phòng chống rét trong mùa đông. Hiện nay huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường cán bộ về cơ sở phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân chủ động các giải pháp phòng chống rét cho người và cây trồng, vật nuôi.
Cùng với việc chủ động chống rét cho cây trồng, vật nuôi, hiện nay ngành Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục, các nhà trường trực thuộc chủ động lịch học và nghỉ vào mùa đông để đảm bảo an toàn cho học sinh. Đối với các nhà trường ở vùng sâu, vùng xa cơ sở trường lớp tạm đã chủ động che chắn phòng học và sử dụng các biện pháp giữ ấm cho học sinh. Ngay trong ngày 31/1, khi nhiệt độ xuống thấp, nhiều trường học ở vùng cao, trong đó chủ yếu là bậc học mầm non và tiểu học cũng đã cho học sinh nghỉ học.
Khi nhiệt độ ở vùng núi xuống quá thấp cũng là thời điểm đàn gia súc bị thiệt hại nhiều nhất nếu bà con chủ quan, không biết cách phòng tránh cho vật nuôi. Hiện tại, tỉnh Yên Bái đã có 15 con trâu, bò ở huyện Trạm Tấu bị chết rét.
Để tăng cường các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, ông Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết, lãnh đạo huyện, cán bộ chuyên môn đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn người dân cách chống rét cho trâu, bò. Giải pháp là tăng cường che chắn chuồng trại, cho trâu, bò uống nước muối ấm, cho ăn cám, đốt sưởi ấm cho trâu, bò. Vận động người dân không chăn thả trâu, bò vào ngày giá rét.
Mùa Đông năm nay, phương án phòng chống rét cho đàn vật nuôi được huyện triển khai từ rất sớm; đến cuối năm 2017, nông dân Trạm Tấu làm được 2.020 cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc. Huyện còn tích cực hỗ trợ và vận động người dân trồng cỏ, thời điểm này, hầu hết các xã đã trồng cỏ VA06 và toàn huyện hiện có khoảng gần 400 ha cỏ.
Dự báo, những ngày tiếp theo, tuyết và băng giá nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện tại một số tỉnh thuộc miền núi phía Bắc. Nhằm chủ động phòng tránh dịch bệnh và những thiệt hại do thời tiết rét kéo dài trong thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Công văn chỉ đạo về việc phòng, chống rét, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh thành lập đoàn công tác do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn và các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan thuộc Sở để khẩn trương đi kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, rét cho gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng trên địa bàn tỉnh; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, rét cho vật nuôi, cây trồng.
Cùng với đó, để người dân nắm bắt được thông tin về tình hình thời tiết, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp, thường xuyên cập nhật về diễn biến thời tiết và tăng thời lượng phát sóng, đưa tin các biện pháp, hướng dẫn cách phòng, chống rét, dịch bệnh để người dân biết, chủ động các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng.