Sau những năm tháng nghiện ngập, nhận thấy cuộc sống gia đình càng ngày càng khổ cực, người thanh niên đã quyết tâm cai nghiện và học nghề trồng nấm để làm lại cuộc đời. Trải qua hàng loạt khó khăn ngoài dự tính, hiện nay mô hình trồng nấm của anh đã bước đầu thành công, cho thu nhập cao.
Vượt qua quá khứ nghiện ngập, nay anh Đại là chủ trang trại nấm sò |
Cởi trần lang thang giữa đêm đông trốn cơn “vật” thuốc
Anh Đặng Văn Đại (SN 1978, ngụ xóm 9, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vốn là thợ sửa xe máy. Năm 1999, anh lập gia đình, có con trai con gái và mở một cửa hàng sửa chữa ở thị trấn Cầu Giát, nhưng từ năm 2005 lại lâm vào con đường nghiện ngập.
Bao nhiều tiền làm ra đều đổ vào ma túy, công việc đình trệ, khách hàng ngày càng thưa, cuộc sống gia đình đang từ chỗ tương đối ổn định bỗng thiếu thốn, nheo nhóc.
Đại không giấu được xúc động khi nhớ lại những ngày đã qua, nhiều khi thấy vợ con không có nổi một bữa cơm để ăn, không có một bộ đồ mới để mặc, anh vô cùng ân hận vì làm khổ người thân. Sau hai năm u mê với “nàng tiên nâu”, Đại đã quyết tâm cai nghiện nhờ sự động viên lớn của gia đình và chính quyền địa phương.
Để chống chọi với những lần lên cơn vật vã, giữa đêm mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, Đại nghĩ ra cách cởi trần đi lang thang trong xóm để nhờ cái lạnh xoa dịu cơn vã thuốc, giúp mình tạm quên đi ma túy. Quãng thời gian khó khăn đó rồi cũng qua, người thanh niên đã đoạn tuyệt được với “chất chết trắng” trong sự vui mừng của cả gia đình.
Trở về với cuộc sống bình thường, kinh tế gia đình quá chật vật khi toàn bộ chi tiêu chỉ trông chờ vào hai sào ruộng ít ỏi. Thêm vào đó không ít lời bàn ra tán vào nghi ngờ anh vẫn còn dính dáng tới ma túy, họ không tin một người nghiện có thể cai được hoàn toàn. Bỏ qua tất cả mặc cảm, Đại tập trung tìm tòi nghĩ cách để làm ăn giúp gia đình mình thoát nghèo. Anh không muốn đi làm ăn xa vì sợ sẽ lại sa chân vào con đường cũ nếu không có vợ con bên cạnh. Nhưng biết làm giàu bằng cách nào ngay tại quê hương?. Đã bao đêm Đại trằn trọc thức trắng để tìm câu trả lời.
Tìm hiểu kinh nghiệm làm ăn khắp nơi, nhận thấy trồng nấm là một mô hình rất phù hợp với điều kiện địa phương, anh nghĩ: “Nếu chịu khó đầu tư học hỏi thì mình cũng có thể làm được”. Đại nhờ bạn bè lên mạng tìm hiểu các thông tin liên quan để đi học nghề. Nơi anh lựa chọn “tầm sư học đạo” là một cơ sở dạy trồng nấm sò ở tỉnh Quảng Trị.
Tuy nhiên, trở ngại ban đầu lại đến từ chính gia đình, ai cũng phản đối bởi tại địa phương nhiều người đã tán gia bại sản vì trồng nấm. Mất nhiều công thuyết phục nhưng vẫn không nhận được sự ủng hộ, năm 2008, mặc cho gia đình phản đối Đại vẫn cương quyết khăn gói lên đường vào Quảng Trị với một niềm tin đơn giản: “Có rất nhiều người đã thành công với mô hình trồng nấm, tại sao họ làm được mà mình không làm được?”.
Thêm một khó khăn nữa ngoài dự tính, chủ cơ sở dạy trồng nấm khi biết lý lịch từng nghiện ngập đã từ chối nhận anh vào học. Suốt một tháng ròng, anh vẫn kiên trì đi đi về về mấy trăm km giữa Nghệ An và Quảng Trị đến gần chục lần chỉ để xin học. Người chủ xúc động trước thành tâm của chàng trai đã đồng ý nhận dạy nghề.
Gian nan đưa nấm sò từ nhà ra chợ
Sau hơn 3 tháng học tập miệt mài, Đại đã nắm chắc toàn bộ quy trình trồng nấm sò, trở về nhà với ý định vay vốn để trồng nấm. Nhưng đi đâu hỏi ai cũng lắc đầu, không một ai dám cho hai vợ chồng vay tiền, ai cũng e ngại quá khứ nghiện ngập, sợ anh sẽ không trả tiền cho họ. Đi vay ngân hàng thì không có tài sản thế chấp, có mảnh đất đang ở nhưng thời điểm đó chưa có sổ đỏ nên cũng đành chịu.
Đại phải gác dự định làm ăn sang một bên, vợ chồng cùng đi phụ hồ khắp nơi để kiếm kế sinh nhai. Đầu năm 2012, ngay khi lấy được bìa đỏ đất, anh đã mang thế chấp ngân hàng vay 50 triệu về làm vốn để mở cơ sở trồng nấm sò.
Lần trồng nấm đầu tiên thất bại thảm hại, hầu như toàn bộ số nấm trồng đều bị chết hết. Vợ chồng trắng tay, toàn bộ vốn liếng đã “bốc hơi” theo số nấm bị hỏng. Bình tâm ngồi nghiên cứu kĩ lưỡng các công đoạn trồng nấm của mình, Đại phát hiện thất bại do áp dụng theo các kĩ thuật trong sách vở một cách cứng nhắc, không linh hoạt kết hợp với thực tế.
Không hề nản chí, anh lại quyết tâm đi vay tiếp 50 triệu đồng, thậm chí chấp nhận trả nặng lãi để đầu tư tiếp vào trang trại trồng nấm. Rút kinh nghiệm từ lần đầu, Đại thấm thía “những kĩ thuật trong sách vở rất quan trọng nhưng nếu không linh hoạt vận dụng khéo léo vào thực tế thì cũng không thể đạt hiệu quả cao được”. Lần thứ hai bắt tay làm lại, vợ chồng Đại đã thành công lớn, số nấm được trồng đều phát triển rất tốt và đồng đều.
Bước tiếp theo là tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian đầu khi người dân chưa biết đến loại hàng này, Đại và vợ phải chia nhau mang nấm sò đến các cửa hàng ăn và các chợ trong huyện để giới thiệu và mời mua. Lúc đầu nhiều người còn e ngại vì thấy thấy loại nấm mới, có màu trắng mập mạp “nhìn lạ quá”, ai cũng sợ anh dùng chất kích thích để trồng nên không dám mua về ăn.
Anh Đại đã phải giải thích cặn kẽ đây là loại nấm được trồng từ tế bào mô nên rất sạch. Điều kiện ươm trồng là tất cả nguyên liệu rơm, mùn cưa, nước… đều phải sạch thì loại nấm này mới phát triển được, vì vậy không thể dùng chất kích thích vào quy trình trồng nấm. Ngoài ra ông chủ trang trại còn giới thiệu nấm sò ăn rất ngon và tốt cho sức khỏe, có tác dụng trong phòng được bệnh huyết áp và lưu thông máu.
Đã có nhiều người mua thử về ăn và thấy quả thực ngon đúng như lời “quảng cáo”. Khách đến mua thường xuyên hơn. Các cửa hàng ăn lớn trong huyện cũng bắt đầu đến đặt hàng. Anh Đại cho biết hiện nay nấm sò rất được ưa chuộng, vào những dịp lễ nhu cầu của người dân rất lớn, có khi cơ sở của anh không còn nấm để bán cho khách hàng.
Tin tưởng vào hướng đi của mình, anh quyết định mở rộng quy mô, ngoài cơ sở sản xuất tại nhà còn đầu tư xây dựng một trang trại mới với diện tích 150m2. Trên thị trường 1 kg nấm sò có giá 35.000 đồng, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được 10- 15 kg nấm. Thu nhập hàng tháng ổn định hơn chục triệu đồng, gia đình anh không những đã trả được nợ ngân hàng mà còn có “của ăn của để”.
Đại còn hướng dẫn cho rất nhiều hộ gia đình khác tại địa phương về kĩ thuật trồng nấm để họ có thể tự mở trang trại sản xuất vươn lên thoát nghèo. Với kiến thức và kinh nghiệm bản thân, anh cho rằng bí quyết để trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế cao trước hết ở quy trình ươm trồng đúng kỹ thuật, kế tiếp là không nên tập trung trồng số lượng lớn trong một lần, nên làm theo kiểu gối đầu để khi nào cũng có nấm bán, tránh tình trạng lúc thì dư thừa sản phẩm, lúc thì “cháy” hàng trong những dịp quan trọng.
Với những thành công đạt được, Đại đã hoàn toàn lấy lại được niềm tin của cộng đồng, từ chỗ nghiện ngập tán gia bại sản, anh đã trở thành một tấm gương sáng về nghị lực và làm kinh tế giỏi ở quê hương. Mô hình trồng nấm của gia đình anh đang được nhiều cá nhân, tổ chức xã hội đến tìm hiểu để phát triển nhân rộng.
An Hà